AUKUS khiến cuộc cạnh tranh ở Biển Đông tăng nhiệt
VOV.VN - Các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đang gặp nhiều khó khăn ở thời điểm hiện nay khi vừa phải chống chọi với đại dịch Covid-19 lại vừa nỗ lực để đẩy lùi hành vi gây hấn của Trung Quốc trong khu vực.
“Quả bom nổ chậm” đối với khu vực
Trong bài viết đăng tải trên Tạp chí Eurasia Review, ông Aristyo Rizka Darmawan, chuyên gia an ninh hàng hải của Đại học Indonesia cho rằng, giữa lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Trung Quốc đã tăng cường hoạt động của cảnh sát biển và lực lượng Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN), quấy rối tàu của các nước trong khu vực. Trong một diễn biến mới nhất, Bắc Kinh bị cáo buộc điều tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 10 tới biển Bắc Natuna của Indonesia. Theo phía Indonesia, con tàu này được một tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc hộ tống và đe dọa ngư dân địa phương.
Ông Aristyo Rizka nhận định, quá trình quân sự hóa trong khu vực đã được đẩy mạnh trong những năm gần đây với một loạt các cuộc tập trận chung. Indonesia và Mỹ đã tổ chức cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay giữa hai nước mang tên Lá chắn Garuda, với sự tham gia của gần 4.000 binh sỹ. Mỹ và Philippines cũng nối lại cuộc tập trận thường niên Balikatan sau thời gian trì hoãn do đại dịch Covid-19. Trong khi đó, Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập trận chung quy mô lớn với Nga, có sự tham gia của 10.000 binh sỹ.
Ngoài ra, sự hiện diện quân sự của các nước không có chủ quyền ở Biển Đông cũng gia tăng. Cùng với các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ, nhiều nước như Anh, Pháp, Đức đã điều tàu hải quân đến khu vực. Giới phân tích cho rằng, các nước này nhiều khả năng muốn gửi thông điệp đến Bắc Kinh rằng họ sẵn sàng đáp trả bất cứ hành động khiêu khích nào ở Biển Đông.
Nhưng “quả bom nổ chậm” thực sự đối với khu vực là tuyên bố thành lập liên minh quân sự AUKUS giữa Anh, Australia, Mỹ vào ngày 15/9/2021. Trong đó có thỏa thuận Anh và Mỹ hỗ trợ Australia phát triển tàu ngầm hạt nhân.
Chuẩn bị cho tình huống xấu nhất
Tại Đông Nam Á, đã có nhiều phản ứng trái chiều liên quan đến vấn đề này. Các nước ASEAN từ lâu đã theo đuổi lập trường khác nhau về sự hiện diện quân sự của phương Tây ở Biển Đông và quan điểm của họ đối với liên minh AUKUS cũng tương tự. Những nước có xu hướng ủng hộ sự hiện diện của Mỹ và đồng minh trong khu vực, chẳng hạn như Singapore hay Philippines đã có phản ứng tích cực hoặc ít nhất là bày tỏ quan điểm trung lập đối với AUKUS. Trái lại, Indonesia và Malaysia lại “quan ngại sâu sắc” về hiệp ước an ninh Mỹ-Anh-Australia cũng như quyết định đóng tàu ngầm hạt nhân của Canberra.
Theo một số nhà phân tích, tác động về mặt quân sự của liên minh AUKUS là rất lớn, đặc biệt ở Biển Đông. Philippines cho rằng, sự hiện diện mạnh mẽ hơn của phương Tây có thể giúp kiềm chế các hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Trái lại, Indonesia lo ngại AUKUS có thể kích động một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực và gây cản trở nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân. Chuyên gia Aristyo Rizka cho rằng, AUKUS có thể không đe dọa trực tiếp Indonesia hoặc bất cứ quốc gia Đông Nam Á nào, nhưng sẽ khơi mào phản ứng từ phía Bắc Kinh và làm gia tăng cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung trong khu vực. Cuộc cạnh tranh về mặt quân sự ngày càng tăng nhiệt sẽ đặt các nước Đông Nam Á vào một tình thế thiếu an toàn.
Ngay sau tuyên bố của Anh, Australia và Mỹ về thành lập liên minh AUKUS, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì đối thoại với Trung Quốc. Phản ứng của Bắc Kinh đối với AUKUS được cho là một chỉ dấu quan trọng để xác định liệu có khả năng xảy ra chiến tranh hoặc leo thang căng thẳng ở Biển Đông hay không. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã lên tiếng chỉ trích việc thành lập liên minh AUKUS, nói rằng “thỏa thuận này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng hòa bình, ổn định trong khu vực, đồng thời gia tăng cuộc chạy đua vũ trang”.
Dù nhiều nhà phân tích đánh giá rất khó xảy ra một cuộc chiến tranh công khai ở Biển Đông, khu vực này vẫn nên lường trước mọi khả năng, chuyên gia Aristyo Rizka Darmawan nhận định./.