AUKUS định hình vị thế Australia trong khu vực

VOV.VN - Australia đã đi một bước dài trong kế hoạch gia tăng sự ảnh hưởng và trở thành một trong những quốc gia dẫn dắt khu vực khi tham gia AUKUS, một cơ chế an ninh vừa được thành lập vào tháng 9/2021.

AUKUS không chỉ tạo nền tảng để Australia nâng cao năng lực quốc phòng và thúc đẩy việc nghiên cứu, áp dụng các công nghệ tiên tiến, nhạy cảm mà còn là mở ra cơ hội để Australia định hình vị thế trong khu vực trong nhiều năm tới.

Cả thế giới đều bất ngờ khi Australia, Anh và Mỹ tuyên bố về việc hình thành AUKUS ngày 16/9/2021, theo giờ Australia. Kể từ sau khi Australia tham gia Khối Hiệp ước An ninh Quân sự ANZUS với New Zealand và Mỹ vào năm 1951, gia nhập AUKUS được đánh giá là quyết định chiến lược quan trọng nhất mà Australia đưa ra trong khoảng 6 thập kỷ trở lại đây. Nếu như dư luận chú ý nhiều đến hệ lụy ngay lập tức của sự ra đời của AUKUS là việc Australia hủy hợp đồng đặt mua 12 tàu ngầm chạy bằng diesel của Pháp thì đây mới chỉ là một vụ việc cụ thể, AUKUS thực tế sẽ còn tác động sâu rộng hơn nữa, tới toàn bộ vấn đề đảm bảo an ninh cho Australia trong ít nhất 1 thế hệ.

Đưa quan hệ của Australia với Mỹ và Anh lên mức tin cậy mới

Không khó để thấy rằng AUKUS sẽ đưa quan hệ giữa Australia với Mỹ và Anh lên một tầm cao mới mà ở đó sự tin cậy được nâng lên rất nhiều. AUKUS tạo ra khuôn khổ để Australia trở thành quốc gia thứ hai, sau Anh, Mỹ sẵn sàng chia sẻ thông tin bí mật và nhạy cảm về động cơ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Australia và Mỹ đã là đồng minh từ sau khi tham gia ANZUS vào năm 1951. Kể từ đó đến nay Australia cũng đã đồng hành với Mỹ trong nhiều cuộc chiến và trong nhiều hoạt động quân sự, an ninh khác. Không chỉ vậy, Australia, Anh và Mỹ cũng đều là thành viên của liên minh tình báo Ngũ Nhãn cùng với New Zealand và Canada, tuy vậy Australia chưa bao giờ đạt được tin tưởng như Mỹ dành cho Anh. Vì vậy, việc Mỹ đồng ý chia sẻ thông tin về tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là cơ hội hiếm có đối với Australia và nó cũng cho thấy giờ đây Australia dường như đã được xếp ngang hàng với Anh và trở thành đồng minh tin cậy hàng đầu của Mỹ.

Không chỉ vậy, việc ba nước ngay lập tức ký thỏa thuận về việc chia sẻ thông tin bí mật và nhạy cảm về động cơ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân vào tháng 11/2021 vừa qua, tức là chỉ 2 tháng sau khi AUKUS được thành lập cũng cho thấy sự tin tưởng giữa 3 nước Australia, Anh và Mỹ đang ở mức rất cao khiến các nước không chần chừ mà ngay lập tức triển khai những bước đi đầu tiên.

Với Anh, Australia là đối tác tự nhiên khi cả hai đều nằm trong Khối Thịnh vượng chung, có sự gắn bó chặt chẽ về lịch sử, văn hóa, thể chế, ngôn ngữ, giao lưu nhân dân...Tuy vậy, Australia và Anh lại chưa bao giờ là đồng minh mà hiện chỉ là đối tác của nhau. Vì vậy, việc cả 2 cùng là thành viên của AUKUS sẽ mở ra cơ hội để quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ hơn, tin cậy hơn nữa trong thời gian tới.

Nâng cao năng lực quốc phòng

Dự án hợp tác đầu tiên trong khuôn khổ AUKUS chính là việc Anh và Mỹ cùng nhau phối hợp hỗ trợ Australia sản xuất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tại bang Nam Australia. Với ưu điểm vượt trội về thời gian hoạt động dài ngày dưới mặt nước biển mà không bị phát hiện, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân không phải thường xuyên nạp năng lượng nên có thể đi xa và tiến sát vào mục tiêu. Khi sở hữu hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, năng lực của hải quân Australia sẽ được gia tăng đáng kể trong việc bảo vệ lợi ích và tấn công đối phương. Ông Michael Shoebridge, Giám đốc Quốc phòng, Chiến lược và An ninh quốc gia thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia nhận định “tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có năng lực phòng vệ rất lớn và có thể bao quát được cả khu vực và khả năng ngăn chặn mạnh mẽ của nó khiến cho không cần phải dùng đến vũ khí hạt nhân”.

