Pháp tiếp tục khan hiếm nhiên liệu, các nghiệp đoàn kêu gọi tổng đình công
VOV.VN - Tình trạng thiếu xăng hoặc dầu tại các cây xăng tại Pháp vẫn chưa có chuyển biến đáng kể khi gần 1/3 vẫn phải đóng cửa do không có hàng để bán.
Trong khi đó, các nghiệp đoàn lao động tại Pháp dự kiến tiến hành cuộc tổng đình công vào tuần tới để phản đối việc chính phủ Pháp ra sắc lệnh cưỡng chế người lao động tham gia đình công trở lại làm việc.
Sau các sắc lệnh trưng dụng của chính phủ, từ chiều ngày hôm qua (13/10), các xe chở nhiên liệu từ kho lưu trữ thuộc tập đoàn năng lượng Total đặt tại thành phố Dunkerque ở phía Bắc nước Pháp đã hoạt động trở lại dưới sự hộ tống của cảnh sát sau hơn 2 tuần đình công đòi tăng lương. Một số công nhân tại nhà máy lọc dầu thuộc tập đoàn Esso-ExxonMobil đặt tại tỉnh Seine-Maritime ở phía Tây Bắc cũng phải trở lại làm việc sau quyết định cưỡng chế lao động tương tự.
Việc hai cơ sở hoạt động trở lại đã tạm thời hạ nhiệt tình trạng thiếu xăng, dầu tại hai khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất là vùng Hauts-de-France và vùng thủ đô Ile-de-France. Tuy nhiên, số liệu thống kê của chính phủ vẫn cho thấy gần 1/3 cây xăng trên toàn nước Pháp không có hàng để bán.
Trong khi đó, sau hơn 23 ngày đình công, các nghiệp đoàn lao động tại nhà máy lọc dầu Fos-sur-Mer tại tỉnh Bouches-du-Rhône thuộc tập đoàn Esso-ExxonMobil đã ra thông báo dừng các cuộc đình công sau khi giới chủ nhà máy chấp nhận tăng 6,5% lương cơ bản và một khoản tiền thưởng khoảng 3.000 euro. Tại nhà máy lọc dầu còn lại ở tỉnh Seine-Maritime, các cuộc đình công vẫn tiếp tục diễn ra bất chấp lệnh trưng dụng của chính phủ.
Hiện 3 trong số 5 nhà máy lọc dầu và 2 cơ sở lưu trữ của Tập đoàn Total vẫn dừng hoạt động do đình công. Các cuộc đàm phán đầu tiên về tăng lương giữa tập đoàn Total và các nghiệp đoàn lao động cũng mới chỉ bắt đầu diễn ra từ tối 13/10 sau gần 3 tuần đình công. Quan điểm hai bên hiện được đánh giá còn khá xa nhau khi phía giới chủ chỉ chấp nhận tăng 6% lương cùng một khoản tiền thưởng tương đương một tháng lương cơ bản so với yêu cầu tăng 10% lương từ các nghiệp đoàn.
Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Kinh tế Pháp ông Bruno Le Maire đề nghị tập đoàn Total giải quyết yêu cầu tăng lương của người lao động để tháo gỡ tình hình: “Rõ ràng là tập đoàn Total cần phải tăng lương sau khi đã đạt mức lợi nhuận rất lớn. Họ cần phải chia sẻ nguồn lợi nhuận này một cách công bằng cho người dân Pháp. Tôi muốn nói rằng họ có khả năng thực hiện điều này, trong đó có nghĩa vụ tăng lương cho tất cả người lao động theo tỷ lệ sẽ đàm phán”.
Theo các cuộc thăm dò, khoảng 2/3 số người Pháp được hỏi cho biết phản đối tình trạng đình công kéo dài gây rối loạn về nguồn cung nhiên liệu. Tuy nhiên, đa số cũng cho rằng chính phủ Pháp đã xử lý chậm trong vấn đề này.
Bốn nghiệp đoàn lớn của Pháp là Tổng liên đoàn lao động (CGT), Phong trào công nhân (FO), Liên minh công đoàn Đoàn kết, Liên đoàn công đoàn nhất thể (FSU) đã kêu gọi các nghiệp đoàn lao động khác phát động một cuộc tổng đình công trên toàn nước Pháp vào ngày 18/10 để yêu cầu tăng lương và phản đối chính phủ ra các sắc lệnh trưng dụng vi phạm quyền đình công của người lao động./.