Càng chống khủng bố, bất đồng giữa Mỹ - thế giới Hồi giáo càng sâu
VOV.VN - Phần lớn người Mỹ vẫn thích thi hành chính sách “cây gậy” ở Trung Đông, làm nảy sinh mâu thuẫn với thế giới Hồi giáo.
Bạo lực sinh ra bạo lực
Chúng ta vẫn thường nghe nói đến chính sách “cây gậy và củ cà rốt” trong quan hệ quốc tế. “Cây gậy” tượng trưng cho sự đe dọa trừng phạt, “củ cà rốt” tượng trưng cho quyền lợi hay phần thưởng. Bởi thế, “cây gậy và củ cà rốt” có nghĩa là vừa đe dọa, vừa mua chuộc, vừa đối thoại mềm mỏng nhằm gây ảnh hưởng, hoặc can thiệp đến chính sách của một nước khác.
Ở Trung Đông, từ trước đến nay chúng ta có thể thấy phần lớn người Mỹ vẫn thi hành chính sách “cây gậy” đối với các tổ chức khủng bố, tức là chỉ có răn đe chứ không nhượng bộ hay mềm mỏng, ôn hòa. “Bởi thế, bạo lực lại sinh ra bạo lực. Bất đồng giữa thế giới Hồi giáo và Mỹ lại càng khắc sâu thêm”- trao đổi với phóng viên VOV, tiến sỹ Đỗ Sơn Hải, Trưởng khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao Việt Nam, Học viện Ngoại giao, cho biết.
Cách đây hơn 10 năm, Mỹ đã đưa quân tiến vào Iraq và Afghanistan với quyết tâm xóa sổ tổ chức khủng bố al-Qaeda. Thế nhưng, 3 năm sau, tổ chức khủng bố al-Qaeda không những không biến mất, mà đất nước Iraq còn bị tàn phá hết sức nặng nề, người dân rơi vào tình trạng nghèo đói, mất nhà cửa phải đi di tản.
Mỹ rút quân khỏi Iraq trong tình trạng cũng không khá khẩm hơn. Sau 10 năm chống khủng bố, nền kinh tế Mỹ lao đao vì ngân sách quốc phòng và chi phí an ninh trong nước Mỹ tăng một cách chóng mặt. Nhà Trắng phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách lớn.
Tuy nhiên, cái mất mát lớn nhất chính là khủng hoảng niềm tin và bất đồng sâu sắc giữa thế giới Hồi giáo và Mỹ. Đối với thế giới Hồi giáo, Mỹ chính là nguyên nhân khiến cuộc sống của họ trở nên khủng khiếp, còn đối với Mỹ, thế giới Hồi giáo ẩn chứa mối nguy khủng bố tiềm ẩn cần phải xóa bỏ.
Liệu Mỹ có sa lầy trong cuộc chiến mới chống khủng bố?
Ngày 8/8/2014, Tổng thống Obama cho phép quân đội không kích oanh tạc vào Iraq nhằm vào tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan mang tên Nhà nước Hồi giáo (IS). Tổng thống Obama tuyên bố, Mỹ có nghĩa vụ phải giúp đỡ Iraq. Hành động can thiệp của Mỹ là nhằm bảo vệ người Mỹ và ngăn chặn khả năng xảy ra hành động diệt chủng tại Iraq.
Tuy nhiên, thời gian kết thúc cuộc không kích vào Iraq không được đề cập đến trong lời tuyên bố của Tổng thống Mỹ Obama. Mặt khác, ngay trong tuyên bố ngày 8/8, Tổng thống Obama có nói người Mỹ cũng không nên nghĩ là chiến dịch này diễn ra trong 1 thời gian ngắn, hay chỉ trong vài tuần. Điều này đã làm dấy lên trong lòng người Mỹ sự nghi ngờ chiến dịch này sẽ kéo nước Mỹ quay trở lại Iraq trong một thời gian dài, ông Hải cho biết.
Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu rằng Mỹ sa lầy tại chiến trường Iraq một lần nữa hay không? Đáp lại những băn khoăn này, ngày 9/8, Tổng thống Obama khẳng định với báo chí rằng Mỹ sẽ không để bị lôi kéo trở lại chiến trường ở Iraq. Mỹ sẽ tiến hành tái can thiệp “có giới hạn”.
Tuy nhiên, lời tuyên bố này không được một số thành viên trong Chính phủ Mỹ đồng tình. Họ cũng gây sức ép lên Tổng thống Obama, cho rằng Mỹ cần phải tấn công nhanh hơn và quyết liệt hơn để ngăn chặn bước tiến nhanh chóng của các phần tử thánh chiến dòng Sunni của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Các hành động khủng bố của IS không có dấu hiệu suy giảm sau các cuộc không kích của Mỹ mà ngày càng dồn dập, táo bạo hơn. Thời gian gần đây, tổ chức cực đoan IS tiếp tục áp sát thành phố Erbil ở miền Bắc Iraq- nơi Mỹ đặt lãnh sự quán.
Hơn thế nữa, IS thể hiện sự tàn bạo hơn khi công bố 2 đoạn video hành quyết 2 công dân Mỹ (nhà báo James Foley và nhà báo Steven Sotloff) gây nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận, cộng với tính cấp bách của cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Iraq buộc Mỹ không thể khoanh tay đứng nhìn.
Nếu lần này Mỹ lại sa lầy thêm nhiều năm ở chiến trường Iraq, dư luận lo ngại mối bất hòa giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo càng khắc sâu hơn. Tổ chức al- Qaeda hay tổ chức Nhà nước Hồi giáo có khả năng không những không bị xóa bỏ, mà còn phát triển và hình thành nên nhiều tổ chức khủng bố khác từ chính mối bất hòa này. Bất hòa càng bất hòa thêm, mâu thuẫn giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo càng khó gỡ bỏ.
Vậy làm thế nào chống lại tổ chức khủng bố mà không dùng đến bạo lực? Đây là câu hỏi khó mà người Mỹ cũng đã từng đặt ra và loay hoay đi tìm câu trả lời nhiều năm qua, Tiến sỹ Đỗ Sơn Hải nhận định.
Tiến sỹ Đỗ Sơn Hải nhấn mạnh, mâu thuẫn xảy ra có lẽ còn do khác biệt giữa nhận thức người Hồi giáo và người Mỹ. Với người Mỹ, họ cho rằng thế giới của họ là thế giới văn minh, bởi thế những hình phạt theo kiểu thời Trung cổ như là hành quyết, hay là ném đá đến chết là những việc không thể chấp nhận được. Còn với những người Hồi giáo, họ lại xem những hành động can thiệp của Mỹ là sự thô bạo. Điều này dẫn đến việc 2 bên luôn nhìn nhau không mấy thiện cảm.
“Có lẽ trong tương lai chúng ta có thể trông chờ sự thay đổi được tạo ra từ chính sức ép của người dân đối với các nhà lãnh đạo của 2 phe. Mọi người dân đều mong muốn một cuộc sống bình yên, họ sẽ lên tiếng để gây sức ép lên những nhà lãnh đạo để từ đó, 2 bên sẽ cân nhắc lại chính sách đối ngoại của mình”-Tiến sỹ Đỗ Sơn Hải chia sẻ./.