Đằng sau quyết định từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng của Tổng thống Biden
VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra quyết định kết thúc chiến dịch tranh cử của mình sau nhiều ngày cách ly tại ngôi nhà bên bờ biển Delaware vì Covid-19 và sau khi chứng kiến nhiều thành viên đảng Dân chủ rời bỏ ông.
Tổng thống Biden kết thúc chiến dịch tranh cử
"Được phục vụ các bạn với tư cách là Tổng thống là vinh dự lớn nhất trong cuộc đời tôi", Tổng thống Biden cho hay trong một bức thư đăng tải trên mạng xã hội X chiều 21/7 (giờ Mỹ). Ông khẳng định: "Mặc dù tôi có ý định tái tranh cử nhưng tôi tin rằng việc tôi từ bỏ chiến dịch và chỉ tập trung hoàn thành nhiệm vụ với tư cách là một tổng thống trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ là lợi ích tốt nhất cho đảng của tôi và cho đất nước".
Ông Biden nhanh chóng bày tỏ ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris làm người thay thế nhưng quyết định vào cuối chiến dịch tranh cử của ông có thể kích hoạt một cuộc chạy đua hỗn loạn và gây chia rẽ nhằm ủng hộ một ứng viên đảng Dân chủ chỉ một tháng trước Đại hội đảng Dân chủ ở Chicago và chưa đầy 4 tháng trước cuộc bầu cử.
Theo CNN, trên thực tế, chiến dịch tranh cử của ông Biden đã kết thúc vào phút thứ 20 đầu tiên trong cuộc tranh luận với ông Trump tháng trước khi Tổng thống tỏ ra bối rối, kiệt sức và không thể công kích đối thủ hoặc tạo ra một tình huống có lợi cho chính mình.
Những vấn đề của ông đã chứng thực mối lo ngại của đa số cử tri rằng ông quá lớn tuổi cho nhiệm kỳ thứ hai, vốn sẽ kết thúc khi ông 86 tuổi. Những nỗ lực nhằm cứu vãn chiến dịch của ông trong các cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình và những lần xuất hiện trong các chiến dịch tranh cử chỉ làm trầm trọng thêm những mối lo ngại. 3 tuần vị thế chính trị của ông bị xói mòn nghiêm trọng đã chứng kiến sự rời bỏ hàng ngày của các nghị sĩ đảng Dân chủ. Việc cạn tiền của các nhà tài trợ dường như cũng khiến chiến lược của ông Biden trở nên không bền vững.
Dù vậy, trước đó cũng chính Tổng thống Biden đã tự hào và kiêu hãnh chống lại mọi nỗ lực đẩy ông khỏi cuộc đua, đồng thời khẳng định, cùng với đội ngũ nhân viên nòng cốt trung thành của mình, không có thành viên đảng Dân chủ nào khác có trình độ tốt hơn hoặc có nhiều khả năng hơn ông để đánh bại ông Trump - người ông cho là mối đe dọa hiện hữu với nền dân chủ Mỹ và linh hồn đất nước. Nhưng cuối cùng, ông Biden đã không thể tìm được cách khiến các cử tri nhìn ra điều đó.
Thành tựu bị lu mờ bởi lạm phát
Thành tích lập pháp ấn tượng của ông Biden, có thể so sánh với bất kỳ tổng thống đảng Dân chủ nào kể từ Lyndon Johnson, là một trong những lý do khiến ông chống lại những nỗ lực loại ông khỏi cuộc đua và nói rằng ông muốn hoàn thành công việc.
