Châu Âu “thức tỉnh” sau những tuyên bố của ông Trump

VOV.VN - Đằng sau cuộc khẩu chiến gay gắt giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là những lo ngại của châu Âu về sự thay đổi cấu trúc địa chính trị quan trọng nhất kể từ sau Thế chiến II.

Những phát biểu gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Ukraine là bên chịu trách nhiệm về cuộc xung đột với Nga đã khiến các đồng minh truyền thống của Washington lo ngại.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 19/2 đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp thứ hai với các nhà lãnh đạo châu Âu để xem xét lại mối quan hệ với Mỹ.

Chỉ 2 ngày trước đó, ông Macron cũng đã tổ chức một cuộc họp tương tự sau khi ông Trump ám chỉ rằng Mỹ sẽ nhanh chóng rút khỏi vai trò an ninh ở châu Âu và có kế hoạch tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình với Nga mà không có sự tham gia của châu Âu hay Ukraine.

Châu Âu trước “thách thức sinh tử”

Những phát biểu của ông Trump vào tối 18/2, trong đó ông đổ lỗi cho Ukraine về cuộc xung đột với Nga khiến châu Âu lo ngại rằng Mỹ sẵn sàng từ bỏ vai trò là đồng minh của châu Âu và chuyển sang ủng hộ Nga.

Đây là một sự đảo ngược hoàn toàn mối liên minh lịch sử, khiến nhiều người ở châu Âu cảm thấy bất ngờ và lo ngại.

“Những gì đang xảy ra là rất tồi tệ. Đó là một sự đảo ngược của tình hình thế giới kể từ năm 1945”, ông Jean-Yves Le Drian, cựu Ngoại trưởng Pháp bình luận trên đài phát thanh Pháp ngày 19/2.

“An ninh của chúng ta đang bị đẩy vào nguy hiểm. Chúng ta phải thức tỉnh”, ông Le Drian nói.

Bà Rasa Jukneviciene, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Litva và hiện là thành viên Nghị viện châu Âu, cho rằng rất khó để hiểu được những thay đổi đột ngột trong chính sách của Mỹ - quốc gia vốn đã trở thành trụ cột đáng tin cậy đối với an ninh châu Âu trong hàng chục năm qua.

“Rõ ràng là mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ không còn như xưa. Thời kỳ an ninh châu Âu sau Thế chiến II được Mỹ đảm bảo đã kết thúc”, bà Jukneviciene nói.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Litva cũng cho rằng châu Âu đang “một lần nữa đối mặt với những thách thức sinh tử” tương tự như năm 1938 sau khi Thủ tướng Anh Neville Chamberlain gặp Hitler tại Munich và đồng ý với việc Đức sáp nhập các khu vực của Tiệp Khắc có đa số là người Đức sinh sống.

Sự thay đổi bất ngờ của “trụ cột an ninh”

Tổng thống Pháp Macron đã cố gắng thể hiện vai trò lãnh đạo châu Âu bằng cách tập hợp các đồng minh để đưa ra một phản ứng thống nhất.

Điện Élysée cho biết ông đã tổ chức thêm một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 19/2 sau cuộc họp đầu tiên 2 ngày trước đó, với sự tham gia của nhiều lãnh đạo châu Âu hơn.

Cuộc họp cũng diễn ra một ngày sau khi giới chức Mỹ và Nga gặp nhau tại Riyadh, Saudi Arabia để thảo luận về một thỏa thuận hòa bình tiềm năng cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Phát biểu sau cuộc gặp ở Riyadh, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết 2 bên đã đưa ra một kế hoạch 3 giai đoạn, bắt đầu bằng việc thiết lập lại quan hệ song phương giữa Washington và Moscow, kết thúc xung đột ở Ukraine và khai thác các mối quan hệ đối tác mới cả về địa chính trị và kinh doanh giữa Nga và Mỹ.

