Phớt lờ Mỹ, châu Âu quyết duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran
VOV.VN - Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh, châu Âu sẽ vẫn luôn nhất trí về quan điểm của mình đối với thỏa thuận hạt nhân Iran.
Hôm qua (23/5), Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố, châu Âu sẽ vẫn quyết tâm duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran, còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), bất chấp việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận này.
Ông Heiko Maas. Ảnh: Getty.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, ông đã giải thích về quan điểm của Đức và châu Âu trong một cuộc thảo luận thẳng thắn nhưng mang tính xây dựng với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton với những lập luận rằng, quan trọng là cần phải tránh mọi khả năng tiếp tục nối lại các hoạt động hạt nhân của Iran. Ông Maas nhấn mạnh, châu Âu sẽ vẫn luôn nhất trí về quan điểm của mình đối với thỏa thuận hạt nhân Iran và điều này trước sau sẽ không thay đổi.
Ông Maas: "Tôi nghĩ rằng chúng tôi vẫn còn một chặng đường dài để đạt được thỏa hiệp. Châu Âu và Mỹ đã đi theo hai con đường hoàn toàn khác nhau trong vấn đề hạt nhân Iran. Chắc chắn sẽ có một cuộc họp giữa châu Âu gồm Đức, Anh, Pháp và Mỹ. Mặc dù là quan điểm của hai bên khác biệt nhau khá nhiều, nhưng chúng tôi sẽ đối thoại về vấn đề Iran”.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cảnh báo thái độ cứng rắn của Mỹ với Iran đã tạo nên những căng thẳng nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ gây ra một cuộc chiến tranh trong khu vực. Theo ông Le Drian, các biện pháp trừng phạt chống Iran sẽ không giúp thúc đẩy đối thoại, ngược lại sẽ chỉ tăng tầm ảnh hưởng của phe bảo thủ tại Iran, trong khi làm suy yếu vị thế của Tổng thống Hassan Rouhani, người luôn ủng hộ các nỗ lực đàm phán. Thực tế này đe dọa đẩy khu vực vào tình thế nguy hiểm hơn.
Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh: “Chúng tôi không đồng ý với Ngoại trưởng Mỹ về các nội dung và biện pháp thực hiện nhằm vào Iran. Rõ ràng lợi ích đạt được từ thỏa thuận hạt nhân Iran là thực tế, giúp ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Đây là lợi ích đáng kể nhất vì nếu Iran sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ là mối đe dọa an ninh với thế giới, đặc biệt là tại Trung Đông”.
Về phần mình, trong tuyên bố công khai đầu tiên kể từ khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra 12 yêu cầu cơ bản đối với Iran liên quan tới một thỏa thuận hạt nhân mới nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn chương trình hạt nhân Iran, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei cho rằng việc Mỹ bác bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran cho thấy Mỹ luôn làm mọi thứ nhằm gây biến động ở Iran. Đại giáo chủ Iran chỉ rõ, Mỹ vẫn chưa chịu từ bỏ “sự thù địch sâu sắc và cơ bản” chống Iran.
Dù Israel tố cáo Iran, Châu Âu vẫn ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran
Đặc biệt, Thủ lĩnh tinh thần tối cao Iran đã đưa ra danh sách 7 điều kiện cần phải được tôn trọng để Iran ở lại thuận hạt nhân ký năm 2015. Theo đó, Đại giáo chủ Khamenei yêu cầu các cường quốc châu Âu bảo đảm hoạt động buôn bán dầu mỏ của Iran và tiếp tục mua dầu của nước này. Ngoài ra, những cường quốc châu Âu bao gồm Anh, Đức và Pháp, cũng phải cam kết không tìm cách mở lại các cuộc đàm phán về chương trình tên lửa đạn đạo, cũng như chính sách khu vực của Iran.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cảnh báo Mỹ nên từ bỏ chính sách thù địch sai lầm chống Iran. Theo người đứng đầu cơ quan ngoại giao Iran, giới chức Mỹ đang lặp đi lặp lại những cáo buộc cũ kỹ nhằm chống lại Iran với giọng điệu ngày càng gay gắt hơn, nhưng đồng thời cũng vô lý hơn.
Ông Zarif nói: “Tất cả những gì tôi muốn nói, đó là ông Pompeo và các quan chức của chính quyền Mỹ hiện nay là tù nhân của sự ảo tưởng sai lầm, tù nhân của quá khứ và là con tin của các nhóm đang gây áp lực về tham nhũng. Tất cả những gì mà ông Pompeo nói về Iran là không đúng sự thật và dựa trên những chính sách cũ và thất bại. Những điều này đã được lặp đi lặp lại trong quá khứ".
Dự kiến, số phận của thỏa thuận hạt nhân giữa Iran, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện, sẽ được thảo luận tại cuộc họp Ủy ban chung của Kế hoạch hành động chung toàn diện vào ngày mai (25/5) tại thủ đô Vienna (Áo). Đây sẽ là lần đầu tiên cuộc họp này được tổ chức mà không có sự tham gia của Mỹ./.