Bất đồng về chính sách, EU tìm cách hạn chế quyền lực của Hungary
VOV.VN - Châu Âu đã bắt đầu hành động nhằm hạn chế quyền lực của Hungary trên cương vị Chủ tịch luân phiên do cách tiếp cận khác biệt của quốc gia này về chính sách đối ngoại so với định hướng chung của khối.
Sau khi tiếp quản vị trí Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU), Hungary dự kiến tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng vào tháng 8 tới để định hình chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của khối. Tuy nhiên, các Ngoại trưởng EU dự kiến sẽ tẩy chay hội nghị này, đồng thời tổ chức một hội nghị ngoại giao riêng. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von de Leyen cũng cho biết Ủy ban sẽ không tham gia ở cấp cao nhất trong các sự kiện không chính thức mà Hungary tổ chức trong nhiệm kỳ Chủ tịch của mình.
Những diễn biến này cho thấy châu Âu đã bắt đầu hành động nhằm hạn chế quyền lực của Hungary trên cương vị Chủ tịch luân phiên do cách tiếp cận khác biệt của quốc gia này về chính sách đối ngoại so với định hướng chung của khối. Đúng như giới phân tích đã dự báo, nhiệm kỳ Chủ tịch của Hungary sẽ nhiều sóng gió – với cả Hungary cũng như với toàn khối.
Phản ứng mạnh mẽ của EU với Hungary
Chỉ một ngày sau khi Hungary nhậm chức chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng nước này, ông Viktor Orban đã ngay lập đến Kiev để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Sau đó, ông Orban tiếp tục 2 chuyến công du đến Nga và Trung Quốc với lý do là tiến hành “Sáng kiến hòa bình” nhằm đàm phán một lệnh ngừng bắn cho cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Không dừng lại ở đấy, ông Orban lại đến Mỹ để gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cũng tại đây, ông Orban đã gặp cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và thảo luận về cách giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tuy nhiên, các hành động của Thủ tướng Hungary đã khiến nhiều lãnh đạo EU khó hiểu và bất bình. Mặc dù Hungary bắt đầu giữ chức chủ tịch luân phiên EU từ ngày 1/7 nhưng điều này chỉ cho phép Budapest có được chức năng điều phối các công việc liên quan đến lập pháp của khối 27 và hoàn toàn không có quyền thay mặt các nước thành viên bày tỏ quan điểm trên trường quốc tế. Chính vì vậy nhiều lãnh đạo lục địa già đã cáo buộc ông Orban là lạm dụng vị thế của mình để thảo luận về kế hoạch "ngừng bắn" ở Ukraine, đi ngược lại lập trường của EU là hoàn toàn ủng hộ Kiev và cô lập Nga.
Trên thực tế, việc châu Âu có thể ngăn chặn bước tiến của phe cực hữu lên nắm quyền trong cuộc bầu cử Nghị viện và cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vừa qua không thể phủ nhận được một sự thật rằng các hình thức cực đoan vẫn đang xâm nhập vào nội bộ lục địa già. Hành động lần này của ông Orban càng khiến châu Âu bị suy yếu, bị chia rẽ cả bên ngoài lẫn bên trong. Trên trường quốc tế, hình ảnh của châu Âu đang bị xấu đi nghiêm trọng và tạo cảm giác “thiếu trách nhiệm”. Một số nước thành viên chỉ mong muốn được gia nhập rồi sau đó từ chối chấp hành bất kỳ nguyên tắc nào.
Trước thực tại đó, các lãnh đạo châu Âu, từ Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, đến Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell đều đã mạnh mẽ chỉ trích ông Viktor Orban ngay từ khi nhà lãnh đạo Hungary tiến hành chuyến thăm Nga. Nhiều cuộc họp đã được tổ chức ở các cấp độ khác nhau trong EU để tìm kiếm giải pháp ngăn chặn vấn đề lạm dụng vị thế. Châu Âu buộc phải phản ứng mạnh mẽ để răn đe và đồng thời, ngăn chặn các hành động “vô tổ chức” trở thành tiền lệ trong tương lai.
Thông điệp của châu Âu
Không những tẩy chay Hội nghị ngoại trưởng, bà Ursula Von de Leyen còn cho biết châu Âu sẽ không cử đại diện cấp cao trong các cuộc họp không chính thức của Hội đồng châu Âu do Hungary tổ chức trong nhiệm kỳ chủ tịch của mình.
Châu Âu muốn thông qua các biện pháp này để răn đe các hành động được coi là “vô tổ chức” của Thủ tướng Hungary trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, hành động này chỉ là một trong số những biện pháp mà các lãnh đạo EU đang nhắm đến. Tại cuộc họp diễn ra ở Brussels hôm 10/7 để thảo luận về chuyến thăm Nga và Trung Quốc của ông Orban, Đại sứ của các quốc gia thành viên EU đã đề xuất ý tưởng tước quyền chủ tịch luân phiên EU của Hungary và chuyển giao cho Ba Lan. Đức, Ba Lan và các nước vùng Baltic là những quốc gia đã kêu gọi xem xét việc rút tư cách chủ tịch luân phiên của Hungary.
Nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Hungary hoàn toàn có thể được rút ngắn và bàn giao cho Ba Lan kể từ ngày 1/9 hoặc sớm hơn thay vì đợi tới ngày 1/1/25. Hiện, các nước EU đang thảo luận vấn đề bỏ phiếu chống lại Hungary cũng như các nguy cơ tiềm ẩn có thể làm tổn hại các giá trị của châu Âu.
Trên thực tế, vấn đề hủy bỏ hay rút ngắn nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Hungary đã được thảo luận nhiều lần trong năm 2023 vừa qua. Vào tháng 6 năm 2023, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết đặt câu hỏi về “khả năng hoàn thành nhiệm vụ này một cách mang tính xây dựng và thiện chí” của Hungary.
Ngoài ra, thông qua việc không cử đại điện cấp cao, châu Âu còn muốn cho phía Nga nói riêng và thế giới nói chung, thấy sự đồng lòng nhất quán trong công tác đối ngoại cũng như đối nội của mình. Bất kể hành động nào làm tổn hại đến các giá trị của EU đều sẽ phải trả giá, cho dù là bất cứ thành viên hay quốc gia đang giữ vị trí nào.
Hệ lụy từ bất đồng giữa EU và Hungary
Theo những gì đang diễn ra ở lục địa già thì những bất đồng giữa EU và Hungary sẽ có thể kéo theo nhiều hệ lụy. Đầu tiên là việc một số nước thành viên khối 27 đang xem xét việc rút tư cách chủ tịch luân phiên của Hungary.
Vấn đề này, mặc dù tồn tại trên lý thuyết nhưng khó có thể xảy ra trong thực tế bởi cho đến nay, châu Âu không có bất kỳ cơ chế pháp lý nào để giải quyết tình huống tương tự. Chức chủ tịch luân phiên được coi là một yếu tố cơ bản trong thể chế của Liên minh, một thủ tục ưu đãi bảo đảm sự bình đẳng và cân bằng giữa các quốc gia thành viên.
Và kể cả trong trường hợp Hungary đồng ý tự nguyện rút lui thì cũng sẽ rất khó cho Ba Lan có thể ngay lập tức đảm đương cương vị. Việc đảm nhiệm chức vụ chủ tịch luân phiên của EU yêu cầu rất nhiều công tác chuẩn bị hậu cần. Trên hết, một số lãnh đạo châu Âu lo ngại việc này sẽ có thể trở thành tiền lệ và sẽ được sử dụng như một biện pháp để tranh giành quyền lợi hoặc gây sức ép trong tương lai.
Tuy nhiên, EU vẫn có thể trừng phạt bằng cách gây sức ép lên Hungary, thậm chí là tước bỏ một số quyền lợi của nước này. Nhưng đây cũng không phải là biện pháp tối ưu bởi về cơ bản, các hành động tương tự không loại bỏ tư cách chủ tịch của Budapest, mà lại có thể gây ra những hậu quả chính trị ảnh hưởng đến vai trò của quốc gia này trong quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định chung.
Ngoài ra, việc tiếp tục đặt nặng vấn đề trừng phạt hay răn đe cũng chỉ làm gia tăng căng thẳng song phương. Hungary, với tư cách là chủ tịch luân phiên, hoàn toàn có thể từ chối hợp tác hoặc phản đối các quyết định của EU trong thời gian tới, tương tự như những gì Budapest đã làm hồi tháng 12/2023 khi ngăn chặn khối 27 thông quá gói hỗ trợ trị giá 50 tỷ euro dành cho Ukraine.
Thêm vào đó, việc không có khả năng giải quyết các bất đồng nội bộ càng làm cho vị thế châu Âu trở nên “nhẹ” hơn trên trường quốc tế. Sức ảnh hưởng của lục địa già sẽ giảm đi đáng kể và có khả năng kéo theo nhiều hệ quả khi khối 27 không còn đạt được sự nhất quán trong việc ủng hộ Ukraine.
Giới quan sát cho rằng các lãnh đạo EU nên có cách tiếp cận với Hungary mềm mỏng hơn, cân bằng hơn thay vì các biện pháp cứng rắn, khoét sâu thêm mâu thuẫn và đánh mất lòng tin của người dân châu Âu nói riêng cũng như của thế giới nói chung vào Liên minh.
Hungary nỗ lực để ghi dấu ấn trên cương vị Chủ tịch luân phiên EU với một hồ sơ gai góc nhất là khủng hoảng Ukraine. Nhưng đây có lẽ là phép thử với kết quả không như mong muốn, mở đầu cho một nhiệm kỳ đầy khó khăn của Hungary cũng như của chính EU.