Pháp cải cách Luật Lao động, phe đối lập kêu gọi xuống đường
VOV.VN - Sau nhiều tháng chuẩn bị, Chính phủ Pháp ngày 31/8 đã chính thức công bố các cải cách về Luật Lao động thông qua hình thức sắc lệnh.
Cuộc cải cách lớn đầu tiên của nước Pháp dưới thời tân Tổng thống Emmanuel Macron đã chính thức được Chính phủ Pháp công bố vào thứ Năm, ngày 31/8. Đó là việc Chính phủ Pháp sẽ dùng các sắc lệnh hành chính để sửa đổi một cách triệt để nhiều điều khoản trong Bộ Luật Lao động.
Tổng thống Emmanuel Macron. Ảnh: AFP |
Trong văn bản dài 159 trang được công bố trước toàn thể đại diện các nghiệp đoàn giới chủ và công đoàn, Chính phủ Pháp đã đưa ra 36 điều chỉnh quan trọng trong Bộ Luật Lao động.
Đây được xem là nỗ lực lớn từ phía Tổng thống Macron trong việc thực thi lời hứa tranh cử, là sẽ tiến hành cải cách bộ Luật Lao động ngay trong những tháng đầu tiên lên nắm quyền.
Trong số những cải cách lớn mà Chính phủ Pháp muốn áp dụng, đáng chú ý đầu tiên là quy định liên quan đến việc bồi thường cho người lao động khi bị sa thải.
Theo quy định mới, Chính phủ Pháp sẽ đặt ra mức trần và mức sàn để cho các doanh nghiệp áp dụng khi bồi thường cho người lao động bị sa thải, mức trần tối đa là 20 tháng lương cho người có thâm niên làm việc ít nhất 30 năm và mức sàn thấp nhất là 1 tháng lương cho người làm việc từ 2 năm trở xuống.
Đây là thay đổi rất lớn so với trước đây bởi trong nhiều thập kỷ qua, Luật Lao động Pháp duy trì một hình thức “hội đồng hoà giải” giữa doanh nghiệp và người lao động khi có tranh chấp.
Hình thức này được xem là bảo vệ tốt hơn cho quyền lợi của người lao động nhưng lại khiến các tranh chấp kéo dài và trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp phải bồi thường một số tiền lớn gấp trăm lần mức lương tháng của lao động bị sa thải. So với các nước khác ở châu Âu, Pháp là nước duy nhất sử dụng hình thức này.
Trong số những cải cách đáng chú ý tiếp theo, có các quy định mới về việc tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ doanh nghiệp được phép thương lượng trực tiếp với người lao động mà không cần sự có mặt của đại diện công đoàn.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tổ chức một cuộc bỏ phiếu theo dạng “trưng cầu dân ý mini” để thông qua thoả thuận lao động trong doanh nghiệp mà không cần phải đưa lên cấp công đoàn cao hơn trong lĩnh vực ngành nghề đó.
Là dự án cải cách lớn đầu tiên của Tổng thống Macron nên từ nhiều tháng qua, việc sửa đổi Luật Lao động bằng sắc lệnh đã gây ra rất nhiều tranh cãi trên chính trường và trong xã hội Pháp.
Trong khi những người ủng hộ ông Macron hy vọng ông chính quyền của ông Macron sẽ đưa ra các cải cách quyết liệt để tạo bàn đạp cho các cải cách tiếp theo thì các đảng đối lập và công đoàn lại đã lên sẵn kế hoạch chống đối đến cùng bằng các cuộc biểu tình đường phố. Tổng thống Pháp Macron bất lực nhìn uy tín tụt dốc không phanh
Chính trị gia Jean-Luc Mélenchon, thủ lĩnh đảng “Nước Pháp bất khuất”, chỉ trích cuộc cải cách này của chính quyền Tổng thống Macron là một “cuộc đảo chính về mặt xã hội”.
Trong suốt mùa Hè, ông Mélenchon cũng đã kêu gọi người dân Pháp xuống đường biểu tình phản đối cải cách Luật Lao động và một cuộc biểu tình quy mô lớn được đảng “Nước Pháp bất khuất” dự kiến tiến hành tại Paris vào ngày 23/9.
Trước đó, tổng công đoàn CGT, một trong những tổ chức công đoàn lớn nhất nước Pháp, cũng đã kêu gọi xuống đường vào ngày 12/9 để phản đối các cải cách Luật Lao động. Tổng thư ký CGT, Philippe Martinez, xem các cải cách này là một sự đe doạ đối với quyền lợi của người lao động.
Ông Martinez nói: “Những cải cách luật Lao động này là rất nguy hiểm đối với người lao động. Ngày nay, người ta đang cố làm cho mọi người nghĩ rằng những ai được hưởng một quyền gì đó là những người được ưu ái. Điều này thật đáng hổ thẹn.
Có biết bao công dân trên thế giới, biết bao lao động trên thế giới mong ước được có những quyền tối thiểu. Vì thế phá huỷ các quyền này chính là làm thay đổi bản chất của xã hội cũng như của các quy định về lao động tại Pháp”.
Giới phân tích tại Pháp cũng nhận định, các cải cách vừa được chính quyền của ông Macron đưa ra là rất táo bạo và một số cải cách gần như sẽ thay đổi tận gốc rễ mối quan hệ giữa giới chủ và người lao động Pháp trong nhiều năm qua.
Chính vì thế, chắc chắn trong thời gian tới sự phản kháng từ các tầng lớp xã hội Pháp đối với các cải cách này sẽ vô cùng gay gắt và dự báo sẽ ở quy mô lớn tương tự như các cuộc biểu tình chống lại Luật Lao động El Khom-ri trong nhiệm kỳ của Tổng thống Francois Hollande.
Ông Bernard Sananes, Giám đốc Viện thăm dò dư luận Elabe, nhận định: “Chúng ta biết rất rõ rằng cuộc cải cách này gây ra rất nhiều hoài nghi và lo lắng từ dân chúng Pháp, những người rất sợ sẽ phải đối mặt với một bộ Luật mất cân bằng.
Nên biết rằng, 10 người Pháp thì có đến 6 người lo lắng về các cải cách này. Và đồng thời, đây cũng là một bài kiểm tra đối với khả năng và ý chí theo đuổi cải cách của Tổng thống Macron”.
Về phần mình, Tổng thống Pháp Macron dường như nhận thức rõ được các khó khăn đang chờ đón. Trong bài trả lời phỏng vấn đầu tiên trên báo chí Pháp với tờ Le Point cách đây 2 ngày, ông Macron thừa nhận “người dân Pháp ghét cải cách” nhưng khẳng định điều này sẽ không thể ngăn cản ông thực thi lộ trình cải cách đã đề ra khi tranh cử, mà cải cách Luật lao động chính là bước đi đầu tiên./.