Phe đảo chính Niger tăng cường lực lượng, từ chối tiếp phái đoàn quốc tế
VOV.VN - Sẵn sàng cho kịch bản các quốc gia láng giềng tiến hành can thiệp quân sự, chính quyền quân sự do phe đảo chính lập ra tại Niger liên tục tăng cường các biện pháp đối phó, bao gồm việc điều động thêm binh sĩ và vũ khí tài các địa phương về bảo vệ thủ đô Niamey.
Các nguồn tin từ Niamey cho biết, một lượng lớn binh sĩ và khí tài chiến đấu đã được chính quyền quân sự Niger triển khai bổ sung tại thủ đô Niamey trong những giờ qua. Trong đó, một đoàn xe quân sự gồm khoảng 40 xe tải và xe chở binh sĩ huy động từ nhiều địa phương, đã về tới Niamey trong đêm 7/8. Động thái được tiến hành ngay sau khi Hội đồng Quốc gia bảo vệ Tổ quốc do phe đảo chính lập ra, cáo buộc “một quốc gia thù địch” chuẩn bị tấn công vào Niger.
Cùng với việc triển khai tăng cường lực lượng về bảo vệ thủ đô, chính quyền quân sự tại Niger tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn trước sức ép quốc tế. Theo đó, giới lãnh đạo quân sự Niger đã từ chối đón tiếp một phái đoàn đàm phán của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) được phái cử đến Niamey. Được biết, phái đoàn của ECOWAS có cả đại diện của Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Phi tham gia, được lên kế hoạch đến Niamey trong ngày 8/8.
Liên quan đến động thái của ECOWAS, dự kiến, ngày 10/8 tới đây, ECOWAS sẽ tiến hành cuộc họp Thượng đỉnh tiếp theo tại Abuja, Nigeria để bàn hướng xử lý cuộc khủng hoảng tại Niger. Nhiều nhà phân tích khu vực nhận định, cuộc họp sẽ đưa ra quyết định chính thức cuối cùng về kế hoạch can thiệp quân sự vào Niger.
Trước đó, trong cuộc họp Thượng đỉnh lần thứ nhất hôm 30/7, các nhà lãnh đạo Tây Phi ra tối hậu thư yêu cầu phe đảo chính tại Niger trong vòng 7 ngày (đến ngày 6/8) phải từ bỏ quyền lực và khôi phục trật tự Hiến pháp, bao gồm việc khôi phục quyền lực cho Tổng thống Mohamed Bazoum, nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ, bao gồm cả biện pháp can thiệp quân sự.
Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên trong ECOWAS như Cộng hòa Chad và Algeria, đã từ chối tham gia bất kỳ kế hoạch can thiệp quân sự nào của khối vào Niger, đồng thời kêu gọi tiến hành đối thoại. Đáng chú ý, hai quốc gia đang bị đình chỉ tư cách thành viên ECOWAS là Mali và Burkina Faso, đã tuyên bố coi mọi hành động can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Niger là lời tuyên chiến với hai nước này.