Ông Rubio cho biết ông sẽ tham khảo ý kiến Ukraine, các đối tác của Mỹ ở châu Âu và các bên khác, nhưng Nga là yếu tố không thể thiếu trong nỗ lực này.

Trong khi đó, tại một cuộc họp báo ở Mar-a-Lago, Florida, ông Trump đã đổ lỗi cho Ukraine về việc cuộc xung đột với Nga.

“Ukraine có thể đã có một thỏa thuận. Họ đã có chỗ trên bàn đàm phán trong 3 năm qua và rất lâu trước đó. Điều này có thể đã được giải quyết rất dễ dàng. Tôi nghĩ chỉ cần một nhà đàm phán không có nhiều kinh nghiệm thôi cũng có thể giải quyết điều này từ nhiều năm trước mà không phải mất nhiều đất đai, không mất mạng sống nào” ông Trump nói, cho rằng Tổng thống Ukraine Zelensky không xứng đáng có mặt tại bàn đàm phán.

Cựu Ngoại trưởng Pháp Le Drian gọi đây là một sự đảo ngược của các liên minh thế giới, và là một sự “đảo lộn sự thật” khi biến “nạn nhân trở thành kẻ tấn công”.

Ông Marko Mihkelson, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện Estonia, so sánh cuộc đàm phán Nga-Mỹ ở Riyadh với các cuộc đàm phán ở Munich năm 1938.  

Trước khi Ngoại trưởng Mỹ Rubio và Tổng thống Trump đưa ra các phát biểu hôm 18/2, Tổng thống Pháp Macron nói rằng ông coi mối đe dọa của Nga đối với châu Âu không chỉ là về mặt quân sự, mà còn ở nhiều phương diện khác.

“Nga là một mối đe dọa sinh tử đối với châu Âu. Đừng cho rằng những điều không tưởng sẽ không xảy ra, bao gồm cả những điều tồi tệ nhất”, ông Macron nói khi trả lời phỏng vấn báo chí ngày 18/2.

Một số nhà lãnh đạo khác khẳng định họ vẫn muốn duy trì liên minh với Mỹ, điều mà họ cho là không thể thiếu đối với an ninh châu Âu.

“Thông điệp tích cực là tất cả chúng tôi đều nhận thấy đây không phải là vấn đề của Mỹ hay châu Âu mà là của cả 2 và châu Âu hiểu rất rõ rằng chúng ta phải chủ động hơn và chịu trách nhiệm nhiều hơn, nhưng chúng ta vẫn muốn làm điều đó cùng với Mỹ”, Thủ tướng Hà Lan cho hay.

Nhưng những tuyên bố sau đó của ông Trump như dội gáo nước lạnh vào quan điểm của Hà Lan và khiến các lãnh đạo châu Âu phải suy nghĩ một cách sâu sắc về mối liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Đã đến lúc châu Âu phải “thức tỉnh”

Trong một bài đăng trên X ngày 19/2, ông Trump lại chỉ trích gay gắt nhà lãnh đạo Ukraine, gọi ông Zelensky là “nhà độc tài không thông qua bầu cử”. Ông cảnh báo Ukraine phải hành động nhanh chóng để đảm bảo hòa bình hoặc có nguy cơ mất nước.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngay lập tức nhấn mạnh những phát biểu của ông Trump phủ nhận tính hợp pháp của ông Zelensky là “hoàn toàn sai lầm và nguy hiểm”.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho rằng đã đến lúc châu Âu cần phải “thức tỉnh”.

“Những diễn biến gần đây và quan điểm khác biệt của Mỹ buộc chúng ta không chỉ phải đối diện với sự thật, mà còn phải hành động nhanh chóng và thực hiện các quyết định mà chúng ta đã thảo luận trong thời gian dài”, ông Mitsotakis nói, sau khi tham dự cuộc họp với các nhà lãnh đạo châu Âu do Pháp tổ chức về vấn đề Ukraine.

