Phương Tây hối thúc Ai Cập trả tự do cho ông Morsi
(VOV) - Mỹ coi việc bắt và giam giữ một số lãnh đạo Tổ chức Anh em Hồi giáo, trong đó có ông Morsi mang động cơ chính trị.
Tình hình Ai Cập tiếp tục diễn biến phức tạp khi ngày 12/7 tại thủ đô Cairo và nhiều địa phương của nước này, những người ủng hộ và phản đối Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi tiến hành biểu tình quy mô lớn trong ngày thứ sáu đầu tiên của tháng lễ ăn chay Ramadan của người Hồi giáo.
Trong khi đó, Mỹ và một số nước phương Tây bày tỏ lo ngại về việc các nhà lãnh đạo tổ chức Anh em Hồi giáo bị bắt giữ, coi đây là động cơ chính trị, đồng thời kêu gọi lãnh đạo lâm thời Ai Cập trả tự do cho ông Morsi.
Người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Morsi bên ngoài Nhà thờ Hồi giáo Rabaa al-Adawiya ngày 12/7 (Ảnh: Press TV) |
Hàng chục nghìn người Ai Cập ủng hộ Tổng thống bị phế truất Morsi và tổ chức Anh em Hồi giáo, lực lượng chính trị xuất thân của ông Morsi, đã tập trung biểu tình tại quảng trường Rabia al-Adawiya ở thủ đô Cairo, đòi phục chức cho ông Morsi. Những người biểu tình mang theo các khẩu hiệu ủng hộ ông Morsi và buộc tội quân đội đảo chính lật đổ Tổng thống, đồng thời tuyên bố sẽ biểu tình trên đường phố cho tới khi ông Morsi được phục chức. Những người biểu tình còn dự định tổ chức một cuộc tuần hành rầm rộ tới trước dinh tổng thống.
Một người ủng hộ ông Morsi cho rằng: “Xét về tính hợp pháp, ông Morsi phải được phục chức. Quốc hội được bầu không thể bị giải tán và một tổng thống được bầu không thể bị phế truất”.
Các nhóm phản đối ông Morsi cũng tổ chức biểu tình quy mô lớn tại dinh tổng thống và quảng trường Tahrir trong ngày thứ Sáu cầu nguyện đầu tiên của tháng lễ Ramadan. Trước đó, chính quyền mới của Ai Cập đang cân nhắc việc giải tán tổ chức Anh em Hồi giáo sau khi hàng loạt lãnh đạo cấp cao bị bắt giữ với cáo buộc kích động bạo lực và sát hại người biểu tình.
Phản ứng trước việc chính quyền lâm thời Ai Cập ra lệnh bắt giữ và đang giam giữ một số lãnh đạo Tổ chức Anh em Hồi giáo, trong đó có Tổng thống bị lật đổ Morsi, chính phủ Mỹ ngày 12/7 bày tỏ lo ngại về việc này. Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki thúc giục các nhà chức trách Ai Cập trả tự do cho ông Morsi và các nhà lãnh đạo khác thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo.
Bà Jen Psaki cho biết, Mỹ coi việc bắt giữ này là động cơ chính trị: “Chúng tôi coi việc bắt giữ là động cơ chính trị và tin tưởng họ sẽ được trả tự do. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi đối xử công bằng đối với những người đang bị giam giữ”.
Cũng trong ngày 12/7, Bộ Ngoại giao Đức hối thúc tất cả các phe phái chính trị ở Ai Cập kiềm chế bạo lực, đồng thời kêu gọi chấm dứt những hạn chế đối với Tổng thống bị phế truất Morsi và cho phép một tổ chức quốc tế tiếp cận ông Morsi. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho rằng, cần cho phép một "tổ chức đáng tin cậy", như Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế, tiếp cận ông Morsi, đang bị giam giữ ở một nơi an toàn và chưa bị buộc tội.
Diễn biến phức tạp tại Ai Cập cũng là mối quan tâm của chính phủ Iran và nhiều nước trong khu vực. Ngoại trưởng Iran, ông Ali-Akbar Salehi ngày 12/7 đã đến Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về những diễn biến ở Ai Cập cùng các vấn đề khác trong khu vực. Tại cuộc họp báo ở thủ đô Ankara của Thổ nhĩ kỳ, ông Salehi cho biết: "Người dân Ai Cập là những người tự quyết định vận mệnh của đất nước họ. Tất cả các bên tại Ai Cập cần tôn trọng quyết định đó. Ai Cập đang bắt đầu tiến trình dân chủ và chúng tôi hy vọng tiến trình đó sẽ tiếp tục được tăng cường”.
Trước đó, cả Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều lên tiếng phản đối sự can thiệp của quân đội Ai Cập vào tình hình chính trị của nước này sau khi Tổng thổng dân cử Morsi bị phế truất.
Các nhà phân tích nhận định, tình hình Ai Cập sẽ còn diễn biến phức tạp và bất ổn khi các cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống bị phế truất Morsi và tổ chức Anh em Hồi giáo tiếp tục diễn ra trên quy mô lớn trong thời gian tới, đồng thời lo ngại tình trạng quân đội trấn áp mạnh tay người biểu tình sẽ còn gia tăng.
Gần đây, trong cuộc đụng độ ngày 8/7 vừa qua trước một trụ sở quân đội, đã có ít nhất 53 người biểu tình thiệt mạng, trong đó chủ yếu là những người ủng hộ ông Morsi./.