8 lý do khiến báo cáo của Hà Lan về MH17 được cho là không thuyết phục
VOV.VN - Theo các chuyên gia, báo cáo của Ban An toàn Hà Lan có vẻ mang tính chủ quan và động cơ chính trị. Nó cũng bỏ qua hầu hết các ý kiến của chuyên gia Nga.
Ngày 13/ 10 vừa qua, Ban An toàn Hà Lan đã công bố báo cáo cuối cùng về thảm họa rơi máy bay chở khách mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia tại Đông Ukraine ngày 17/7/2014 khiến toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng. Báo cáo này được trình bày bởi người đứng đầu Ban An toàn Hà Lan, Tjibbe Joustra tại căn cứ quân sự Gilze-Rijen ở Hà Lan.
Tối 13/10, tại Gilze Rijen, Hà Lan, Ủy ban An toàn Hà Lan công bố báo cáo cuối cùng về thảm kịch máy bay MH17. Ảnh: Reuters |
Tranh cãi vẫn tiếp tục sau khi báo cáo được công bố
Sau khi báo cáo được công bố, một trong những nguyên nhân chính của thảm họa được cho là Ukraine đã không đóng cửa không phận với máy bay chở khách, mặc dù chiến sự đang diễn ra tại vùng Donbass có sử dụng tên lửa đất đối không (surface-to-air missiles - SAM). Các chuyên gia Nga đồng ý với nhận định này, nhưng lưu ý rằng cả hai bên trong cuộc xung đột đều sử dụng các hệ thống phòng không trên.
Bên cạnh đó một số ý kiến đổ lỗi cho việc xảy ra thảm họa là do hãng hàng không Malaysia không "nhận thức được những rủi ro tiềm tàng của việc bay trên khu vực xung đột". Vào thời điểm xảy ra thảm kịch với MH17, có 3 chiếc máy bay chở khách khác cũng đang bay trên bầu trời “điểm nóng” này. Đây có thể là thực tế không thể tranh cãi, tuy nhiên đối với các hãng hàng không nước ngoài, họ không có thông tin gì về độ cao được coi là an toàn khi bay qua vùng này.
Theo các chuyên gia, SAM thường không bay cao hơn 3,5 km nếu được phóng đi từ hệ thống phòng không di động. Chính vì vậy độ cao 10 km mà các máy bay chở khách thường bay được xem là an toàn cho hàng không dân dụng (đó cũng là lý do tại sao máy bay chở khách tiếp tục bay qua Afghanistan khi ở đó có xung đột vũ trang). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dù biết có nhiều tên lửa phòng không mạnh được điều đến khu vực xảy ra xung đột, chủ yếu là ở khu vực do mình kiểm soát, Kiev không hề báo trước việc này cho các hãng hàng không nước ngoài.
Về phía Nga, ngay sau khi báo cáo của Ban An toàn Hà Lan được công bố, Nga đã lên tiến cho rằng báo cáo này không thuyết phục. Phó Chủ tịch Cơ quan Hàng không Liên bang Nga Oleg Storchevoy cho biết, Ủy ban điều tra đã không đưa ra bằng chứng về việc tìm thấy trên thân máy bay các thành phần đặc trưng của tên lửa BUK trong khi thành phần này hoàn toàn khác với những gì nêu ra trong bản báo cáo.
Bộ Ngoại giao Nga thì cho rằng, nước này hoài nghi về mục đích thực sự của cuộc điều tra do Hà Lan thực hiện. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, liệu cuộc điều tra này có phải nhằm tìm ra nguyên nhân của vụ máy bay rơi hay là biện hộ cho những cáo buộc được đưa ra từ trước.
Trong khi đó, lực lượng đối lập ở Đông Ukraine cũng lên tiếng tuyên bố rằng, nếu chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia bị bắn hạ bởi tên lửa đất đối không thì các bằng chứng và bản đồ đều khẳng định chiếc máy bay này chỉ có thể bị bắn từ vùng lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của quân đội Ukraine khi đó.
Những lý do khiến báo cáo của Hà Lan được cho là không thuyết phục
Ai là người có lỗi? Với câu hỏi này hiện đang có một sự khác biệt lớn trong dư luận. Ví dụ, một Ủy ban quốc tế được thành lập để điều tra vụ tai nạn (nhưng vì lý do gì đó lại không có Nga và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế) đi đến kết luận rằng, chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH17 đã bị trúng một quả tên lửa BUK do Nga chế tạo được phóng đi từ khu vực Snezhnoe - vào thời điểm đó do nước Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) kiểm soát.
Nhiều mảnh vỡ của MH17 vẫn chưa được thu hồi sau hơn 1 năm xảy ra thảm họa. Điều này sẽ cản trở việc tiến hành một nghiên cứu trên quy mô toàn diện. Ảnh: Reuters |
Theo các nhà điều tra, một tên lửa đất đối không đã đã phát nổ ngay sát bên trái buồng lái máy bay khiến phần đầu máy bay vỡ ra và tất cả các hành khách và phi hành đoàn gần như chết ngay lập tức. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng báo cáo đã bỏ qua một thực tế rằng, các loại tên lửa thường được nhắm vào phần giữa của máy bay để đảm bảo sự hủy diệt. Trong khi đó, phần buồng lái thường được các phi công nhắm bắn bằng pháo trang bị trên máy bay chiến đấu.
