Đằng sau việc thêm một thành phố của Trung Quốc vượt New York về số lượng tỷ phú

VOV.VN - Thâm Quyến, cùng với Bắc Kinh và Thượng Hải chính là 3 thành phố có số lượng tỷ phú đứng đầu thế giới, đồng thời lần đầu tiên vượt qua New York về số lượng tỷ phú vào năm nay.

“Thung lũng Silicon" của Trung Quốc

Cách đây 3 năm, doanh nhân người Mỹ Raj Oswal đã thay mặt khách hàng tới thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc. Ông ấn tượng với thành phố này tới nỗi đã quyết định ở lại và xây dựng công ty công nghệ của riêng mình.

"Bạn không thể tìm thấy nhiều thành phố khác ở Trung Quốc hay khắp châu Á sẵn sàng đón nhận sự đổi mới như Thâm Quyến", Oswal nhận định khi so sánh quyết định của ông từ California chuyển tới đây tương tự như quyết định của cha ông vào những năm 1970 khi rời Ấn Độ để ông được học tập và xây dựng sự nghiệp ở Mỹ.

Oswal miêu tả Thâm Quyến, thành phố với 17,5 triệu dân ở phía Nam của Trung Quốc giáp với Hong Kong (Trung Quốc) là một nơi đầy "sự lạc quan của sức trẻ".

Thâm Quyến cũng ngày càng trở nên giàu có hơn. Từ một làng chài, thành phố này đã trở thành một trung tâm công nghệ được coi là "Thung lũng Silicon của Trung Quốc”. Thâm Quyến, cùng với Bắc Kinh và Thượng Hải chính là 3 thành phố có số lượng tỷ phú đứng đầu thế giới, đồng thời lần đầu tiên vượt qua New York về số lượng tỷ phú vào năm nay.

Theo Danh sách những người giàu có trên toàn cầu Hurun, bảng xếp hạng thường niên do một công ty tư nhân có trụ sở ở Thượng Hải tiến hành, Bắc Kinh là nơi có số lượng tỷ phú nhiều nhất thế giới với 144 người, theo sau là Thượng Hải với 121 người. Thâm Quyến có 113 tỷ phú trong khi New York có 110 tỷ phú và London xếp thứ năm với 101 tỷ phú.

Số lượng những người giàu ngày càng gia tăng không phải là điều lạ lẫm với nhiều người ở Thâm Quyến khi năm ngoài, thành phố này đã có thêm 8 tỷ phú.

"Điều này gần như sự cảnh tỉnh với phần còn lại của thế giới", Rupert Hoogewerf, chủ tịch, đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu của Tạp chí Hurun cho hay.

Ông Rupert Hoogewerf cho rằng trong khi thứ hạng này có thể thay đổi thì sự tăng lên về số lượng các tỷ phú ở Thâm Quyến đã phản ánh một "xu hướng lớn", cho thấy thành phố sẽ thu hút thêm nhiều doanh nhân trẻ đến thành phố trong những năm tới.

Đằng sau thành công của Thâm Quyến

Sự phát triển của Thâm Quyến bắt đầu vào năm 1980 khi thành phố này trở thành đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc như một phần trong công cuộc "mở cửa và cải cách" dưới thời nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình. Điều đó đã giúp Thâm Quyến thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Từ năm 1979 - 2021, GDP của Thâm Quyến đã tăng từ dưới 28 triệu USD lên gần 475 tỷ USD.

Hiện nay, thành phố này là nơi đặt một số công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc, trong đó có tập đoàn công nghệ Huawei, tập đoàn Tencent, đồng thời thu hút thêm nhiều công ty khác tới đây. Theo chính quyền địa phương, năm ngoái, 25.00 công ty công nghệ cao được nhà nước công nhận đã được thành lập tại Thâm Quyến, nâng tổng số công ty lên 17.000.

Đây cũng là một phần trong khu vực Trung Quốc gọi là Khu vực Vịnh Lớn - một trung tâm kinh doanh và kinh tế hướng tới liên kết Thâm Quyến với 8 thành phố khác ở tỉnh Quảng Đông, cùng với Hong Kong và Macau.

Heng Chen, một giáo sư về kinh tế tại Đại học Hong Kong cho biết thành tựu của Thâm Quyến là nhờ môi trường chào đón các doanh nhân.

"Cấu trúc dân số vẫn rất trẻ so với những siêu thành phố hay các thành phố loại 1 của Trung Quốc, vì thế, đó là một trong những lý do tại sao đây là một nơi rất thu hút", chuyên gia này nhận định.

Ngoài ra, các chính sách của chính quyền địa phương nhằm thu hút nhân tài từ phần còn lại của thế giới cũng đã giúp thành phố này đạt được nhiều thành tựu.

Bất chấp sức ép tài chính do dịch Covid-19, nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển một phần là "nhờ các thành phố của Trung Quốc rất linh động. Những thành phố này có thể thích nghi với tình hình mới", Shang-Jin Wei - giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Columbia cho hay.

Trung Quốc đứng đầu về số lượng tỷ phú

Theo Tạp chí Hurun, tính đến ngày 14/1 có 3.381 tỷ phú trên thế giới - tăng 153 người so với năm ngoái trong khi tổng tài sản ròng của họ cũng tăng 4% lên 15.200 tỷ USD. Trong số này, 1.133 tỷ phú ở Trung Quốc và 716 tỷ phú ở Mỹ. Trung Quốc đã vượt Mỹ về số lượng tỷ phú vào năm 2016.

