Phản ứng của phương Tây trước kế hoạch hạt nhân của Nga ở Belarus
VOV.VN - Việc Nga mới đây bất ngờ thông báo sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược trên lãnh thổ Belarus vấp phải phản ứng mạnh từ các nước phương Tây. Ukraine cũng đang kêu gọi tổ chức một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc này.
“Tổng thống Belarus đã nói đúng. Ông ấy đã nói rằng Nga và Belarus là đồng minh thân cận nhất. Tại sao người Mỹ có thể triển khai vũ khí hạt nhân tại các nước đồng minh, huấn luyện đồng minh cách sử dụng loại vũ khí này khi cần. Chúng tôi đã đồng ý rằng, chúng tôi cũng sẽ làm như vậy, song không vi phạm nghĩa vụ quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân”.
Đó là tuyên bố của Tổng thống Nga khiến phương Tây hai ngày nay phản ứng rất mạnh. Quyết định trên được đưa ra sau khi Anh tuyên bố sẽ chuyển vũ khí urani nghèo cho Ukraine, động thái mà ông Putin mô tả là dấu hiệu cho thấy “sự liều lĩnh tuyệt đối” của London.
Hôm qua (26/3), Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục nhắc lại cáo buộc phương Tây là bên khởi xướng cuộc xung đột tại Ukraine bằng cách hậu thuẫn cho cuộc đảo chính trước đó và hiện đang vượt qua mọi lằn ranh đỏ khi liên tục cung cấp vũ khí cho chính quyền Kiev hiện tại.
Bước đi của Nga và Belarus khiến phương Tây “đứng ngồi không yên”. Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrell tuyên bố khối này sẽ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt bổ sung nếu Belarus cho phép Nga triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình. Ông Borrell cũng gọi quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus là động thái “leo thang” của Nga và là mối đe dọa đối với an ninh châu Âu.
Trong khi đó, người phát ngôn NATO Oana Lungescu đã gọi động thái của Nga và Belarus là quyết định hoàn toàn sai lầm. NATO rất cảnh giác và theo dõi chặt chẽ tình hình. Tuy nhiên, liên minh quân sự này chưa thấy bất kỳ thay đổi nào trong tư thế hạt nhân của Nga khiến NATO phải điều chỉnh.
Mỹ cũng có tuyên bố tương tự. Hạ nghị sĩ Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ thuộc đảng Cộng hòa, cho biết ông coi kế hoạch của Nga là nhằm đe dọa và khiến phương Tây lo sợ. Song người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson lại thừa nhận chưa thấy bất kỳ lý do nào để điều chỉnh tư thế hạt nhân chiến lược cũng như dấu hiệu cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân. Mỹ vẫn cam kết bảo vệ tập thể liên minh NATO.
Bộ Ngoại giao Ukraine kêu gọi một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để phản ứng với thông báo của Nga và Belarus. Ukraine rất mong các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an có hành động hiệu quả để chống lại các mối đe dọa hạt nhân từ Nga.
Theo dự kiến, Nga sẽ hoàn thành việc xây dựng một cơ sở lưu giữ vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus trước ngày 1/7 và sẽ không thực sự chuyển giao quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân cho Minsk. Động thái của Nga được giới chuyên gia đánh giá là bước đi răn đe mạnh mẽ dành cho phương Tây, khi các quốc gia này liên tục viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine, cùng tiến trình hòa đàm cho xung đột Nga - Ukraine vẫn đang khá xa vời./.