Pháp dự kiến tăng ngân sách quốc phòng kỷ lục trong bối cảnh xung đột Ukraine
VOV.VN - Theo dự luật ngân sách năm 2023, ngân sách quốc phòng của Pháp dự kiến sẽ được nâng lên mức cao kỷ lục từ trước đến này với 43,9 tỷ euro để nâng cao năng lực chiến đấu và hiện đại hóa quân đội trước nguy cơ xung đột tại Ukraine có thể lan rộng.
Theo Dự luật ngân sách năm 2023 được trình lên Quốc hội ngày 10/10, ngân sách dành cho Quốc phòng của Pháp dự kiến sẽ là 43,9 tỷ euro, tăng thêm 3 tỷ euro so với năm 2022 và là mức tăng cao nhất kể từ 15 năm qua. Quốc phòng cũng là lĩnh vực được hưởng ngân sách lớn thứ 2, chỉ sau giáo dục với hơn 60 tỷ euro.
Ưu tiên đầu tiên trong ngân sách quốc phòng năm 2023 là khoản chi lên đến 2 tỷ euro để mua thêm vũ khí và đạn dược trong bối cảnh kho vũ khí của quân đội Pháp được cho là đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua và sẽ nhanh chóng cạn kiệt nếu xảy ra một cuộc xung đột quy mô lớn.
Theo đó, quân đội Pháp dự kiến sẽ đặt mua các loại vũ khí đáng chú ý như 200 tên lửa chống tăng tầm trung MMP hoặc Akeron MP, 100 tên lửa đất đối không tầm trung thế hệ mới là SAMP-T hoặc Aster 30, khoảng 100 tên lửa không đối không MICA để trang bị cho các chiến đấu cơ Rafale và Mirage 2000, hơn 700 quả bom không đối đất gồm nhiều kích cỡ từ 250kg, 500kg đến 1000 kg. Ngoài ra, phải kể đến khoảng 10.000 quả lựa pháo 155mm sử dụng cho các cỗ pháo tự hành Caesar.
Về hậu cần, Pháp dự chi 5 tỷ euro cho các hoạt động bảo trì và bảo dưỡng phương tiện và thiết bị được đánh giá là điểm yếu của quân đội Pháp cùng 2,7 tỷ euro để đổi mới và củng cố các cơ sở hạ tầng quân sự ở trong nước và nước ngoài.
Các khoản chi cao nhất trong ngân sách quốc phòng năm 2023 của Pháp được dành cho việc hiện đại hoá các chương trình răn đe hạt nhân với 5,6 tỷ euro. Quỹ lương dự kiến cũng sẽ chiếm tới 22% ngân sách.
Quân đội Pháp cũng phải dự phòng các khoản chi phát sinh liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, trong đó có “Quỹ Ukraine” với ngân sách ban đầu là 100 triệu euro mới được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố thành lập tại Thượng đỉnh EU không chính thức tại CH Séc ngày 7/10. Kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, Pháp tiêu tốn khoảng 700 triệu euro cho việc duy trì sự hiện diện của quân đội Pháp tại căn cứ NATO ở Romania.
Năm 2023, quân đội Pháp dự kiến sẽ được nhận được nhiều vũ khí hiện đại được đặt hàng trong những năm gần đây như 13 tiêm kích Rafale, 3 máy bay tiếp dầu đa năng (MRTT), một tàu ngầm tấn công hạt nhân, và hơn 260 xe bọc thép thế hệ mới gồm 123 chiếc Griffons, 119 chiếc Serval và 22 chiếc Jaguar./.