Hiện nay trên thế giới mới có 6 quốc gia đang vận hành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân gồm Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ và Nga. Và Australia có thể sẽ là quốc gia thứ 7 được đưa vào danh sách này khi chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên được bàn giao cho nước này vào những năm 2040.

Việc trang bị tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đã thay đổi thế trận quốc phòng và nâng cao đáng kể năng lực quốc phòng của Australia. Tuy nhiên, có lẽ đây không phải là dự án hợp tác quốc phòng duy nhất trong khuôn khổ AUKUS giữa Australia, Anh và Mỹ.

Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Australia Scott Morrision, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định, thông qua AUKUS, 3 nước sẽ tăng cường khả năng để hỗ trợ các lợi ích an ninh và quốc phòng” và “sẽ hợp tác sâu rộng hơn trong một loạt các vấn đề về an ninh và năng lực quốc phòng”. Vì thế, ngoài tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, AUKUS hoàn toàn có thể trở thành nền tảng để Australia mua sắm và trang bị thêm các thiết bị quốc phòng khác.

Ông Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia nhận định, tuyên bố của AUKUS cho thấy các bên có thể cùng nhau nâng cao khả năng các loại vũ khí tấn công tầm xa, trong đó, một số vũ khí có khả năng tấn công đã được công bố và một số khác đã được gợi ý. Ông Malcolm Davis cũng đề cập đến tên lửa tấn công tầm xa có thể tấn công mục tiêu chính xác từ khoảng cách 400km cũng như vũ khí siêu thanh...

Trong bối cảnh môi trường chiến lược trong khu vực đang chứng kiến sự thay đổi lớn chưa từng có kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 và sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng quyết liệt, Australia đang đầu tư lớn chưa từng có cho việc nâng cao năng lực và tăng cường khả năng chiến đấu cho lực lượng quốc phòng. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton cho biết, việc tham gia AUKUS sẽ làm cho nước này nâng mức chi tiêu dành cho quốc phòng lên đến 50 tỷ AUD/năm, tương đương với 2,5% GDP.

Đây là mức ngân sách kỷ lục mà Australia dành cho quốc phòng khi trước đó, mức chi chỉ đạt khoảng 2,2% GDP và thậm chí có giai đoạn trước đó chỉ đạt 1,6% GDP. Bộ trưởng Dutton khẳng định, các loại vũ khí hiện đại như tên lửa tầm xa, vũ khí siêu thanh, hệ thống chống tiếp cận và từ chối khu vực, công nghệ bảo vệ an ninh mạng, máy bay không người lái...đều là những công cụ cần thiết giúp Australia đối mặt với kẻ thù.

Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến và nhạy cảm

Một trong những lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ AUKUS được nhắc đến trong tuyên bố chung giữa 3 nhà lãnh đạo đó là công nghệ. Nhưng khác với các lĩnh vực hợp tác quốc phòng, tuyên bố nêu rõ các lĩnh vực công nghệ mà Australia, Anh và Mỹ sẽ ưu tiên hợp tác trong khuôn khổ AUKUS đó là năng lực không gian mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và các khả năng dưới đáy biển. Đây đều là những công nghệ tiên tiến và nhạy cảm. Nắm bắt và khai thác tối đa các công nghệ này sẽ mang về nhiều lợi ích không chỉ trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng mà cả trong lĩnh vực dân sự cho Australia, Anh và Mỹ.

Ngày nay, công nghệ không chỉ đơn thuần là lĩnh vực khoa học mà tác động sâu rộng tới kinh tế, xã hội và an ninh-quốc phòng. Vì vậy nếu khai thác được những công nghệ chủ chốt thì không chỉ tăng cường năng lực mà còn giúp quốc gia nâng cao vị thế và ảnh hưởng trên trường quốc tế. Và đây là lĩnh vực còn rất nhiều dư địa để Australia có thể hợp tác chặt chẽ hơn với Anh và Australia.