Theo ông Martin Quencez, Giám đốc văn phòng tại Paris của Quỹ Marshall Đức, những gì diễn ra chỉ trong 1 tuần qua đã làm thay đổi lập trường kiên định lâu nay của châu Âu, coi Mỹ là trụ cột trung tâm trong việc bảo đảm an ninh. Nhưng câu hỏi quan trọng là liệu các quốc gia châu Âu có thực hiện tăng chi tiêu quốc phòng và duy trì một mặt trận thống nhất thay vì phân cực và tìm cách đàm phán riêng với Mỹ hay không.

“Tôi đã nghe châu Âu nói về việc cần phải thức tỉnh rất nhiều lần trong suốt 10 năm qua”, ông Quencez nói, chỉ ra rằng nhiều lãnh đạo châu Âu đang ở trong những vị thế chính trị và kinh tế mong manh ngay tại chính quốc gia của họ.

“Tôi chắc chắn chúng ta sẽ lại nghe về điều đó từ nhiều nhà lãnh đạo châu Âu, nhưng hãy chờ xem những quyết định thực tế được đưa ra sẽ như thế nào. Thật sự rất khó để nói với người dân châu Âu rằng chúng ta sẽ phải đưa ra quyết định khó khăn, ưu tiên an ninh châu Âu hơn các vấn đề xã hội hay môi trường. Không phải nước nào cũng có đủ tiềm lực và sức mạnh chính trị để theo đuổi điều đó”, ông Quencez cho hay.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tương lai châu Âu bấp bênh khi ông Trump dường như "quay lưng" lại với Ukraine
Tương lai châu Âu bấp bênh khi ông Trump dường như "quay lưng" lại với Ukraine

VOV.VN - Trong bối cảnh ông Trump đang công khai chỉ trích Ukraine, các lãnh đạo phương Tây phải tính đến viễn cảnh tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa an ninh tương lai khi Mỹ rút dần viện trợ không chỉ với Kiev mà với cả Liên minh châu Âu.

Tương lai châu Âu bấp bênh khi ông Trump dường như "quay lưng" lại với Ukraine

Tương lai châu Âu bấp bênh khi ông Trump dường như "quay lưng" lại với Ukraine

VOV.VN - Trong bối cảnh ông Trump đang công khai chỉ trích Ukraine, các lãnh đạo phương Tây phải tính đến viễn cảnh tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa an ninh tương lai khi Mỹ rút dần viện trợ không chỉ với Kiev mà với cả Liên minh châu Âu.

Ông Trump bất ngờ chỉ trích Tổng thống Zelensky về xung đột Ukraine
Ông Trump bất ngờ chỉ trích Tổng thống Zelensky về xung đột Ukraine

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/2 đã bất ngờ chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky do đã không thể đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột ở nước này.

Ông Trump bất ngờ chỉ trích Tổng thống Zelensky về xung đột Ukraine

Ông Trump bất ngờ chỉ trích Tổng thống Zelensky về xung đột Ukraine

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/2 đã bất ngờ chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky do đã không thể đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột ở nước này.

Điều gì xảy ra nếu quân đội châu Âu được triển khai tới Ukraine?
Điều gì xảy ra nếu quân đội châu Âu được triển khai tới Ukraine?

VOV.VN - Giới quan sát cho rằng, nếu các lực lượng của châu Âu được triển khai ở Ukraine thì điều này đồng nghĩa với việc, nếu Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở đây một lần nữa, các nước châu Âu sẽ bị kéo vào xung đột.

Điều gì xảy ra nếu quân đội châu Âu được triển khai tới Ukraine?

Điều gì xảy ra nếu quân đội châu Âu được triển khai tới Ukraine?

VOV.VN - Giới quan sát cho rằng, nếu các lực lượng của châu Âu được triển khai ở Ukraine thì điều này đồng nghĩa với việc, nếu Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở đây một lần nữa, các nước châu Âu sẽ bị kéo vào xung đột.