100 ngày đầu đầy sóng gió của Tổng thống Mỹ Donald Trump
VOV.VN - Chỉ mới nhậm chức Tổng thống được 100 ngày, ông Trump đã phải trải qua nhiều sóng gió trong quá trình “lèo lái con thuyền Mỹ trở lại vĩ đại như xưa”.
Theo ABC News, dù phải đối đầu với không ít bê bối trong giai đoạn 100 ngày đầu nắm quyền, Tổng thống Trump vẫn đạt được một số thành tựu đáng nhớ.
Phong thái đầy tự tin của ông Trump trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã giúp ông "ghi điểm" trong lần đầu tiên phát biểu tại đây. Ảnh: Reuters |
Bước chân thành công vào vũ đài chính trị
Trong hơn 3 tháng qua, ông Trump đã tiếp đón rất nhiều lãnh đạo các nước trên thế giới đến thăm Mỹ và cùng tổ chức họp báo chung với 7 người trong số này. Ông cũng chủ động “mở rộng cửa” dinh thự Mar-a-Lago ở Florida để đón tiếp những vị khách đặc biệt quan trọng như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dấu ấn lớn nhất mà ông Trump đạt được khi lên nắm quyền chính là việc tự đứng ra tổ chức một cuộc họp báo chung kéo dài tới 75 phút vào ngày 16/2.
Tại cuộc họp báo đó, ông Trump đã đề cập đến rất nhiều vấn đề quan trọng đối với nước Mỹ và “không quên” chỉ trích những tờ báo thường xuyên “chĩa mũi dùi” vào công việc của ông. Đáng tiếc, đó mới là cuộc họp báo dài hơi và cũng là cuộc họp báo duy nhất của Tổng thống Trump trong suốt 100 ngày qua.
Một điểm cộng nữa cho ông Trump chính là việc ông có bài phát biểu quan trọng trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ ngày 28/2, trong đó, ông trình bày đường hướng để “đưa nước Mỹ trở lại vĩ đại như xưa”. Dù phần trình bày có phần chưa được chi tiết lắm, Tổng thống Mỹ vẫn được các nghị sĩ và người dân đánh giá cao.
Tổng thống Trump khẳng định đang phục hồi niềm kiêu hãnh cho nước Mỹ
Bắt đầu định hình chính sách ngoại giao
Sau khoảng 50 ngày đầu bận rộn với chính sách trong nước, Tổng thống Trump và các trợ lý bắt đầu bắt tay vào việc giải quyết các vấn đề nóng trên toàn cầu.
Ông Trump đã thể hiện được sự cứng rắn của mình trong vấn đề Syria khi bất ngờ ra lệnh phóng loạt 59 quả tên lửa Tomahawk vào một căn cứ quân sự tại Syria vào ngày 7/4.
Cuộc không kích này của Mỹ được ông Trump nhấn mạnh là nhằm đáp trả việc chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường. Hành động này bị ông Trump lên án là man rợ và vượt quá ranh giới đỏ.
Không dừng lại ở đó, đúng 1 tuần sau, ông Trump lại ra lệnh cho quân đội Mỹ thả “mẹ của các loại bom” GBU-43 xuống một căn cứ của IS ở tỉnh Nangarhar, Afghanistan.
Theo các chuyên gia, những hành động trên của ông Trump được coi là “đòn răn đe” đối với Triều Tiên nhất là trong bối cảnh Triều Tiên liên tục thực hiện nhiều vụ thử tên lửa và được cho là đã sẵn sàng cho vụ thử hạt nhân lần thứ 6.
Dù vậy, Tổng thống Trump cũng nỗ lực trong việc “tháo ngòi nổ” căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Một mặt, ông Trump cảnh báo sẵn sàng đánh Triều Tiên bất kỳ lúc nào, mặt khác, Tổng thống Mỹ vẫn “mở ra lối thoát” cho Triều Tiên khi tuyên bố “cánh cửa đối thoại vẫn đang bỏ ngỏ” và nhiều lần đề cập đến Trung Quốc như “một nhân tố đáng tin cậy có thể hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên”.