Australia đang đẩy mạnh phát triển công nghệ và đưa công nghệ trở thành trụ cột cho nền kinh tế. Vì vậy, Thủ tướng Scott Morrison khẳng định, khuôn khổ AUKUS sẽ tạo điều kiện để 3 nước Australia, Anh và Mỹ “nâng cao năng lực và khả năng tương tác về công nghệ”, qua đó giúp 3 quốc gia “đáp ứng những thách thức của thế kỷ 21 ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

AUKUS định hình vị thế chiến lược của Australia trong khu vực

Sách Trắng Ngoại giao Australia công bố vào năm 2017 nhận định, bối cảnh khu vực đang chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt nên Australia xác định sẽ chủ động can dự vào các vấn đề khu vực và toàn cầu, thể hiện tiếng nói riêng và tăng cường kết nối với các đối tác theo các tầng nấc khác nhau. Trong đó trọng tâm là các quốc gia láng giềng, nhóm Bộ Tứ, ASEAN và các quốc gia có nhiều lợi ích song trùng.

Sự ra đời của Sách Trắng Ngoại giao đã đánh dấu bước chuyển chiến lược của Australia trong chính sách đối ngoại. Và trên thực tế trong những năm qua, Australia đã và đang triển khai chính sách này trong đó nổi bật là việc Australia tích cực hỗ trợ các quốc gia trong khu vực ứng phó với Covid-19 thông qua việc cung cấp hàng chục triệu liều vaccine ngừa Covid-19 và hỗ trợ các nước nhiều trang thiết bị y tế ứng phó với dịch bệnh và triển khai tiêm vaccine.

Bên cạnh đó, Australia cũng đã không ít lần chủ động nêu lên ý kiến của riêng mình trong các vấn đề của khu vực và quốc tế cho dù có thể khiến Trung Quốc tức giận và trả đũa như việc phản đối các hành động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông hay kêu gọi tổ chức cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc và sự lây lan của Covid-19 tại Trung Quốc….Australia cũng đồng thời nâng cấp quan hệ với nhiều quốc gia trong khu vực để củng cố mạng lưới đối tác thân thiết. Dư luận cũng chứng kiến sự chủ động và tích cực của Australia trong việc thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ Bộ Tứ, thúc đẩy cam kết với ASEAN và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác với những đối tác chủ chốt trong khu vực.

Tuy Australia đang đồng loạt đẩy mạnh quan hệ với các quốc gia và thể chế trong khu vực về cả bề rộng lẫn chiều sâu cũng như trên các tầng nấc khác nhau nhưng như các hoạt động này mới chỉ thể hiện sự nỗ lực của Australia trong việc xây dựng vị thế của một quốc gia tầm trung, ngày càng chủ động, can dự tích cực vào các vấn đề trong khu vực. Trong đó, khuôn khổ Bộ Tứ với các thành viên khác là Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ trong một chừng mực nhất định đã tạo dựng hình ảnh Australia như là một trong những quốc gia bắt đầu tham gia vai trò dẫn dắt khu vực. Tuy nhiên, vai trò và vị thế của Australia trở nên nổi bật hơn khi trở thành một trong 3 thành viên của cơ chế an ninh AUKUS cùng với 2 thành viên khác là Anh và Mỹ.

Tất nhiên nếu so với Anh và Mỹ thì tiềm lực về kinh tế, quốc phòng và tầm ảnh hưởng của Australia đều chưa thể bằng. Tuy nhiên thực tế này lại cho thấy, AUKUS sẽ tạo ra nền tảng để Anh và Mỹ cùng phối hợp hỗ trợ Australia nâng cao năng lực và tầm ảnh hưởng.

Các lĩnh vực hợp tác đã nêu trong tuyên bố chung về sự ra đời của AUKUS như an ninh-quốc phòng, các công nghệ mới nổi và nhạy cảm, chuỗi cung ứng….đều là những lĩnh vực mới quan trọng và có tầm ảnh hưởng chiến lược nên việc hợp tác giữa 3 bên không chỉ giúp 3 nước này nắm bắt công nghệ tiên tiến mà còn đưa quan hệ giữa 3 nước thêm sâu sắc và là bằng chứng cho thấy Australia - một quốc gia tầm trung đang nhận được sự hậu thuẫn lớn từ Anh và Mỹ.

Tất nhiên đây là quan hệ hợp tác 3 bên vì thế Anh, Mỹ cũng sẽ không chịu thiệt thòi. Còn với Australia, ngoài những lợi ích về an ninh-quốc phòng thì vị thế của Australia sẽ tăng lên rất nhiều khi trở thành quốc gia duy nhất được ngồi cùng với 2 cường quốc là Anh và Mỹ trong “con thuyền”AUKUS. Chính vì vậy mà ông Peter Jenning, Giám đốc điều hành Viện Chính sách Chiến lược Australia nhận định “Mỹ không chỉ mong chờ Australia quan tâm tới các nhu cầu về an ninh của mình mà còn đóng vai trò dẫn dắt trong việc ổn định khu vực Thái Bình Dương và Đông Nam Á”.

