Phản ứng quốc tế trước “thảm kịch chiến tranh” mới tại Yemen
VOV.VN - Liên quân Arab cáo buộc lực lượng Houthi sử dụng trẻ em làm “lá chắn sống” và tuyên bố cuộc không kích của mình là “chiến dịch hợp pháp”.
Ít nhất 29 trẻ em Yemen đã thiệt mạng và hơn 30 em khác bị thương trong một vụ không kích của Saudi Arabia tại một khu chợ, phía Bắc tỉnh Saada ngày 9/8 khiến hơn 100 người thương vong. Tuy nhiên, Saudi Arabia đã bác bỏ mọi trách nhiệm về vụ việc khi cho rằng phiến quân Houthi đã sử dụng trẻ em làm “lá chắn sống” nhằm bảo vệ mình trước các cuộc không kích của Liên quân Arab do nước này dẫn đầu. Quốc tế ngay lập tức yêu cầu điều tra rõ vụ việc, đồng thời kêu gọi các bên tại Yemen chấm dứt giao tranh và bước vào bàn đối thoại.
Ảnh minh họa: Egpyt Times.
Ngày 9/8, Saudi Arabia đã tiến hành cuộc không kích nhằm vào tỉnh Saada – một tỉnh thành do phiến quân Houthi kiểm soát, với mục đích là đáp trả vụ tấn công tên lửa của Houthi vào thành phố biên giới Jazan của Saudi Arabia diễn ra trước đó 1 ngày. Mục tiêu chính xác của vụ không kích chính là các bệ phóng tên lửa của Houthi tại đây.
Tuy nhiên, vụ không kích này đã khiến nhiều dân thường thương vong khi đánh trúng một xe buýt chở học sinh khi đang trên đường tới trường. Nhiều hình ảnh về những đứa trẻ – nạn nhân của vụ tấn công đẫm máu, nhanh chóng được các hãng truyền thông Yemen và quốc tế đăng tải như một bằng chứng xác thực.
Đại diện Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã gọi vụ không kích là “khủng khiếp”, đã cho thấy rõ mức độ tàn bạo của cuộc chiến đang diễn ra tại quốc gia nghèo nhất Trung Đông này. Trong khi, Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Yemen, Nevio Zagaria cho biết, cơ quan này đang gấp rút tiến hành mọi công tác hỗ trợ các nạn nhân bị thương, hiện được điều trị tại các bệnh viện; đồng thời chỉ trích vụ tấn công nhằm vào dân thường là điều “không thể chấp nhận được”.
Tuy nhiên, hãng thông tấn của Saudi Arabia (SPA) đã dẫn lời người phát ngôn Liên quân Arab – Đại tá Turki Malki cáo buộc, phiến quân Houthi đã sử dụng trẻ em làm “lá chắn sống” và cuộc không kích trên là “một chiến dịch quân sự hợp pháp” và được thực hiện theo luật nhân đạo quốc tế.
29 trẻ em thiệt mạng trong một vụ không kích ở Yemen
Trước những thông tin trái chiều, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngay lập tức kêu gọi mở một cuộc điều tra “nhanh chóng và độc lập” về vụ việc.
Ông Guterres cho rằng, tất cả các bên liên quan cần phải tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, đặc biệt là các quy định cơ bản về “phân biệt và thận trọng” trong các cuộc tấn công. Tổng thư ký yêu cầu các bên “thường xuyên chú ý tránh tấn công dân thường và mục tiêu dân sự trong các chiến dịch quân sự”. Và hơn hết các bên liên quan tại Yemen nên bước vào cuộc đàm phán tìm kiếm một thỏa thuận chính trị nhằm chấm dứt hoàn toàn xung đột.
Lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ngay lập tức được phiến quân Houthi tại Yemen hoan nghênh và ủng hộ. Một đại diện cấp cao của lực lượng này hôm nay (10/8) cho biết, sẽ sẵn sàng hợp tác và tạo mọi điều kiện cho một cuộc điều tra như vậy. Đồng thời cũng kêu gọi Nga, Trung Quốc và Pháp vận động Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc mở một cuộc họp khẩn về vụ việc.
Trong một phản ứng khác về vụ việc, Bộ Ngoại giao Iran cũng đã hối thúc cộng đồng quốc tế gây sức ép đối với Saudi Arabia và các đồng minh của nước này, nhằm ngừng các chiến dịch quân sự tại Yemen, đồng thời gửi lời chia sẻ với gia đình các nạn nhân trong vụ không kích.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã kêu gọi Liên quân Arab tiến hành một cuộc điều tra “kỹ lưỡng và minh bạch” về vụ việc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Neather Nauert nói: “Chính phủ Mỹ bày tỏ lo ngại trước các báo cáo về một cuộc tấn công khiến nhiều dân thường thiệt mạng tại Yemen. Chúng tôi kêu gọi liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu tiến hành điều tra kỹ lưỡng và minh bạch về vụ việc. Chúng tôi đồng thời kêu gọi các bên thực hiện những biện pháp thích hợp để bảo vệ người dân theo luật pháp quốc tế và điều tra tất cả các vụ tấn công gây thương vong cho dân thường”.
Từ tháng 3/2015, liên quân Arab đã can thiệp vào cuộc nội chiến tại Yemen giúp chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi được quốc tế công nhận khôi phục quyền lực. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, cuộc xung đột tại Yemen đã cướp đi sinh mạng của khoảng 10.000 người và 1/4 trong số đó là trẻ em, đồng thời gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất trên thế giới./.
Yemen bắn hạ một máy bay chiến đấu của Saudi Arabia