Cuộc chiến Nga - Ukraine khiến Mỹ phải “nghĩ lại” chính sách đối ngoại
VOV.VN - Cuộc chiến Nga - Ukraine đã khiến Mỹ đối mặt với áp lực phải thay đổi chính sách đối ngoại lớn nhất kể từ cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, cũng như làm thay đổi tính toán chiến lược của nước này với các đồng minh và đối thủ.
Kỷ nguyên hoàn toàn mới
Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã gắn Mỹ với châu Âu chặt chẽ hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ Chiến tranh Lạnh và làm sâu sắc mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh châu Á, cũng như buộc Washington định hình lại quan hệ với các đối thủ như Trung Quốc, Iran và Venezuela.
Việc chuyển hướng tập trung mới sang Nga sẽ khiến Mỹ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn và đối mặt với những mâu thuẫn nội bộ.
"Có cảm giác như chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên hoàn toàn mới. Quãng thời gian cho cuộc chiến chống khủng bố hậu 11/9 đã ở sau chúng ta. Và hiện nay, chúng ta không chắc về những gì sẽ diễn ra tiếp theo", Benjamin J. Rhodes, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Obama nhận định.
Cuộc chiến Nga - Ukraine đã trở thành lăng kính phản chiếu mà qua đó người ta có thể thấy gần như mọi quyết định về chính sách đối ngoại sẽ được đưa ra trong tương lai gần của Mỹ, các chuyên gia và quan chức Mỹ cho hay.
Cuộc chiến này đã gia tăng sự khẩn cấp trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu của chính quyền Tổng thống Biden, gia tăng nhu cầu chuyển hướng nhanh hơn sang các nguồn năng lượng sạch có thể tái tạo thay vì nhiên liệu hóa thạch để lấp đầy nguồn cung từ Nga. Mỹ cũng phải sẵn sàng tiến hành những biện pháp mới để tăng nguồn cung dầu mỏ ngắn hạn bằng cách hợp tác với các nước như Venezuela và Saudi Arabia.
Một số chuyên gia cũng cảnh báo việc tập trung vào châu Âu sẽ không thể tránh khỏi việc chuyển hướng sự chú ý khỏi châu Á.
Chiến lược của Mỹ với thế giới đang trải qua sự dịch chuyển lớn khi cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan và Iraq, hay những cuộc thảo luận về chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan không còn là những vấn đề hàng đầu nữa. Nhiều người Mỹ mệt mỏi với chiến tranh đã hoan nghênh những lời kêu gọi giảm sự hiện diện quân sự ở nước ngoài mà cựu Tổng thống Trump từng đưa ra. Ông Trump cũng chính người đã đặt câu hỏi về vai trò của NATO và thậm chí còn nhắc đến việc rút khỏi liên minh quân sự này.
Nếu như trước đó, Tổng thống Biden đang tìm cách xây dựng lại các liên minh của Mỹ, chủ yếu trên danh nghĩa tập hợp lại để đối phó với Trung Quốc thì cuộc chiến ở Ukraine đã tạo ra bước ngoặt cho sự dịch chuyển địa chính trị có thể đặt Mỹ và các đồng minh phải đối phó với Nga và Trung Quốc cùng lúc.
Bài toán năng lượng
Ngày 11/3, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã nhất trí dừng các cuộc đối thoại với Iran chỉ vài ngày trước khi việc quay lại thỏa thuận năm 2015 nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran sắp đạt được. Các nước phương Tây đã từ chối yêu cầu của Nga - quốc gia cũng là một bên trong thỏa thuận hạt nhân Iran khi Nga yêu cầu Mỹ đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt sẽ không ảnh hưởng đến việc hợp tác kinh tế của Nga với Iran trong tương lai.
"Một điều đã rõ ràng từ tuần trước là các cuộc đàm phán nhằm làm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ không thể tách biệt với cuộc chiến ở Ukraine", Dalia Dassa Kaye - một chuyên gia về Iran tại tập đoàn RAND cho hay.
Mới đây, phái đoàn Mỹ đã tới thăm Venezuela nhằm thảo luận về "an ninh năng lượng" và đảm bảo tăng sản xuất dầu để ổn định nền kinh tế Mỹ. Động thái này đánh dấu lần đầu tiên trong những năm qua Mỹ mở các kênh ngoại giao với Venezuela - một đồng minh của Nga và là nơi có những mỏ dự trữ dầu lớn nhất thế giới.