Sự ra đời của AUKUS đang tái định hình môi trường chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tạo nên những thay đổi trong cán cân quyền lực trong khu vực. Đây là một kế hoạch lớn và dài hạn vì vậy ông Rory Medcalf, người đứng đầu trường An ninh quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Canberra nhận định, Australia sẽ cùng với Anh và Mỹ nỗ lực trong 20 năm nữa và nhiều hơn thế để gây dựng, củng cố và mở rộng ảnh hưởng của cơ chế này.

Còn ở thời điểm hiện tại, cùng với hoạt động ngày càng nhiều, cụ thể và thiết thực của nhóm Bộ Tứ, sự ra đời của AUKUS một lần nữa cho thấy trọng tâm của thế giới đang chuyển về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong đó, Australia, dưới sự ủng hộ của Anh và Mỹ đang dần khẳng định là quốc gia tầm trung tham gia vào vai trò dẫn dắt khu vực./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Giải mã” nỗi lo và phản ứng của Indonesia về AUKUS
“Giải mã” nỗi lo và phản ứng của Indonesia về AUKUS

VOV.VN - Indonesia đã có sự phản ứng rất thận trọng trước sự ra đời của AUKUS. Indonesia lo ngại về sức mạnh của Australia, dè chừng yếu tố Trung Quốc, mong muốn có sự tự chủ chiến lược…

“Giải mã” nỗi lo và phản ứng của Indonesia về AUKUS

“Giải mã” nỗi lo và phản ứng của Indonesia về AUKUS

VOV.VN - Indonesia đã có sự phản ứng rất thận trọng trước sự ra đời của AUKUS. Indonesia lo ngại về sức mạnh của Australia, dè chừng yếu tố Trung Quốc, mong muốn có sự tự chủ chiến lược…

New Zealand muốn được tiếp cận công nghệ quốc phòng của AUKUS
New Zealand muốn được tiếp cận công nghệ quốc phòng của AUKUS

VOV.VN - AUKUS là một cơ chế an ninh mới được thành lập vào tháng 9/2021 với 3 thành viên là Australia, Anh và Mỹ để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, quốc phòng giữa ba quốc gia này.

New Zealand muốn được tiếp cận công nghệ quốc phòng của AUKUS

New Zealand muốn được tiếp cận công nghệ quốc phòng của AUKUS

VOV.VN - AUKUS là một cơ chế an ninh mới được thành lập vào tháng 9/2021 với 3 thành viên là Australia, Anh và Mỹ để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, quốc phòng giữa ba quốc gia này.

Khối quân sự AUKUS (Mỹ-Anh-Australia) tác động mạnh vào an ninh châu Âu
Khối quân sự AUKUS (Mỹ-Anh-Australia) tác động mạnh vào an ninh châu Âu

VOV.VN - Hiệp ước quân sự AUKUS (gồm 3 nước Australia-Anh-Mỹ) là một vấn đề an ninh của cả châu Âu chứ không riêng gì nước Pháp.

Khối quân sự AUKUS (Mỹ-Anh-Australia) tác động mạnh vào an ninh châu Âu

Khối quân sự AUKUS (Mỹ-Anh-Australia) tác động mạnh vào an ninh châu Âu

VOV.VN - Hiệp ước quân sự AUKUS (gồm 3 nước Australia-Anh-Mỹ) là một vấn đề an ninh của cả châu Âu chứ không riêng gì nước Pháp.

Hai gọng kìm Quad và AUKUS có thực sự lợi hại trong kiềm chế Trung Quốc trên biển?
Hai gọng kìm Quad và AUKUS có thực sự lợi hại trong kiềm chế Trung Quốc trên biển?

VOV.VN - Dù không chính thức công khai mục tiêu chính, cả AUKUS và Quad đều liên hệ gắn bó với nhau và cùng nhắm tới kiềm chế sự trỗi dậy và các tham vọng của Trung Quốc trên biển. Hai khối này như 2 gọng kìm kết hợp sức mạnh quân sự và sức mạnh kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương.

Hai gọng kìm Quad và AUKUS có thực sự lợi hại trong kiềm chế Trung Quốc trên biển?

