Pháp thông qua luật tình báo mới sau bê bối bị Mỹ nghe lén
VOV.VN- Bộ luật tình báo mới sẽ cho phép các cơ quan an ninh nghe lén điện thoại, thu thập thông tin cá nhân và bắt giữ nghi can gây tổn hại an ninh quốc gia.
Bất chấp rất nhiều chỉ trích từ phía dư luận Pháp cũng như các đảng phái đối lập, dự luật về tình báo do Chính phủ Pháp đưa ra đã được thông qua tại Quốc hội Pháp và sẽ được trình lên Hội đồng Hiến pháp thẩm định lần cuối trước khi đưa vào thực hiện.
Ba đời tổng thống Pháp đã bị Mỹ nghe lén điện thoại |
Bộ luật tình báo, được thúc đẩy mạnh mẽ bởi chính phủ Pháp kể từ sau vụ khủng bố Charlie Hebdo ở Paris hồi tháng 1, dự tính sẽ trao nhiều quyền lực hơn cho các cơ quan an ninh, chẳng hạn việc cho phép nghe lén điện thoại, thu thập thông tin cá nhân hay việc bắt giữ các nghi can gây hại cho an ninh quốc gia.
Trong suốt nhiều tháng qua, các đảng phái chính trị và các tổ chức bảo vệ quyền tự do cá nhân ở Pháp đã tranh cãi rất nhiều quanh điều luật này. Khoảng 120.000 người đã ký vào thỉnh nguyện thư yêu cầu Quốc hội Pháp không thông qua luật này.
Tuy nhiên, dù bị phản đối từ cả cánh tả lẫn cánh hữu, dự luật này vẫn được Quốc hội Pháp thông qua. Lý giải cho điều này, các nhà phân tích chính trị Pháp cho rằng về cơ bản, nước Pháp bắt buộc phải có một bộ luật mới về tình báo để đáp ứng với yêu cầu đối phó với các nguy cơ an ninh ngày càng cao nhắm vào nước này thời gian qua, đặc biệt là từ mạng lưới khủng bố của những kẻ Hồi giáo cực đoan, như vụ Charlie Hebdo. Vì lí do đó, các đảng phái chính trị đều không phản đối việc ra một bộ luật mới về tính báo.
Các tranh cãi hiện nay chủ yếu là về các điều khoản cụ thể, trong đó đặc biệt gay gắt là về yêu cầu phải có một thẩm phán tư pháp độc lập để đưa ra các phán quyết, tránh việc tập trung quá nhiều quyền lực vào tay hành pháp.
Phía các đảng đối lập cho rằng phải có vị trí này và các hành động tình báo cần phải được sự cho phép của thẩm phán tư pháp mới được tiến hành. Phía đưa ra dự thảo luật thì lại cho rằng có quá nhiều vấn đề kỹ thuật đôi khi phải được tự do hành động trước khi có sự cho phép của một thẩm phán.
Tranh cãi lớn thứ hai là về quyền tự do cá nhân. Bộ luật mới cho phép việc nghe lén cũng như thu thập thông tin cá nhân mà điều này, theo luật của Pháp là không được phép.
Đây cũng được xem là rào cản chính với bộ luật này khi đưa lên Hội đồng Hiến pháp, cơ quan có thẩm quyền tối cao về luật của Pháp. Nếu Hội đồng Hiến pháp cho rằng luật này vi hiến, vi phạm quyền con người thì luật sẽ không được thông qua.
Đây là điểm rất nhạy cảm với công chúng Pháp, những người rất coi trọng tự do cá nhân và hiện đang khá hoang mang sau những tiết lộ về việc nhiều công dân Pháp, trong đó có cả 3 đời Tổng thống Pháp gần đây đều bị cơ quan an ninh Mỹ theo dõi từ nhiều năm qua./.