Tuy nhiên, các tỷ phú Trung Quốc đã bị ảnh hưởng lớn vào năm ngoái do sự thắt chặt các quy định về công nghệ, giáo dục, các ngành công nghiệp khác và chiến dịch "thịnh vượng chung" - nhằm phân phối của cải bình đẳng hơn.

Trung Quốc đã mất 160 tỷ phú vào năm ngoái, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Trong đó, Colin Huang - người sáng lập nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo tổn thất nhiều nhất khi mất khoảng 50 tỷ USD do cổ phiếu công ty niêm yết trên sàn Nasdaq lao dốc. Xu Jiayin, Chủ tịch của China Evergrande thiệt hại hơn 23 tỷ USD do tiếp tục trễ hạn thanh toán nợ trái phiếu.

Zhong Shanshan, nhà sáng lập công ty nước đóng chai và đồ uống Nongfu Spring vẫn là người giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản trị giá 72 tỷ USD. Nhà sáng lập ByteDance - công ty sở hữu ứng dụng video TikTok, ông Zhang Yiming đứng thứ hai với khối tài sản trị giá 54 tỷ USD. Ngay sau ông là Zeng Yuqun, nhà sáng lập công ty sản xuất pin xe điện CATL với tài sản trị giá 53 tỷ USD.

Hai tên tuổi lớn nhất trong ngành công nghệ Trung Quốc là tỷ phú Pony Ma của Tencent và tỷ phú Jack Ma của Alibaba đều trượt khỏi top 3 người giàu nhất Trung Quốc kể từ năm 2015. Tỷ phú Pony Ma xuống vị trí thứ 4 khi tài sản của ông giảm xuống còn 52 tỷ USD, tiếp theo đó là tỷ phú Jack Ma với 37 tỷ USD.

Tuy nhiên, không có tỷ phú Trung Quốc nào lọt vào top 10 người giàu nhất toàn cầu. Hiện CEO của Tesla, tỷ phú Elon Musk, vẫn đứng đầu danh sách này với tài sản ròng trị giá hơn 200 tỷ USD. Ông Hoogewerf cho rằng điều đó một phần là bởi các tỷ phú Trung Quốc có xu hướng điều hành doanh nghiệp tập trung vào nội địa thay vì toàn cầu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chính phủ Nga phân bổ hơn 39 tỷ rúp để hỗ trợ thị trường lao động
Chính phủ Nga phân bổ hơn 39 tỷ rúp để hỗ trợ thị trường lao động

VOV.VN - Ngày 19/3, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ký lệnh, phân bổ hơn 39 tỷ rúp để hỗ trợ thị trường lao động các khu vực, trước áp lực trừng phạt.

Chính phủ Nga phân bổ hơn 39 tỷ rúp để hỗ trợ thị trường lao động

Chính phủ Nga phân bổ hơn 39 tỷ rúp để hỗ trợ thị trường lao động

VOV.VN - Ngày 19/3, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ký lệnh, phân bổ hơn 39 tỷ rúp để hỗ trợ thị trường lao động các khu vực, trước áp lực trừng phạt.

Chính phủ Nga chuẩn bị kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế khoảng 1.000 tỷ rúp
Chính phủ Nga chuẩn bị kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế khoảng 1.000 tỷ rúp

VOV.VN - Ngày 15/3, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, Chính phủ nước này đã chuẩn bị một kế hoạch dự thảo để chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây - bao gồm hơn 100 sáng kiến, và số tiền tài trợ sẽ khoảng 1.000 tỷ rúp.

Chính phủ Nga chuẩn bị kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế khoảng 1.000 tỷ rúp

Chính phủ Nga chuẩn bị kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế khoảng 1.000 tỷ rúp

VOV.VN - Ngày 15/3, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, Chính phủ nước này đã chuẩn bị một kế hoạch dự thảo để chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây - bao gồm hơn 100 sáng kiến, và số tiền tài trợ sẽ khoảng 1.000 tỷ rúp.

Tỷ phú Nhật bay vào vũ trụ: Mục tiêu kế tiếp là Mặt Trăng và chui sâu vào lòng đất
Tỷ phú Nhật bay vào vũ trụ: Mục tiêu kế tiếp là Mặt Trăng và chui sâu vào lòng đất

VOV.VN - Tỷ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa - vị khách du lịch đầu tiên bay lên trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) trong một thập kỷ qua hôm nay (7/1) kể lại những trải nghiệm đáng nhớ trong hành trình 12 ngày của mình.

Tỷ phú Nhật bay vào vũ trụ: Mục tiêu kế tiếp là Mặt Trăng và chui sâu vào lòng đất

Tỷ phú Nhật bay vào vũ trụ: Mục tiêu kế tiếp là Mặt Trăng và chui sâu vào lòng đất

VOV.VN - Tỷ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa - vị khách du lịch đầu tiên bay lên trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) trong một thập kỷ qua hôm nay (7/1) kể lại những trải nghiệm đáng nhớ trong hành trình 12 ngày của mình.