Quan hệ Mỹ-Triều: Liệu có thể biến thách thức thành cơ hội?
VOV.VN - Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 24/12 cảnh báo Mỹ và các đồng minh sẽ phải “trả giá đắt” vì ủng hộ nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định, Mỹ lo ngại về năng lực hạt nhân của nước này và đang gây sức ép, áp đặt trừng phạt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters
Triều Tiên đồng thời khẳng định, nghị quyết mới của Liên Hợp Quốc tương đương với việc cấm vận kinh tế hoàn toàn Triều Tiên. Những nước ủng hộ nghị quyết này sẽ phải chịu trách nhiệm cho những hậu quả và trả giá đắt cho những gì họ đã làm.
Phát thanh viên kênh truyền hình Nhà nước KRT trích tuyên bố của Bộ Ngoại giao nêu rõ: “Các biện pháp trừng phạt mới do Mỹ và các đồng minh đưa ra xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Triều Tiên, là một hành động khiêu chiến, vi phạm hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và khu vực. Triều Tiên khẳng định sẽ tiếp tục củng cố sức mạnh răn đe hạt nhân nhằm đối phó lại các cảnh báo và tối hậu thư của Mỹ đưa ra".
Phản ứng của Triều Tiên đưa ra sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 2397, áp đặt các biện pháp mới trừng phạt Triều Tiên, theo đó cấm gần 90% hoạt động xuất khẩu dầu sang nước này đồng thời yêu cầu cho hồi hương các lao động Triều Tiên ở nước ngoài.
Lo ngại phản ứng mới nhất của Triều Tiên sau các sức ép quốc tế, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 23/12 hối thúc các binh lính Mỹ sẵn sàng cho mọi tình huống.
Phát biểu trước các binh lính tại một căn cứ ở Bắc Carolina, ông Mattis cho rằng, “mây bão đang tập trung trên bán đảo Triều Tiên”. Ông Mattis cũng nhấn mạnh, vẫn còn cơ hội cho một giải pháp ngoại giao nhưng quân đội Mỹ cần cần sẵn sàng mọi thứ.
Khẩu chiến Mỹ- Triều trong những ngày cuối năm 2017 một lần nữa phản ánh một năm đầy biến động trên bán đảo Triều Tiên. Năm 2017 có thể chứng kiến sự phát triển vượt bậc về công nghệ tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, với việc nước này tiến hành ít nhất 25 vụ thử tên lửa và 1 vụ thử hạt nhân, bao gồm vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào tháng trước, được cho là có thể nhằm vào mọi mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ.
Năm 2017 cũng được đánh giá là một trong những năm chiến lược ngoại giao được áp dụng ở mức thấp lịch sử trong mối quan hệ Mỹ- Triều Tiên. Với những diễn biến hiện nay, dư luận cũng không mấy lạc quan về triển vọng trên bán đảo Triều Tiên, với các hãng truyền thông lớn của thế giới đều chạy các tít “Liệu có chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên trong năm 2018?" hay “Triều Tiên có thể thử tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân thật trong năm 2018?”.
Lo ngại căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có thể bị đẩy lên đến đỉnh điểm khi Thế vận hội mùa đông được tổ chức tại Pyeongchang, Hàn Quốc vào tháng 2 tới, chỉ cách 50 dặm so với khu vực phi quân sự dọc biên giới Triều Tiên. Không may, các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn Quốc xảy ra đúng vào thời điểm tổ chức Thế vận hội.
Triều Tiên luôn phản đối các cuộc diễn tập này và cho rằng đây là hành động chuẩn bị cho chiến tranh. Bất cứ một hành động quân sự nào của Mỹ và đồng minh có thể khơi mào cho các hành động trả đũa ngay lập tức của Triều Tiên nhằm vào Hàn Quốc.
Mặc dù vậy, giới quan sát nhận định, thách thức có thể biến thành cơ hội nếu các bên đều có thành ý. Thế vận hội này sẽ là “cái cớ” để các bên ngồi xuống hòa giải. Hàn Quốc đang cố gắng thuyết phục thế giới rằng Thế vận hội Mùa Đông an toàn và Hàn Quốc đã mời Triều Tiên cử vận động viên tham gia Thế vận hội.
Theo Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, sự tham gia của các vận động viên Triều Tiên sẽ là cơ hội lớn gửi đi thông điệp hòa giải và hòa bình tới thế giới. Giới quan sát cũng cho rằng, Hàn Quốc và Mỹ cũng nên điều chỉnh cuộc diễn tập, không chỉ giúp giảm các nguy cơ đối đầu căng thẳng với Triều Tiên có thể ảnh hưởng đến Thế vận hội, mà còn mở ra một kênh ngoại giao mới với Triều Tiên, làm nền tảng cho những bước tiến tích cực sau này./.
Trump-Tillerson lại “vênh” nhau về Triều Tiên: Nguy cơ tính toán sai