Nhu cầu cấp bách về dầu mỏ cũng đang tái định hình chính sách ngoại giao của Mỹ với Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Chính quyền Tổng thống Biden đã cố gắng tiếp cận Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để yêu cầu họ bơm thêm dầu. Hai quốc gia vùng Vịnh này được coi là nhà cung cấp duy nhất trên toàn cầu có khả năng bơm thêm dầu để dừng việc tăng giá nhiên liệu.
Tuy nhiên, cho tới nay, Saudi Arabia đã từ chối tăng sản xuất dầu trong khi UAE quyết định chờ tới 16/3 tới để yêu cầu các nước OPEC cũng có động thái tương tự. Các quan chức Mỹ cũng không hài lòng với UAE khi từ chối bỏ phiếu nghị quyết chỉ trích Nga của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mặc dù sau đó nước này đã ủng hộ một nghị quyết tương tự tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Israel - một đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông đã khẳng định lập trường trung lập trong cuộc chiến ở Ukraine, chủ yếu bởi sự hiện diện của Nga trong khu vực này. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ dường như chấp nhận lập trường này của Israel khi Thủ tướng Naftali Bennett tiến hành các hoạt động ngoại giao con thoi. Ông đã có cuộc trao đổi kéo dài 3 tiếng với Tổng thống Putin ở Moscow ngày 5/3 và sau đó điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước khi quay trở về nước. Theo các quan chức Mỹ, ông Bennett đã tham vấn các nước này về những cuộc đối thoại và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuần qua cho biết Washington "đánh giá cao những nỗ lực này".
Ông Zelensky cũng nhận định với báo giới hôm 12/3 rằng Jerusalem có thể là địa điểm cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine.
Nỗ lực tập hợp đồng minh ở châu Âu và châu Á
Tại châu Âu, cuộc chiến tranh Nga - Ukraine đã tăng cường những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm tập hợp sự đoàn kết trong NATO.
Tuy nhiên 3 quốc gia trong liên minh này gồm Ba Lan, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ đã gây ra không ít khó khăn cho chính quyền ông Biden. Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ đã bị loại khỏi Hội nghị Thượng đỉnh về dân chủ toàn cầu của Tổng thống Biden hồi tháng 12/2021 và Liên minh châu Âu đã cắt giảm hàng tỷ USD cho Ba Lan và Hungary vì những gì mà họ cho là sự xói mòn các nguyên tắc dân chủ và pháp lý. Hiện nay cả 3 nước này đều tham gia vào NATO, liên minh đối trọng với Nga.
"Giữa thời kỳ khủng hoảng này, đôi khi sẽ có sự xung đột giữa các lợi ích và giá trị của chúng ta. Về ngắn hạn, chúng ta sẽ phải ưu tiên đối phó với Nga và tạm bỏ qua những rủi ro liên quan đến việc xa rời các mối quan tâm về dân chủ và nhân quyền, vốn là trung tâm trong chính sách của chính quyền Tổng thống Biden", Andrea Kendall-Taylor, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới cho hay.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một số đối tác quan trọng của Mỹ và các đồng minh đang hợp tác với Washington trong việc đưa ra các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu về công nghệ nhằm chống lại Nga. Những nước này gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Australia.
Một số quốc gia châu Á cũng đã nhất trí các hợp đồng trao đổi khí đốt dài hạn với châu Âu để giúp giảm nhẹ tác động trong trường hợp Nga ngừng xuất khẩu năng lượng. Australia cam kết sẽ dành 50 triệu USD để cung cấp vũ khí cho Ukraine, trong đó có các tên lửa và đạn dược.
Tuy nhiên, Ấn Độ - đối tác của Mỹ trong QUAD đã từ chối chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga do mối quan hệ an ninh hàng thập kỷ qua với Moscow.
Trung Quốc cũng đang đặt ra thách thức ngoại giao lớn nhất cho Mỹ. Bắc Kinh là đối tác mạnh mẽ nhất của Moscow và mối quan hệ giữa 2 nước đã được tăng cường trong những năm gần đây. Cho tới nay, Trung Quốc vẫn đứng về phía Nga và từ chối chỉ trích nước này.
Sự ủng hộ bền bỉ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến các quan chức Mỹ băn khoăn liệu có bất kỳ cách nào để chia rẽ họ hay không.
Ngày 10/3, Giám đốc CIA William J. Burns cho rằng ông Tập Cận Bình thực sự đang "đứng ngồi không yên" bởi cuộc chiến này. Một số nhà phân tích về Trung Quốc nhận định nếu Bắc Kinh muốn bảo vệ hình ảnh trước các nước phương Tây, đặc biệt là tại châu Âu, nước này có lẽ sẽ có một số bước đi hỗ trợ Ukraine mà không trực tiếp làm rạn nứt quan hệ với Nga./.