Báo Mỹ: Tranh cãi về vai trò của ông Bob Kerrey tại Đại học Fulbright
VOV.VN - Việc chỉ định cựu Thượng Nghị sĩ Bob Kerrey đứng đầu trường Đại học Fulbright đã gây những tranh cãi gay gắt tại Việt Nam.
Theo tờ New York Times, điều này là bởi trước đây, khi còn là đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ tham chiến tại Việt Nam, ông Kerrey đã tham gia vào việc thảm sát phụ nữ và trẻ em.
Cựu Thượng Nghị sĩ Bob Kerrey. Ảnh AP
Cựu Đại sứ Việt Nam tại châu Âu Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ trên email rằng: “ Như hầu hết người Việt Nam, tôi sẵn sàng gạt quá khứ sang một bên để hướng tới tương lai cùng với nhân dân hai nước vì lợi ích chung.
[Tuy nhiên] có thể nói, việc bố trí Bob Kerrey là chủ tịch Hội đồng Tín thác trường Đại học Fulbright thể hiện sự vô cảm đối với cảm xúc và suy nghĩ của không ít người Việt Nam, nếu không nói là xem thường phản ứng và lòng tự trọng của chúng ta”.
Đêm kinh hoàng tại Thạnh Phong
Từ 15 năm trước, ông Kerrey đã thú nhận rằng, ông cùng nhóm đặc nhiệm do ông đứng đầu đã sát hại những phụ nữ và trẻ em vô tội trong một đợt càn vào ban đêm tại xã Thạnh Phong thuộc Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 1969.
Những người may mắn sống sót trong trận càn này cho biết, có khoảng 20 dân thường thiệt mạng, bao gồm 13 trẻ em và một phụ nữ mang thai. Sau trận càn đó, ông Kerrey nhận Huân chương Sao Đồng sau khi nhóm của ông cố tình báo cáo sai sự thật rằng họ đã tiêu diệt được 21 du kích người Việt.
Chủ tịch ĐH Fulbright Bob Kerrey và nỗi ám ảnh mang tên Thạnh Phong
Ông Kerrey đã “ém nhẹm” vụ sát hại này tới hơn 3 thập kỷ và chỉ thú nhận sau khi tờ New York Times và hãng CBS News công bố bản điều tra chung vào năm 2001.
“Đó không phải là một thắng lợi về quân sự. Đó là một thảm kịch và tôi là người ra lệnh tiến hành vụ sát hại đó. Vụ thảm sát đó ám ảnh tôi suốt 32 năm”, ông Kerrey nói vào năm 2001.
Những tranh cãi về lịch sử tham chiến của ông Kerrey đã xuất hiện liên tục trên Facebook và nhiều bài báo trên các báo điện tử tại Việt Nam. Nhiều người cho rằng, điều này sẽ khơi lại vết thương cũ đối với người Việt về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, cuộc chiến khiến hơn 3 triệu người thiệt mạng, trong đó có 58.000 người Mỹ.
“Tôi không dám nhìn vào mặt ông ấy”, một tài khoản Facebook mang tên Pham Thuy Huong, 40 tuổi, sống tại Hà Nội chia sẻ: “Tất cả những chi tiết về hành động tàn sát man rợ ấy vẫn như còn hiển hiện trước mắt tôi”.
Ông Kerrey có công trong việc thành lập Đại học Fulbright?
Trong khi đó, ông Kerrey đã viết email khẳng định rằng, ông sẽ từ chức nếu ông thấy vai trò của mình làm tổn hại đến tương lai hợp tác giáo dục Việt-Mỹ.
“Nếu tôi tin rằng, vai trò của tôi đe dọa đến dự án này, tôi sẽ ra đi. Tôi rất ngưỡng mộ người Việt Nam và luôn muốn tiếp tục làm tất cả những gì chúng tôi có thể để hỗ trợ cho họ”, ông Kerrey viết.
Báo Anh: Bob Kerrey “sẵn sàng từ chức” Chủ tịch ĐH Fulbright Việt Nam
Theo ông Kerrey, ông đã tham gia vào dự án thành lập Đại học Fulbright tại Việt Nam từ năm 1991, bao gồm việc kêu gọi Quốc hội tài trợ cho dự án này khi còn là Thượng Nghị sĩ. Ông Kerrey khẳng định, vai trò chính của ông khi là Chủ tịch Hội đồng Tín thác là giúp gây quỹ cho trường Đại học này.
Trong khi đó, tại lễ khai trương chính thức trường Đại học Fulbright tại TP.HCM ngày 25/5, ông Kerrey đã cùng xuất hiện với một cựu binh Mỹ khác là Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và cho biết đối cả hai người đều có mối quan hệ “hết sức cá nhân” với Việt Nam.
Lời tự thú đầy mâu thuẫn
Theo tờ New York Times, ông Kerrey là một chỉ huy một nhóm đặc nhiệm Hải quân SEAL tham gia vụ thảm sát tại làng Thạnh Phong đêm 25/2/1969. Nhiệm vụ của họ là truy lùng cán bộ cách mạng người Việt được cho là đang hoạt động trong làng.