Hai gọng kìm Quad và AUKUS có thực sự lợi hại trong kiềm chế Trung Quốc trên biển?

VOV.VN - Dù không chính thức công khai mục tiêu chính, cả AUKUS và Quad đều liên hệ gắn bó với nhau và cùng nhắm tới kiềm chế sự trỗi dậy và các tham vọng của Trung Quốc trên biển. Hai khối này như 2 gọng kìm kết hợp sức mạnh quân sự và sức mạnh kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương.

Ấn Độ có thể đóng góp cho liên minh AUKUS của Mỹ trong ứng phó Trung Quốc như thế nào?
Ấn Độ có thể đóng góp cho liên minh AUKUS của Mỹ trong ứng phó Trung Quốc như thế nào?

VOV.VN - AUKUS được ngầm hiểu là liên minh an ninh giữa Mỹ, Anh, và Australia trong ứng phó với Trung Quốc. Các công nghệ chiến lược đóng vai trò quan trọng trong hợp tác của liên minh này. Với trình độ công nghệ của mình và những điểm tương đồng về lợi ích, Ấn Độ có thể hỗ trợ rất nhiều cho AUKUS.

Ấn Độ có thể đóng góp cho liên minh AUKUS của Mỹ trong ứng phó Trung Quốc như thế nào?

Ấn Độ có thể đóng góp cho liên minh AUKUS của Mỹ trong ứng phó Trung Quốc như thế nào?

VOV.VN - AUKUS được ngầm hiểu là liên minh an ninh giữa Mỹ, Anh, và Australia trong ứng phó với Trung Quốc. Các công nghệ chiến lược đóng vai trò quan trọng trong hợp tác của liên minh này. Với trình độ công nghệ của mình và những điểm tương đồng về lợi ích, Ấn Độ có thể hỗ trợ rất nhiều cho AUKUS.

Thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân Mỹ-Australia khiến NATO và Pháp rúng động
Thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân Mỹ-Australia khiến NATO và Pháp rúng động

VOV.VN - Các động thái ngầm của Mỹ với Australia trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc, cụ thể là thỏa thuận về chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân vừa qua, khiến EU và NATO cảm thấy bị phớt lờ. Riêng Pháp cảm thấy bị sốc nặng.

Thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân Mỹ-Australia khiến NATO và Pháp rúng động

Thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân Mỹ-Australia khiến NATO và Pháp rúng động

VOV.VN - Các động thái ngầm của Mỹ với Australia trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc, cụ thể là thỏa thuận về chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân vừa qua, khiến EU và NATO cảm thấy bị phớt lờ. Riêng Pháp cảm thấy bị sốc nặng.

Trung Quốc gia tăng áp lực lên Indonesia trên biển
Trung Quốc gia tăng áp lực lên Indonesia trên biển

VOV.VN - Dự án khí đốt Biển Bắc Natura đe dọa làm cho quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Indonesia thêm trầm trọng hơn, công khai hơn. Trên biển, Indonesia đang đối mặt với áp lực ngày một gia tăng từ Trung Quốc.

Trung Quốc gia tăng áp lực lên Indonesia trên biển

Trung Quốc gia tăng áp lực lên Indonesia trên biển

VOV.VN - Dự án khí đốt Biển Bắc Natura đe dọa làm cho quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Indonesia thêm trầm trọng hơn, công khai hơn. Trên biển, Indonesia đang đối mặt với áp lực ngày một gia tăng từ Trung Quốc.

Vì sao Trung Quốc điều chỉnh chính sách Vành đai và Con đường ở Trung Á?
Vì sao Trung Quốc điều chỉnh chính sách Vành đai và Con đường ở Trung Á?

VOV.VN - Trung Quốc đang thay đổi chính sách đầu tư vào Trung Á trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Các công ty Trung Quốc đang phải thích nghi với các đòi hỏi của chính phủ và công dân các nước sở tại muốn có thêm việc làm, hàng xuất khẩu và đào tạo kỹ năng nghề...

Vì sao Trung Quốc điều chỉnh chính sách Vành đai và Con đường ở Trung Á?

Vì sao Trung Quốc điều chỉnh chính sách Vành đai và Con đường ở Trung Á?

VOV.VN - Trung Quốc đang thay đổi chính sách đầu tư vào Trung Á trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Các công ty Trung Quốc đang phải thích nghi với các đòi hỏi của chính phủ và công dân các nước sở tại muốn có thêm việc làm, hàng xuất khẩu và đào tạo kỹ năng nghề...