Chiến thắng pháp lý đầu tiên cho chính phủ Ai Cập lâm thời
VOV.VN - Xứ Kim Tự Tháp được coi là đã vượt thử thách đầu tiên trong tiến trình chuyển tiếp dân chủ.
Ủy ban bầu cử Trung ương Ai Cập hôm qua (18/1) công bố kết quả chính thức cuộc trưng cầu ý dân ngày 14-15/1 vừa qua, theo đó, tỷ lệ ủng hộ đối với bản hiến pháp mới lên tới 98,1%. Thành công này đã đem lại tia sáng mới, mở đường cho các bước tiếp theo trong tiến trình chuyển tiếp ở Ai Cập, sau gần ba năm sống trong khủng hoảng.
Theo Ủy ban bầu cử Trung ương Ai Cập, số người ủng hộ bản hiến pháp mới trong cuộc trưng cầu ý dân vừa qua lên tới gần 20 triệu người, chiếm tỷ lệ 98,1%. Tỷ lệ cử tri đi bầu cũng đạt hơn 38,6%, cao hơn mức 32% trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp do chính quyền Tổng thống bị phế truất Mohammed Morsi tiến hành hồi tháng 12/12012.
Công tác kiểm phiếu tại Cairo (ảnh: Reuters) |
Kết quả này được xem là một chiến thắng pháp lý cần thiết cho chính phủ lâm thời Ai Cập vừa thay thế cựu Tổng thống dân bầu đầu tiên Mohammed Morsi lãnh đạo đất nước sau cuộc lật đổ ngày 30/6. Hiến pháp mới bãi bỏ nhiều điều khoản Hồi giáo gây chia rẽ sâu sắc và khôi phục quyền hạn của những thể chế nhà nước mà ông Morsi từng xem là sẽ thách thức quyền lực tối cao của mình như quân đội, cảnh sát và bộ máy tư pháp.
Kết quả này cũng đánh dấu việc chính quyền Ai Cập đã hoàn tất bước đi đầu tiên trong lộ trình chuyển tiếp chính trị. Ngay sau khi kết quả được công bố, các quan chức cấp cao trong chính phủ Ai Cập đã lập tức hoan nghênh và cho rằng đây là một chiến thắng và là một sự công nhận đối với cuộc lật đổ Tổng thống Morsi hồi tháng 7/2013. Người đứng đầu Ủy ban bầu cử Ai Cập Nabil Salib nói: “Cuộc trưng cầu ý dân vừa qua là một thành công. Hơn 20,5 triệu cử tri Ai Cập đã bỏ phiếu ủng hộ bản hiến pháp mới của đất nước, trong khi tỷ lệ tham dự là 38,6%. Đây là một con số kỷ lục chưa từng có tiền lệ tại Ai Cập.”
Theo các nhà phân tích, kết quả cuộc tham vấn này đã mở đường cho tướng Abdel Fattah al-Sissi, phó Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập hướng tới chiếc ghế Tổng thống. Sau cuộc lật đổ Tổng thống Morsi hồi tháng 7, ông An Sissi hiện được xem là một trong những nhân vật quyền lực nhất tại quốc gia Kim Tự tháp. Vì thế, không thể bác bỏ thực tế là khi đa số cử tri Ai Cập đồng ý với bản Hiến pháp mới thì cũng là lúc nhân vật quyền năng này đã vượt qua bài sát hạch tín nhiệm để tiến tới chiếc ghế tổng thống.
Đối với phần lớn người dân Ai Cập, sau khi đã phải trải qua nhiều biến động kể từ khi chính quyền Tổng thống Mubarak bị lật đổ năm 2011, họ kỳ vọng hiến pháp mới sẽ mang lại sự thịnh vương. Từng là quốc gia đầu tàu kinh tế của các nước Arab ở Bắc Phi, Ai Cập đã bị rơi vào suy thoái kinh tế nghiêm trọng do khủng hoảng chính trị. “Đất nước của các Pharaoh” từng nằm trong số các lựa chọn số một của du khách thế giới nay đã mất đi một nguồn thu lớn từ ngành công nghiệp không khói này.
“Kết quả cuộc bỏ phiếu là thông điệp mà chúng tôi gửi tới chính phủ lâm thời, tới Bộ trưởng Quốc phòng,” một người dân nói. “Tôi hi vọng mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp. Tôi hi vọng đất nước sẽ tìm ra được mọt nhân vật xứng đáng để lãnh đạo đất nước.”
Dẫu vậy, vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu đất nước của các Pharaoh đã thực sự cập bến bình yên. Những biến động chính trị trong suốt 3 năm qua từ cuộc lật đổ chính quyền Tổng thống Mubarak tới chính quyền Tổng thống Mohammed Morsi đã cho thấy rõ điều này. Tại Ai Cập vẫn còn quá nhiều những xung đột về chính trị, lợi ích, cũng như xã hội cần phải giải quyết.
Cả những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Morsi và những người ủng hộ chính phủ lâm thời đều đang kêu gọi một cuộc biểu tình lớn vào ngày 25/1, đúng dịp 3 năm cuộc lật đổ chính quyền Tổng thống Mubarak hồi năm 2011.
Trong bối cảnh này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 18/1 đã kêu gọi chính quyền Ai Cập thực hiện các quyền và nghĩa vụ được nêu trong Hiến pháp mới. Theo ông, nền dân chủ không phải chỉ đạt được thông qua một cuộc trưng cầu ý dân hay bầu cử. Đây là vấn đề về bình đằng các quyền và đặt tất cả người dân Ai Cập dưới sự bảo vệ của luật pháp không phân biệt giới tính, tôn giáo, sắc tộc hay đường lối chính trị./.