Nhóm đặc nhiệm của ông bất ngờ phát hiện một cái lều. Để tránh bị lộ, họ dùng dao để sát hại 5 người bằng cách cắt cổ một đôi vợ chồng già và đánh đập 3 đứa cháu của họ.
Dù nhận trách nhiệm về việc ông ra lệnh vụ sát hại này, ông Kerrey tuyên bố, ông không tham gia vào việc sát hại cùng các binh sĩ trong đội của ông. Dù vậy, hai thành viên khác trong đội của ông cho biết, ông Kerrey đã hỗ trợ họ sát hại người chồng tên Bùi Văn Vát, 65 tuổi.
Vì sao ông Bob Kerrey được chọn làm lãnh đạo ĐH Fulbright ở Việt Nam?
Khi họ tiến vào trong làng, họ tiếp tục gặp thêm nhiều phụ nữ và trẻ em. Theo lời kể của ông Kerrey, có ai đó đã bắn vào nhóm của ông và họ buộc phải nổ súng đáp trả khiến nhiều dân thường thiệt mạng trong đêm.
Tuy nhiên, ông Gerhard Klann, một thành viên khác trong nhóm của ông Kerrey lại chia sẻ một câu chuyện hoàn toàn khác. Theo đó, nhóm của ông dồn hết phụ nữ và trẻ em vào một góc và trao đổi xem nên làm gì với họ.
Nhóm của ông không thể bắt họ làm tù binh nhưng nếu thả họ đi, họ sẽ đánh động cho những cán bộ cách mạng người Việt có mặt trong làng. Chính vì thế, ông Kerrey đã ra lệnh cho nhóm của mình, và họ nổ súng tiêu diệt những phụ nữ và trẻ em nói trên. “Chỉ có một đứa trẻ còn sống”, ông Klann nói.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Times năm 2001, Bà Bùi Thị Lượm, một người may mắn sống sót trong vụ thảm sát ở Thạnh Phong cũng kể lại câu chuyện hệt như những gì ông Klann đã chia sẻ.
Sau đó, ông Kerrey bị thương trong một chiến dịch khác và bị mất một bên chân. Ông và nhóm của mình chưa bao giờ phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát ở Thạnh Phong.
Rời quân ngũ, ông Kerrey trở thành Thống đốc và Thượng Nghị sĩ bang Nebraska và tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ năm 1992. Đến năm 2000, ông từ bỏ con đường chính trị và trở thành Chủ tịch Đại học New School ở New York từ năm 2001-2010.
Ông Kerrey không đáng được trao cơ hội
Ông Thái Bảo Anh, một luật sư tại TP.HCM cho biết, một trường Đại học hàng đầu như Fulbright không phải là chỗ phù hợp với một người có quá khứ tội lỗi như ông Kerrey.
“Hãy kể cho tôi tên của bất kỳ một trường đại học danh tiếng nào trên thế giới mà một kẻ sát nhân máu lạnh giết hại cả phụ nữ và trẻ em rồi thú nhận nhưng lại không bị xét xử mà còn trở thành Chủ tịch”, Luật sư Anh chia sẻ trên Facebook: “Đối với tôi, đây không phải vấn đề về cuộc chiến tranh chống Mỹ, về việc hoà giải giữa hai quốc gia, nó cũng không phải là vấn đề về trường Đại học Fulbright Việt Nam. Đó là vấn đề của lòng trung thực và sự tin tưởng lẫn nhau”.
Ngài Bob Kerrey nếu đứng đầu một cơ quan giáo dục có ổn không?
Trong khi đó, nhiều người lại bày tỏ sẵn sàng để ông Kerrey chuộc lỗi bằng cách giúp đỡ người dân Việt Nam. “Hãy cho ông ấy một cơ hội để sửa sai bằng cách làm một điều gì đó hữu ích cho người Việt trên cương vị mới của mình”, Thao Dan, một cô giáo dạy văn ở Hải Phòng chia sẻ.
Tuy nhiên, nhà văn Nguyễn Văn Thọ, người cũng là cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam lại chia sẻ trên Facebook của mình một góc nhìn khác về tha thứ và quên lãng: “nếu có cơ duyên gặp lại cựu binh Bob Kerrey này, tôi sẽ vẫn đón tiếp lịch sự và chân thành, bởi tôi không chỉ muốn tha thứ và quên đi những đau khổ của cuộc chiến.
Chúng tôi có thể tha thứ cho cựu binh Bob Kerrey bởi vì tuổi trẻ nông nổi và mù quáng nhưng mặc nhiên mãi mãi hành vi của lính cựu ở thôn Thạch Phong năm ấy mãi mãi là tội ác ghê tởm mà bất cứ người lính nào cũng phải biết ghê tởm!”./.