Thứ nhất, quan điểm khác biệt so với báo cáo được đưa ra bởi các chuyên gia Nga lưu ý rằng, Ủy ban điều tra quốc tế đã không cung cấp bằng chứng cho thấy phần thân máy bay mang dấu hiệu đặc trưng bị trúng tên lửa BUK (một lỗ hình bướm). Hơn thế, một trong những bức ảnh mà Ủy ban này đệ trình mô tả một phần hệ thống tên lửa BUK (vốn được cho là không thể còn nguyên vẹn sau khi đã phóng tên lửa đi).
Thứ hai, báo cáo về MH17 được gửi cho Nga như một sự đã rồi, có nghĩa là báo cáo này không thể sửa đổi nữa. Hơn nữa, báo cáo này lờ đi hầu hết những nhận định mà các chuyên gia Nga đưa ra trước đây.
Thứ ba, các nhà chức trách Hà Lan đã không cho phép các chuyên gia Nga kiểm tra các hiện trường vụ tai nạn. Thậm chí một tháng sau thảm họa, không phải tất cả các thi thể đã được thu hồi (dấu vết mảnh đạn có thể là manh mối quan trọng cho việc điều tra quốc tế). Bên cạnh đó, trái với thông lệ, một phần đáng kể của chiếc máy bay gặp nạn vẫn còn tại khu vực nó rơi xuống chứ không phải được thu hồi toàn bộ. Điều này sẽ cản trở việc tiến hành một nghiên cứu trên quy mô toàn diện.
Thứ tư, không có sự phân tích kỹ lưỡng về các chỉ dẫn của bộ phận điều khiến không lưu Ukraine - những người đã "dẫn dắt" chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia bay vào khu vực đang có xung đột và không hiểu sao lại thay đổi đường bay của nó.
Vụ việc trên có thể khiến người ta nhớ lại vào ngày 17/3/1994, một chiếc máy bay vận tải quân sự C-130 chở các nhân viên sứ quán Iran đã bị bắn rơi ở khu vực Nagorno-Karabakh gần làng Stepanakert, giết chết tất cả 19 hành khách, trong đó có 9 trẻ em và 13 thành viên phi hành đoàn. Theo các nguồn tin, bộ phận điều khiển không lưu Azerbaijan đã cố ý chuyển hướng của chiếc máy bay này khoảng 100 km vào khu vực chiến sự - nơi nó bị bắn hạ bởi một tên lửa SAM của Armenia.
Thứ năm, báo cáo của Ủy ban điều tra cũng không xét đến khả năng MH17 bị máy bay chiến đấu Ukraine ngăn chặn, dù vào thời điểm đó có một máy bay chiến đấu của nước này ở ngay gần đó. Máy bay này hoàn toàn có thể bắn hạ phi hành đoàn trên MH17 bằng súng máy gắn trên máy bay cũng như hỗ trợ hệ thống phòng không (thường là 2 tên lửa đất đối không phóng cùng một lúc phòng trường hợp một quả bị chệch mục tiêu). Trong trường hợp này, cũng có khả năng MH17 bị hạ bởi tên lửa không đối không
Thứ sáu, ngày 2/7/2015, các chuyên gia của hãng Almaz-Antey - hãng sản xuất tên lửa BUK đã gửi cho Ủy ban điều tra quốc tế kết quả ban đầu của một nghiên cứu quy mô bằng cách sử dụng một mô hình thu nhỏ của một chiếc Boeing 777. Kết quả này cho thấy MH17 có thể đã bị bắn hạ bởi một quả tên lửa BUK 9M38M - loại tên lửa mà các lực lượng vũ trang Nga không còn sử dụng. Tuy nhiên, Ủy ban điều tra đã bỏ qua các tài liệu này.
Trong giai đoạn thử nghiệm thứ hai được tiến hành ngày 7/10 vừa qua, Almaz-Antey đã sử dụng một máy bay IL-86 đã ngừng sử dụng, có kích thước tương tự Boeing 777. Kết quả ghi nhận cho thấy MH17 của Malaysia đã bị bắn hạ bởi tên lửa BUK được phóng đi từ khu vực cách làng Zaroschenskoe khoảng 3,5km về phía Nam. Khu vực này thuộc quyền kiểm soát của quân đội Uraine vào thời điểm đó. Theo các chuyên gia của Almaz-Antey, nếu tên lửa được phóng từ khu vực Snezhnoe (như Ủy ban điều tra quốc tế nêu) sẽ không có mảnh vỡ của đầu đạn trong động cơ máy bay như kết quả điều tra thu được.
Thứ bảy, Mỹ đã không cung cấp cho Ủy ban điều tra quốc tế những dữ liệu thu được từ vệ tinh của Mỹ bay trên vùng chiến sự tại thời điểm xảy ra sự cố.
Thứ tám, Ủy ban điều tra quốc tế đã không tiến hành điều tra hệ thống phòng không của Ukraine, trong đó bao gồm vị trí của các hệ thống này vào thời điểm xảy ra sự cố và các hệ thống tên lửa diệt máy bay trong kho của họ.
Theo Tiến sĩ Vladimir Evseev, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị và xã hội Nga - người có 20 năm nghiên cứu về an ninh khu vực và quốc tế cũng như nghiên cứa về phòng thủ tên lửa đạn đạo - vì những lý do nêu trên, báo cáo của Ban An toàn Hà Lan có thể không phải là kết luận cuối cùng. Nó không đưa vào báo cáo toàn bộ các dữ liệu có sẵn, có vẻ mang tính chủ quan và động cơ chính trị. Việc điều tra "công phu" trong 15 tháng có thể chỉ đơn thuần là một chiến thuật trì hoãn khi bằng chứng thuyết phục về sự tham gia của Nga không thể xác minh./.