Phương Tây dần mất kiên nhẫn với Ukraine, bóng gió về nhượng đất
VOV.VN - Hôm qua (12/6), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg được cho là đã nói rằng hòa bình đi cùng với một cái giá (như nhượng đất…) và việc có chấp nhận hay không tùy thuộc vào Ukraine.
Tuyên bố này cùng với những phát biểu trước đó của các nhà lãnh đạo EU cho thấy, dường như phương Tây dần mất kiên nhẫn khi cuộc chiến tại Ukraine kéo dài bào mòn sức mạnh của các bên.
Trong chuyến thăm Phần Lan và gặp Tổng thống Sauli Niinisto để bàn về kế hoạch gia nhập liên minh của nước này, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết, NATO có ý định tăng cường vị thế của Ukraine trên bàn đàm phán nhưng lưu ý thêm rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng đi kèm những thỏa hiệp, bao gồm về lãnh thổ.
Tổng thư ký NATO nêu ra ví dụ của Phần Lan, quốc gia đã nhượng lại Tây Karelia cho Liên Xô như một phần của thỏa thuận hòa bình trong Thế chiến II. Theo ông Stoltenberg, thỏa thuận Phần Lan-Liên Xô là “một trong những lý do đưa Phần Lan ra khỏi Chiến tranh Thế giới thứ hai với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền”.
Tuyên bố của ông Stoltenberg đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng Ukraine có thể sớm bị các nước phương Tây ép vào một thỏa thuận hòa bình.
Tháng trước cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và một số nước phương Tây như Pháp và Italy đã gợi ý chấm dứt xung đột bằng các giải pháp hòa bình. Điều này cho thấy, sự mất kiên nhẫn sau những đoàn kết ban đầu của phương Tây kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Sau 4 tháng chiến sự, nguy cơ cuộc chiến tại Ukraine đang có dấu hiệu kéo dài nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm, thiệt hại về kinh tế đang ngày càng hiện hữu với các nước phương Tây. Giá năng lượng và thực phẩm tăng cao chưa từng có, khiến lạm phát leo thang lên mức cao trong lịch sự. Ngoài ra, với việc Mỹ và các đồng minh đã viện trợ vũ khí trị giá hàng tỉ USD cho Ukraine trong khi châu Âu tiếp nhận hàng triệu người tị nạn từ nước này thì quyết tâm của phương Tây hỗ trợ Ukraine đang ngày càng xói mòn, nhất là trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Zelensky vẫn đang phản đối những đề xuất nói rằng ông nên chấp nhận thỏa hiệp.
Ông Stoltenberg nói: “Sự mệt mỏi ngày càng gia tăng, nếu quý vị muốn một kết quả nào đó có lợi cho bản thân còn chúng tôi muốn một kết quả cho chính mình thì hãy hành động ngay lập tức và trong thời gian sớm nhất để bảo vệ tự do và an ninh. An ninh có lợi cho tất cả mọi người trên thế giới.”
Ngoài ra, phương Tây đang nhận định, Nga vẫn đang chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài tại Ukraine.
Bà Avril Haines, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ nhận định: "Tổng thống Putin rất có thể cũng đánh giá rằng Nga có khả năng và sẵn sàng chịu đựng thách thức lớn hơn đối thủ của mình. Và ông ấy có lẽ đang trông chờ Mỹ và EU kiệt quệ vì cái giá phải trả đối với những hỗ trợ của họ cho Ukraine là tỷ lệ lạm phát tăng cao, nguồn cung năng lượng bị gián đoạn, ngân sách tài chính công cạn kiệt và dân chúng mệt mỏi. Cũng như cả Nga và Ukraine tin rằng họ có thể tiếp tục đạt được tiến bộ về mặt quân sự, chúng tôi không thấy một con đường đàm phán khả thi nào ở phía trước, ít nhất là trong ngắn hạn và có khả năng xung đột còn leo thang."
Dự kiến, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng các đồng cấp Pháp và Italy sẽ đến Kiev trước khi hội nghị G7 diễn ra cuối tháng 6 nhằm thảo luận về giải pháp cho cuộc chiến tại Ukraine./.