Ai hưởng lợi trong cuộc chiến tranh thông tin về căng thẳng Nga-Ukraine?
VOV.VN - Những đồn đoán về chiến tranh đã gây ra tâm lý hoảng loạn, lo sợ và có tác động đến đất nước Ukraine, trong đó có cả cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm ăn tại đây. Trao đổi với phóng viên VOV, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch đã thông tin cụ thể về tình hình hiện nay.
PV: Thưa Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch, ông đánh giá như thế nào về tình hình tại Ukraine hiện nay?
Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch: Chúng tôi đánh giá tình hình đã dịu đi so với 1-2 tuần trước. Lý do là chúng ta thấy lãnh đạo các nước, Bộ trưởng Ngoại giao các nước đã có các chuyến thăm và đàm phán. Điều đó là dấu hiệu cho thấy các bên đang tìm giải pháp thỏa hiệp.
Nếu chúng ta đọc kỹ lời kêu gọi của Tổng thống Zelensky với người dân Ukraine ngày 14/2, có thể thấy Tổng thống nói, người dân đang đứng trước cuộc chiến tranh lớn nhưng không phải lần đầu tiên. Vế thứ hai của ông nói như vậy để làm nhẹ đi nguy cơ của chiến tranh mà phương Tây đang tuyên truyền. Điểm thứ hai, khi ông Zelensky nói Ukraine đang đứng trước cuộc chiến tranh trên nhiều mặt trận, ông liệt kê chiến tranh trên mặt trận quân sự, ngoại giao, năng lượng và cuối cùng là chiến tranh trên mặt trận thông tin.
Ông Zelensky không nói cụ thể, nhưng chúng ta có thể hiểu, tất cả những câu chuyện thổi phồng về chiến tranh, gây tâm lý hoang mang, dao động, đó là chiến tranh thông tin. Trong phát biểu của Tổng thống Zelensky, chúng ta cũng thấy ông không đánh giá khả năng và sự nguy hiểm của chiến tranh trên mặt trận quân sự lớn hơn chiến tranh thông tin. Đối với lãnh đạo Ukraine, chiến tranh quân sự chỉ là một trong các cuộc chiến tranh mà nước này phải đối mặt.
PV: Theo Đại sứ, những đồn đoán về nguy cơ chiến tranh đã tác động như thế nào đến đời sống kinh tế xã hội của Ukraine?
Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch: Đúng là cuộc chiến tranh thông tin ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, nhưng không nhiều. Cuộc sống của người dân Ukraine vẫn diễn ra bình thường, tất nhiên có chuyện các nhà tài phiệt, doanh nghiệp đi ra nước ngoài, nhưng họ tham gia vào cuộc chiến tranh tâm lý hơn là nhu cầu phải ra đi thực sự để tránh cuộc chiến tranh quân sự.
Chính vì thế, Tổng thống Zelensky cũng kêu gọi những người rời đi quay trở về đất nước trong vòng 24 giờ để có trách nhiệm với đất nước. Việc ra đi hoảng loạn như vậy ảnh hưởng đến nền kinh tế của Ukraine và nguy hại cho Ukraine.
PV: Thời gian gần đây, các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ Ukraine sụp đổ, trước khi xảy ra cuộc chiến quân sự. Đại sứ có đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch: Tôi không nghĩ có sự sụp đổ. Sự hoảng loạn có thể gây ra nhiều khó khăn nhưng không đến mức sụp đổ. Sụp đổ xảy ra khi có khủng hoảng rất lớn, chúng ta không thấy có khủng hoảng lớn đến thế đối với nền kinh tế Ukraine. Các nhà tài phiệt, doanh nhân có ra đi, doanh nghiệp của họ vẫn còn ở đấy, vẫn hoạt động, không phải họ ra đi thì các doanh nghiệp đóng cửa. Vì thế, nếu nền kinh tế vẫn hoạt động bình thường thì không có lý do gì Ukraine sụp đổ.
PV: Ai là người được hưởng lợi trong cuộc chiến thông tin này, thưa Đại sứ?
Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch: Những người không liên quan hưởng lợi nhất, vì trong cuộc chiến tranh, có bên sứt đầu, bên mẻ trán. Còn trong chiến tranh thông tin, bên đưa thông tin sai thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín. Tôi không nói là ai, nhưng chúng ta xem kỹ thì sẽ thấy người nào không tham gia vào cuộc chiến này, đứng ở ngoài “tọa sơn quan hổ đấu”, thì người đó được hưởng lợi nhất.
Trong cuộc chiến thông tin, người ta đều có mục tiêu cả. Như một số nhà bình luận nói, họ muốn bẫy Nga-Ukraine rơi vào cuộc chiến tranh. Nếu Nga-Ukraine rơi vào chiến tranh thì cả 2 đều thiệt. Rất may, đến thời điểm này cả Nga và Ukraine đều tỉnh táo, đều cho rằng, họ không có lý do gì để tiến hành chiến tranh. Vì thế, tôi tin không có khả năng xảy ra chiến tranh.
PV: Theo Đại sứ, đâu là cách để Ukraine thoát ra khỏi tình hình hiện nay?
Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch: Sự bình tĩnh của người Ukraine sẽ giúp cho thế giới hiểu rõ hơn, đấy là cuộc chiến tranh thông tin. Đặc biệt, sắp tới khi các hoạt động ngoại giao đem lại kết quả để tháo ngòi nổ, lúc đấy khó có thể tiếp tục thổi phồng. Vì khi đã tìm ra giải pháp, đó là con đường duy nhất để giải quyết chiến tranh thông tin. Thực tế sẽ chỉ ra đâu là sự thật.
PV: Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine có chuẩn bị tâm thế như thế nào và tình hình có tác động gì đến cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine?
Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch: Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine vẫn hoạt động bình thường và đại đa số Đại sứ quán các nước ở Kiev cũng vậy. Chỉ một số đại sứ quán Mỹ và phương Tây rút cán bộ ngoại giao và kêu gọi công dân về nước.
Về công dân Việt Nam ở Ukraine, bà con cũng bàn tán, trao đổi nhiều xung quanh khả năng liệu có cuộc chiến tranh hay không? Nhưng đại đa số đều cho rằng, không có khả năng xảy ra chiến tranh. Trong trường hợp xấu nhất, bà con có nghĩ đến chuyện sơ tán không, ngay cả ở những nơi sát lực lượng ly khai, tức là nơi gần chiến sự nhất, bà con cũng không có ý nghĩ phải sơ tán. Bởi vì sơ tán không đơn giản. Bà con sống ở đây hàng chục năm, gia đình, nhà cửa đều ở Ukraine. Họ giống như một bộ phận của Ukraine, không phải đơn giản xách va li là về nước. Vì thế mọi người sinh hoạt bình thường và xác định ngay cả trong trường hợp xấu nhất, có lẽ cũng không nhiều người có ý định sơ tán.
PV: Thưa Đại sứ, sau 2 năm chịu tác động của dịch Covid-19, cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine hiện nay ra sao?
Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch: Hai năm chịu tác động của Covid-19, đời sống của bà con khó khăn hơn. Bởi vì bà con chủ yếu đi chợ, mà có lúc do Covid-19, chợ phải đóng, khách mua giảm đi. Tuy nhiên, trong năm qua, có rất nhiều bà con chuyển đổi kinh doanh, chuyển sang may mặc, mở nhà hàng. Việc chuyển đổi này giúp một số bà con làm ăn tốt hơn và tạo xu thế. Tôi tin rằng, xu thế chuyển dịch sẽ tiếp tục và giúp bà con đỡ khó khăn hơn.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch!./.