Như vậy, dù bị coi là “không có nhiều kinh nghiệm chính trị”, ông Trump đã cho thấy ông cũng biết cách xử lý những vấn đề then chốt có tác động lớn đến lợi ích quốc gia của Mỹ và các đồng minh. Chính sách ngoại giao của ông Trump đang dần hình thành dù cho đến thời điểm này vẫn bị đánh giá là “còn khá mơ hồ”.
Vì sao Mỹ bất ngờ dội tên lửa hành trình Tomahawk tấn công Syria?
Những bê bối không đáng có về nhân sự cấp cao
Dù đạt được những thành công nhất định khi bước chân vào vũ đài chính trị, 100 ngày đầu tiên của ông Trump vẫn bị “vấy bẩn” bởi những bê bối liên quan đến những nhân sự cấp cao do chính ông lựa chọn.
Đáng chú ý nhất là việc Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn đã bị chính ông Trump yêu cầu phải từ chức chỉ 21 ngày sau khi được bổ nhiệm khi những thông tin về “mối liên hệ đáng ngờ” của ông Flynn với Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak tràn ngập các trang báo Mỹ.
Tuy nhiên, ông Flynn không phải là “mục tiêu đầu tiên” bị báo chí Mỹ nhắm đến khi đề cập đến “mối liên hệ đáng ngờ” giữa quan chức Mỹ và Đại sứ Nga Kislyak. Một nhân vật cũng rất đáng chú ý khác chính là Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions dù đích thân quan chức này đã lên tiếng phủ nhận điều này.
Không chỉ có các quan chức dưới quyền của mình, đích thân ông Trump cũng từng gặp ông Kislyak tại một diễn đàn về chính sách ngoại giao trong thời gian ông Trump tiến hành vận động tranh cử Tổng thống hồi năm 2016.
Thông tin được chính Nhà Trắng xác nhận ngày 9/3 này hoàn toàn trái ngược với những gì ông chủ Nhà Trắng nhiều lần tuyên bố trước đó rằng, ông chưa từng tiếp xúc với bất kỳ một quan chức Nga nào trong quá trình vận động tranh cử.
Những lời lẽ bao biện sau đó của Nhà Trắng rằng, ông Trump chỉ gặp “một cách rất giới hạn” với ông Kislyak trước khi lên phát biểu và rằng “các cuộc trao đổi với ông Trump tại diễn đàn đó thường diễn ra rất ngắn và hoàn toàn công khai” cũng không xóa bỏ được hết hoài nghi về mối liên hệ giữa ông và giới chức Nga.
Không chỉ có Flynn, nhiều trợ lý của ông Trump từng liên hệ với Nga
Không chỉ bị ảnh hưởng bởi những bê bối từ các quan chức dưới quyền, ông Trump còn bị nghi ngờ về khả năng để xảy ra “xung đột lợi ích” sau khi chính thức bổ nhiệm con gái cả của ông, cô Ivanka Trump làm cố vấn cao cấp dù trước đó chính chồng cô là Jared Kushner cũng đã được bổ nhiệm vào một vị trí tương tự.
Dù đương sự tuyên bố không nhận lương và tiếp nhận vị trí này “một cách hoàn toàn tự nguyện”, việc bổ nhiệm cô Ivanka Trump làm cố vấn cao cấp vẫn vấp phải rất nhiều hoài nghi nhất là trong bối cảnh cô được bảo đảm về an ninh, cung cấp thiết bị liên lạc chỉ dành riêng cho các quan chức Chính phủ và có hẳn một văn phòng trong Nhà Trắng- một đặc ân mà ngay cả nhiều quan chức hàng đầu của Mỹ cũng không có được./.