Quan hệ Mỹ - Ấn Độ lại căng thẳng
VOV.VN - Mỹ cho rằng quy định bắt buộc sử dụng thiết bị và công nghệ nội địa của Ấn Độ là sự phân biệt đối xử và đi ngược lại quy định WTO.
Quan hệ có phần rạn nứt giữa Mỹ và Ấn Độ sau vụ Mỹ bắt giữ một quan chức ngoại giao của Ấn Độ cuối năm 2013 tiếp tục bị đẩy lên cao khi Mỹ chính thức đề nghị Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) can thiệp để buộc Ấn Độ phải mở cửa lĩnh vực khai thác năng lượng mặt trời của nước này.
Phát biểu với báo chí ngày 10/1, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman cho biết, nước này đã đề xuất các cuộc thương lượng với Ấn Độ trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới về việc Ấn Độ phải xóa bỏ yêu cầu bắt buộc phải sử dụng thiết bị và công nghệ nội địa trong lĩnh vực năng lượng mặt trời. Theo quan chức thương mại Mỹ, những quy định hiện hành của Ấn Độ là sự phân biệt đối xử và đi ngược lại quy định của Tổ chức Thương mại thế giới.
Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman (Ảnh: The Christian Science Monitor) |
Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman nhấn mạnh: “Quy định của Ấn Độ là sự đối xử phân biệt đối với các hàng xuất khẩu của Mỹ. Quy định mang tính phân biệt đối xử này là sự vi phạm các quy định của Tổ chức thương mại thế giới và chúng tôi quyết định sẽ đứng lên bảo vệ các công nhân và doanh nghiệp Mỹ”.
Đây là lần thứ hai Mỹ tham vấn Tổ chức Thương mại thế giới để giải quyết những bất đồng liên quan tới chương trình phát triển năng lượng mặt trời của Ấn Độ. Ấn Độ hiện nay là thị trường lớn thứ hai, chỉ sau Nhật Bản, về các thiết bị và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng mặt trời của Mỹ, ước tính tạo ra khoảng 12.000 việc làm. Trước đó, Mỹ cũng đã đưa Trung Quốc vào "tầm ngắm" với cáo buộc nước này trợ giá các hoạt động lĩnh vực công nghệ xanh và bán phá giá một số loại tấm năng lượng mặt trời vào thị trường Mỹ.
Theo quy định, khi xảy ra tranh chấp hay tranh cãi thương mại giữa các nước thành viên, Tổ chức Thương mại thế giới sẽ tổ chức các cuộc đàm phán song phương để tìm giải pháp cùng chấp nhận được cho mỗi bên, cụ thể trong trường hợp này giữa Mỹ và Ấn Độ. Nếu trong vòng 30 ngày tiến trình này không đạt kết quả, Mỹ có thể đề nghị Tổ chức Thương mại thế giới thành lập một hội đồng phân xử./.