Đằng sau những “hiểu lầm” khiến Mỹ và Iran “bên bờ vực chiến tranh”
VOV.VN - Mỹ và Iran từng đứng trên “bờ vực chiến tranh” hồi đầu tháng 1/2020 nhưng hệ lụy này xảy ra là do 1 loạt những hiểu lầm không thể hóa giải giữa 2 bên.
Cuộc gặp bí mật
Vào cuối tháng 9/2019, một máy bay chở các quan chức cấp cao của Iran đã hạ cánh ở Abu Dhabi, thủ đô của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Trung Đông khi đó đã chứng kiến một mùa hè bạo lực và cuộc gặp với các quan chức Iran là một phần trong kế hoạch bí mật của các nhà lãnh đạo UAE để hóa giải những căng thẳng này. Quốc gia nhỏ bé nhưng quyền lực ở Vịnh Ba Tư muốn sắp xếp để duy trì hòa bình, tránh tình thế căng thẳng và bạo lực có thể hủy hoại những nỗ lực trong hàng thập kỷ của họ để trở thành ốc đảo ổn định và hiện đại trong một khu vực đầy biến động.
Những con thuyền cùng với Hải quân của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang hộ tống một tàu chở dầu của Saudi Arabia năm 2019 giữa lúc các cuộc tấn công tàu chở dầu xảy ra ở Trung Đông. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, cuộc gặp này lại làm dấy lên những cảnh báo bên trong Nhà Trắng, nơi các quan chức chỉ biết được tình hình sau khi đọc báo cáo của các cơ quan tình báo Mỹ. Chính phủ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) - một đồng minh trung thành từ lâu luôn ủng hộ lập trường cứng rắn của Mỹ với Iran nay lại tổ chức các cuộc trao đổi bí mật với các quan chức của Tehran.
Trước tình hình này, các quan chức trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã gặp nhau để thảo luận về một thực tế: Mặt trận thống nhất chống Iran, được xây dựng cẩn thận dười thời chính quyền Tổng thống Trump trong hơn 2 năm, dường như đang sụp đổ.
Những căng thẳng Mỹ - Iran diễn biến từ những lệnh leo thang trừng phạt kinh tế của Washington với Tehran đến nguy cơ đối đầu quân sự khi 2 nước từng đứng trên bờ vực của một cuộc chiến đẫm máu trên quy mô lớn.
Hôm 13/2 vừa qua, với kết quả 55 phiếu thuận và 45 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết nhằm hạn chế quyền quyết định phát động chiến tranh của Tổng thống Trump. Theo nghị quyết này, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ không được sử dụng sức mạnh quân sự chống lại Iran mà không có sự đồng ý của Quốc hội.
Những hiểu lầm không thể hóa giải
Trong khi ván cờ vẫn tiếp tục thì hầu như có rất ít dấu hiệu cho thấy Mỹ và Iran "hiểu ý" nhau. Những điều xảy ra trong vài tháng qua, dựa trên các cuộc phỏng vấn với các quan chức từ Mỹ, Iran, một số quốc gia Trung Đông khác và các nhà phân tích bên ngoài, là hệ quả từ những tính toán sai lầm của cả Mỹ và Iran, cũng như căng thẳng leo thang khắp khu vực, từ Syria, Saudi Arabia cho tới Iraq.
Mỹ đã thực hiện chiến lược gây sức ép tối đa nhằm buộc Iran phải quy hàng nhưng sau nhiều tháng Iran không có sự thay đổi đáng kể nào về lập trường, Tổng thống Trump đã ra "đòn quyết định" bằng cách ra lệnh giết chết Tướng Iran Qassem Soleimani với mục đích nhằm ngăn cản các hành động bạo lực trong tương lai của Iran. Tuy nhiên, một phân tích gần đây của CIA kết luận rằng trong khi nỗ lực duy trì nguồn tài chính cho các hoạt động quân sự dưới các lệnh trừng phạt của Mỹ thì Iran dường như vẫn không có dấu hiệu gì sẽ tiến gần hơn đến một cuộc trao đổi trực tiếp với Washington về chương trình hạt nhân.
Các sĩ quan tình báo của Israel cũng khẳng định rằng những leo thang căng thẳng này chỉ khiến Iran quyết tâm hơn trong việc phát triển vũ khí hạt nhân và thực hiện các bước đi cụ thể để tập hợp đủ nhiên liệu hạt nhân.
Trong khi đó, Mỹ vẫn kiên định với chiến lược "gây sức ép tối đa" khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng trước khẳng định rằng: Mỹ sẽ khiến Iran phải trả giá cho những hành động quân sự ở Trung Đông.
"Đây chỉ là khởi đầu khi đưa ra những lựa chọn thực tế với chính phủ Iran", ông Pompeo khẳng định.