Trở thành tổng thống lớn tuổi nhất từng được bầu, ông Biden đã 78 tuổi khi ông nhậm chức. Ngay sau khi tuyên thệ, ông Biden đã bắt tay vào giải quyết đại dịch Covid-19 - tình trạng y tế công cộng khẩn cấp tồi tệ nhất trong 100 năm. Tổng thống Biden đã ban hành gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD mà Nhà Trắng ghi nhận là đã giúp đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong gần 50 năm và thúc đẩy nền kinh tế Mỹ phục hồi nhanh hơn so với các quốc gia phát triển khác. Ông Biden cũng thông qua dự luật chăm sóc sức khỏe, thuế và khí hậu trị giá 750 tỷ USD được gọi là Đạo luật Giảm lạm phát và gói cơ sở hạ tầng lưỡng đảng mà các tổng thống gần đây đã bỏ qua.
Tuy nhiên, ông Biden đã đánh giá thấp mối đe dọa từ lạm phát, vốn đã tăng lên mức cao nhất trong 40 năm. Trong khi chi phí sinh hoạt đã giảm bớt thì nhiều người Mỹ vẫn cảm thấy hậu quả nặng nề từ giá hàng hóa và lãi suất tăng cao, những điều đã tạo cơ hội cho ông Trump.
Ở nước ngoài, ông Biden đã phản ứng mạnh mẽ trước chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, trở thành nhà lãnh đạo quan trọng nhất của phương Tây kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc với những nỗ lực vực dậy NATO. Tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi Afghanistan một cách hỗn loạn vào mùa hè năm 2021 đã làm tổn hại đến vị thế của ông với tư cách từng là một chuyên gia về chính sách đối ngoại. Đồng thời, việc ông xử lý cuộc chiến của Israel ở Gaza cũng ảnh hưởng nhất định đến vị thế của ông.
Quyết định khó khăn của Tổng thống Biden
Việc một tổng thống tách tham vọng của mình khỏi vận mệnh đất nước là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, khoảng cách ngày càng xa giữa các thành viên đảng Dân chủ hàng đầu và Tổng thống Biden trong những tuần gần đây là một bài học về sự khắc nghiệt của chính trị, ngay cả khi ông từng đánh bại ông Trump. Theo CNN, đó hẳn là điều đặc biệt cay đắng với ông Biden khi ông không thể cạnh tranh với ông Trump - người suốt 3 năm qua nói rằng ông đã quá ốm yếu và sa sút tinh thần nên không thể đảm nhiệm chức vụ tổng thống một cách hiệu quả.
Việc ông buộc phải gác lại nỗ lực tái tranh cử cũng khiến ông không mấy dễ chịu vì trước đó ông đã phải từ bỏ 2 chiến dịch tranh cử vào năm 1987 và năm 2008 sau khi ông không thể trở nên nổi bật trong cuộc bầu cử "bom tấn" mà ông Obama và bà Hillary Clinton là những người chiếm trọn sự chú ý.
Với lịch sử chính trị và cá nhân của mình, không có gì ngạc nhiên khi ban đầu ông Biden từ chối thay đổi quyết định trước những lời kêu gọi từ các thành viên trong đảng Dân chủ về việc ông nên từ bỏ cuộc đua.
CNN nhận định, tuy nhiên ngày càng nhiều khả năng di sản của ông sẽ được ghi nhớ không phải vì đánh bại một tổng thống khác thường nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại mà là mở đường cho một nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, những động lực chính trị của ông đã bị dập tắt. Nếu canh bạc của ông Biden thành công và một ứng viên đảng Dân chủ khác đánh bại ông Trump, ông có thể đi vào lịch sử với tư cách là một trong những tổng thống một nhiệm kỳ thành công nhất trong lịch sử, Ông sẽ đạt được chiến thắng như vậy bằng cách tạm dừng tham vọng của mình vì lợi ích của đảng và đất nước.
Tuy nhiên, sự từ bỏ muộn màng của ông sẽ đặt ra câu hỏi về việc liệu ông có đặt gánh nặng lên đảng của mình và người kế nhiệm hay không, với nhiệm vụ bất khả thi là tiến hành một chiến dịch chỉ trong vài ngày chống lại đảng Cộng hòa đoàn kết sau Đại hội ở Milwaukee tuần trước - những người tin rằng họ đang trên đường tới chiến thắng.