Bàn về chiến lược an ninh đầu tiên của Tổng thống Mỹ Trump
VOV.VN - Đêm 18/12 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trình bày Chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của mình.
Chiến lược này là một văn kiện phác họa rõ ràng những vấn đề mà chính quyền Mỹ hiện tại coi là mối đe dọa nghiêm trọng nhất với nước Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Daily Beast.
Chiến lược An ninh Quốc gia thường được công bố 4 năm một lần. Vì thế, bài phát biểu lần này của Tổng thống Donald Trump có thể coi là đóng vai trò chỉ dẫn chính sách trong nhiều vấn đề đối ngoại và an ninh của nước Mỹ trong những năm tại nhiệm còn lại của ông Trump.
Thách thức nghiêm trọng của nước Mỹ
Chiến lược an ninh quốc gia 2017 của Tổng thống Trump cũng tương tự như chiến lược an ninh quốc gia của các chính quyền trước đó. Trong chiến lược mới nhất này, chính quyền Tổng thống Trump cũng xác định rõ những thách thức mà nước Mỹ đang phải đối mặt trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều thay đổi không có lợi cho nước Mỹ.
Các thách thức này được chia thành ba nhóm. Thứ nhất, là các quốc gia như Trung Quốc và Nga, đang tìm cách xây dựng một trật tự toàn cầu mới, cả về quân sự lẫn kinh tế, tranh giành ảnh hưởng với Mỹ. Thứ hai, là các quốc gia được Mỹ xếp vào diện “cứng đầu” hoặc “bất hảo”. Các quốc gia này được nêu rõ như Iran và Triều Tiên, với nỗ lực lực theo đuổi vũ khí hủy diệt hàng loạt, trợ giúp khủng bố cũng như các hoạt động gây bất ổn khác. Thứ ba là các nhân tố phi nhà nước như các tổ chức khủng bố và băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia.
Điểm khác biệt nhất trong Chiến lược của chính quyền Tổng thống Trump so với chính quyền trước đó của ông Obama là không xác định biến đổi khí hậu là một trong những nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.
Cũng trong Chiến lược an ninh quốc gia, chính quyền Trump đã đề ra nhiều biện pháp đối phó với các thách thức nói trên. Tuy nhiên, theo đánh giá ban đầu của giới phân tích thì các biện pháp của chính quyền Trump vẫn chung chung, chưa thể hiện rõ được nước Mỹ sẽ phải làm như thế nào.
Học thuyết Trump
Nền tảng trong Chiến lược an ninh quốc gia 2017 được xây dựng dựa trên học thuyết “Nước Mỹ trên hết”. Đây là chủ đề chính trong chiến dịch tranh cử của ông Trump và cũng là con bài giúp ông chiến thắng trong cuộc đua trở thành ông chủ Nhà Trắng cuối năm ngoái.
Tham vọng Ấn Độ-Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Donald Trump
Cụ thể hơn, với học thuyết “Nước Mỹ trên hết” hay có thể gọi là học thuyết Trump, thì nước Mỹ đang tham gia vũ đài thế giới và nước Mỹ phải chiến thắng. Chiến lược của ông Trump tập trung vào bảo vệ biên giới nội địa, thúc đẩy thịnh vượng của nước Mỹ, thúc đẩy hòa bình bằng sức mạnh cũng như tăng cường ảnh hưởng của nước Mỹ.
Tuy nhiên, Mỹ sẽ hợp tác với các nước khác theo hướng bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ. Thậm chí, Mỹ có thể đơn phương hành động, bỏ qua các thỏa thuận đang tồn tại, không tính đến lợi ích các nước liên quan trong một số vấn đề như biên giới, thương mại, biến đổi khí hậu, di cư… Như vậy, Chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Trump chú trọng hơn đến quan điểm nước Mỹ sẽ cạnh tranh không ngừng, cạnh tranh với tất cả các nước bằng tất cả các công cụ sức mạnh quốc gia mà Mỹ sở hữu.
Dư luận Mỹ
Chiến lược an ninh quốc gia mới của chính quyền Trump đang nhận được các luồng dư luận trái chiều. Trong khi nhiều ý kiến bày tỏ sự ủng hộ thì cũng có không ít ý kiến cho rằng, với chiến lược này nước Mỹ đang đi vào ngõ cụt. Các ý kiến ủng hộ cho rằng, văn kiện này có nhiều điểm mới so với các văn kiện trước đó nhưng xác định rõ Mỹ cần tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo thế giới của mình. Điều này cũng phản ánh việc ông Trump có thể thay đổi quan điểm của mình nhưng cho đến thời điểm này đã gần như định hình được an ninh quốc gia của nước Mỹ.
Quyết định của Tổng thống Trump về Jerusalem: Lợi bất cập hại?
Ngoài ra, học thuyết “Nước Mỹ trên hết” đã có hiệu quả trên thực tế khi chính quyền Trump giành được sự ủng hộ của quốc tế trong một số vấn đề như cải tổ Liên Hợp Quốc, giải quyết căng thẳng trên báo đảo Triều Tiên hay khái niệm mới về “Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do”. Trong khi đó, một số ý kiến phản đối thì cho rằng chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến, thực hiện chính sách “đi một mình”, coi các đối tác thương mại là đối thủ… sẽ làm cho nước Mỹ càng ngày càng bị cô lập. Nước Mỹ khó có thể bảo vệ an ninh và thịnh vượng của chính mình cũng như xây dựng một thế giới tương đồng với các giá trị Mỹ.
Tuy nhiên, nếu đánh giá thực tế chính trường Mỹ hiện nay thì không thể không đặt câu hỏi hoài nghi về tính hiệu quả cũng như khả năng thực hiện chiến lược này. Chiến lược đặt ra những vấn đề có vẻ khác xa với thực tế điều hành đất nước hiện nay cũng như các tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump. Điều này thể hiện rõ ràng nhất trong việc mặc dù để ngỏ khả năng hợp tác với Trung Quốc và Nga nhưng thẳng thừng coi các nước này là đối tượng cạnh tranh quyết liệt, thậm chí là đối thủ có ý định tranh giành vai trò lãnh đạo của nước Mỹ.
Chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Trump cũng phản ánh một số giá trị và ưu tiên quan trọng, tương tự như những các chiến lược trước đó. Điều này có nghĩa là văn kiện trên có thể không có quá nhiều ý nghĩa đối với Tổng thống Trump, người thường xuyên có các tuyên bố và việc làm không đi đôi với nhau. Chính vì thế, để hiểu về chính sách của nước Mỹ, có lẽ theo dõi sát sao các hành động của Tổng thống Trump sẽ chính xác hơn là dựa vào Chiến lược an ninh quốc gia như thông lệ từ trước đến nay./.