Theo các nhà phân tích Mark Mazzetti, Ronen Bergman và Farnaz Fassihi nhận định trên New York Times, Iran có 1 chiến lược với 2 con đường để đối phó với Mỹ dù Tehran chỉ công khai thừa nhận 1 trong 2 hướng đi này. Thứ nhất là con đường ngoại giao do Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif dẫn đầu. Ông Zarif từng thu hút sự chú ý của thế giới khi dẫn đầu đoàn đàm phán Iran trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Thứ hai là con đường quân sự do Tướng Soleimani thực hiện, người đã sử dụng các lực lượng của Iran và lực lượng ủy nhiệm để mở rộng ảnh hưởng của Tehran khắp Trung Đông, đồng thời "nhắc nhở" những người ủng hộ chính sách Iran của Tổng thống Trump.
"Chính sách của Iran với Mỹ là sự kết hợp giữa chính sách quân sự cứng rắn với chính sách ngoại giao mềm mỏng", nhà ngoại giao Iran từng là Đại sứ tại Lebanon và Jordan, ông Ahmad Dastmalchian cho biết.
Bất chấp những phản ứng của Iran, các quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump vẫn tin rằng các lệnh trừng phạt kinh tế sẽ đủ tính răn đe để buộc Tehran phải thay đổi lập trường và ngồi vào bàn đàm phán về chương trình hạt nhân.
Tuy nhiên, một số đồng minh thân cận của Mỹ không nhất trí với quan điểm này, trong đó có chính phủ Anh, quốc gia vẫn duy trì Đại sứ quán tại Iran và giữ quan điểm rằng chỉ riêng sức ép kinh tế sẽ không thể đưa Iran vào bàn đàm phán.
Năm 2019, Đại sứ Anh tại Iran, Robert Macaire, người công khai chỉ trích chính sách của Mỹ đã tới Washington một vài lần gặp các quan chức tình báo và các nhà ngoại giao Mỹ để có những đánh giá về quan điểm của các nhà lãnh đạo Iran.
"Chúng tôi không có nhiều thông tin về quá trình ra quyết định của Iran. Nhưng mong đợi họ sẽ ngồi vào bàn đàm phán không phải là những điều mà những người thực sự trao đổi với Iran sẽ thảo luận", Kirsten Fontenrose - người từng phụ trách về chính sách Trung Đông tại Hội đồng An ninh Quốc gia vào thời kỳ đầu ông Trump trở thành Tổng thống nhận định.
Sự nghi ngại của đồng minh
Đặc phái viên Mỹ về Iran Brian H. Hook khẳng định chiến lược gây sức ép tối đa là nhằm "rút cạn tiền mà chính phủ Iran sử dụng để gây bất ổn tại Trung Đông" và "đưa Iran trở lại bàn đàm phán".
Tuy nhiên, thông điệp này không nhận được sự ủng hộ ở Trung Đông, khu vực mà một số đồng minh của Mỹ đặt câu hỏi với những cam kết của chính quyền Tổng thống Trump về việc bảo vệ họ khỏi Iran.
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bắt đầu các cuộc trao đổi bí mật với Iran sau khi nhận định rằng họ có thể đóng vai trò nhất định trong việc hạ nhiệt căng thẳng khu vực và quốc gia này cũng không mấy tin tưởng vào cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Trump với Iran, nhất là sau khi ông Bolton - một người có lập trường cứng rắn với Iran trong thời gian dài đã bị sa thải.
Saudi Arabia cũng tìm kiếm bước đột phá về quan hệ ngoại giao với Iran khi sử dụng Iraq và Pakistan như những trung gian hòa giải. Theo một số nhà ngoại giao Iran và các thành viên thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, Tướng Soleimani chính là người đứng phía sau sắp xếp những cuộc trao đổi giữa 2 quốc gia vùng Vịnh này.
Liên minh chống Iran mà chính quyền Tổng thống Trump nỗ lực xây dựng đang dần sụp đổ. Trong một chuyến thăm tới Israel hồi tháng 10/2019, Ngoại trưởng Pompeo, đã tới một pháo đài ở phía bắc Tel Aviv, và tại đây ông nhận được một bản tóm tắt từ người đứng đầu lực lượng tình báo Mossad của Israel - ông Yossi Cohen về những hoạt động quân sự gần đây của lực lượng vệ binh.
Ông Cohen nói rằng Iran đang đạt được mục tiêu chính của mình: đó là phá vỡ liên minh chống Iran.
Kể từ đó, Israel tăng cường tiến hành các cuộc không kích nhằm vào quân đội Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này khắp Trung Đông, cũng như nỗ lực không để chính quyền Tổng thống Trump do dự trong chính sách với Iran.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với New York Times hồi năm 2019, Thủ tướng Israel Netanyahu đã tuyên bố: "Nếu có thể thuyết phục quốc gia mạnh nhất thế giới đứng về phía chúng tôi, tại sao chúng tôi phải chiến đấu một mình? Nếu tôi có thể khai thác tối đa một cường quốc thế giới chống lại Iran - quốc gia luôn muốn tiêu diệt chúng tôi thì tại sao lại không chứ?"./.
Hải quân Mỹ thu giữ lượng lớn vũ khí, tên lửa Iran trên biển Arab