Diện mạo nào cho Thổ Nhĩ Kỳ sau tổng tuyển cử 7/6?
VOV.VN - Chính sách đối ngoại và đối nội của Tổng thống Erdogan đã làm nảy sinh nhiều vấn đề nhưng đảng AKP của ông này vẫn nhiều cơ chiến thắng.
Thổ Nhĩ Kỳ đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 7/6 tới đây. Theo đó, 500 thành viên Quốc hội sẽ được bầu cử cho một nhiệm kỳ 4 năm từ một hệ thống đại diện tỷ lệ danh sách đảng của 85 khu vực bầu cử. Các nhà phân tích khu vực dự báo, Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan khả năng sẽ giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử lần này.
Ông Erdogan (ảnh: warar.net) |
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, sự nổi lên gần đây của một số đảng phái đối lập như Đảng Dân chủ Nhân dân người Kurd (HDP) cùng những thách thức ngoại giao tại khu vực và các vấn đề tồn tại trong nước, đặc biệt là làn người tị nạn từ Syria, đang tiếp tục gây khó khăn cho vai trò lãnh đạo của AKP.
Cạnh tranh giữa các đảng phái chính trị
Các đảng phái đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách liên kết, chống lại các chính sách được cho là sai lầm của chính phủ Erdogan, đặc biệt là chính sách đối ngoại trong khu vực, qua đó tác động, làm giảm ủng hộ của cử tri đối với đảng AKP.
Đại hội dân chủ xã hội (DTK), một tổ chức bảo trợ cho các nhóm chính trị và dân sự của người Kurd, gần đây đã thu hút lá phiếu từ các bộ tộc người Kurd để tăng sự ủng hộ cho đảng HDP. Kết quả là, nhiều bộ lạc trước đó từng ủng hộ AKP đã thay đổi “lòng trung thành” của mình trong những tuần gần đây.
Bên cạnh đó, các đảng phái đối lập cũng đã liên tục chỉ trích chính sách đối ngoại hiện nay của đảng cầm quyền AKP, đặc biệt trong mối quan hệ với các quốc gia khu vực như Ai Cập, Israel, Yemen và Libya, và khẳng định sẽ có những thay đổi căn bản và toàn diện nếu đánh bại AKP trong cuộc bầu cử vào tháng 6 tới.
Tổng thống Erdogan và đảng AKP cũng bị lên án đang theo đuổi một "chính sách giáo phái" tại khu vực, trong đó đã thể hiện thái độ thù địch với chính quyền Ai Cập của Tổng thống Al-Sisi, ủng hộ chiến dịch quân sự của liên minh Arab chống phiến quân Hồi giáo Houthi ở Yemen...
Trong khi đó, với lợi thế đảng cầm quyền, AKP đang tích cực vận động, lôi kéo các cử tri ủng hộ, đồng thời tăng cường các biện pháp siết chặt an ninh, hạn chế hoạt động của các phe nhóm đối lập, xã hội dân sự nhằm chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử.
Trước khả năng một số đảng phái chính trị có thể giành được số đông cử tri ủng hộ trong cuộc bầu cử sắp tới, AKP đã sớm sử dụng lợi thế sẵn có, chủ yếu là các phương tiện truyền thông nhà nước, nhằm vận động, lôi kéo cử tri. Ngoài ra, có thông tin cho thấy rằng, AKP và đảng công dân người quốc (PKK) đã đạt được thỏa thuận ngầm. Theo đó, PKK sẽ vận động cộng đồng người Kurd ủng hộ Tổng thống Erdogan tiếp tục nắm quyền để đổi lại việc trả tự do cho thủ lĩnh của đảng này là Abdullah- Ocalan.
Ảnh hưởng của chính sách ngoại giao tại khu vực
Sau làn sóng Mùa xuân Arab, chính sách đối ngoại của Tổng thống Erdogan ngày càng dựa trên quan điểm Hồi giáo Sunni với khuynh hướng tôn giáo nặng nề. Chính sách này tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dân chủ kiểu phương Tây khi chính quyền Ankara cố gắng chứng minh rằng nền dân chủ thế tục và Hồi giáo là tương thích, đồng thời cho “giao thoa” các chính sách này với mong muốn sớm trở thành một thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, hàng loạt chính sách sau đó được cho là “một chuỗi sai lầm liên tiếp”, khiến Ankara ngày càng trở nên cô lập hơn với khu vực và thế giới.
Vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) trên bản đồ Trung Đông (ảnh: Google Map) |
Việc từ bỏ vị trí giáo phái truyền thống, ủng hộ hồi giáo Sunni ở các nước từ Iraq đến Yemen, đã làm mờ đi mối quan hệ giữa Ankara với Iran, Syria. Sự ủng hộ mạnh mẽ đối với tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập, thù địch với chính quyền Tổng thống al-Sisi, cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các quốc gia Arab.
Trong nhiều tháng qua, 46 công dân nước này, bao gồm cả các nhà ngoại giao, đang bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria bắt giữ làm con tin, khiến chính quyền Ankara không thể đưa ra các chính sách nhằm ủng hộ liên minh do Mỹ dẫn đầu. Bên cạnh đó, chính sách cứng rắn trong nước đang khiến chính quyền Tổng thống Erdogan ngày càng xa lánh các đối tác phương Tây truyền thống và đồng minh.
Trong khi đó, làn sóng tị nạn tại quốc gia láng giềng Syria, với gần 2 triệu người, sống tập trung ở các khu vực giáp biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ và một số đã đến được các thành phố lớn như Istanbul, đang trở thành thách thức lớn đối với chính quyền Ankara. Nhóm người tị nạn Syria hiện đã nhanh chóng tạo thành những cộng đồng dân cư thiểu số và gây ảnh hưởng không nhỏ đến các vấn đề an sinh, xã hội.
Mặc dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ hiện chưa có chính sách rõ ràng nhằm quản lý số người tị nạn Syria, cho rằng đây chỉ là “nhóm tị nạn tạm thời”. Cũng vì lý do này mà Ankara đang tìm cách không trao quyền bầu cử đối với nhóm cộng đồng này. Nhiều nhà phân tích khu vực lo ngại, sẽ xuất hiện xung đột ngầm giữa người dân Thổ Nhĩ Kỳ và nhóm cộng đồng tị nạn Syria khi họ đang trở thành gánh nặng, nguyên nhân của tình trạng mất an ninh và bùng phát các tệ nạn xã hội tại nước này.
Dự báo kết quả bầu cử
Các đảng phái đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ nhìn chung không có một tầm nhìn chính sách ngoại giao rõ ràng cho khu vực, mà chỉ tập trung chỉ trích các chính sách ngoại giao của chính phủ, nên khó có thể thuyết phục được số đông cử tri ủng hộ. Do vậy, đảng AKP cầm quyền của Tổng thống Erdogan khả năng sẽ tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 7/6 tới.
Tuy nhiên, AKP sẽ không chiếm được đa số ghế nếu không có sự ủng hộ mạnh mẽ từ các đại biểu của nhóm người Kurd. Nếu giành chiến thắng, AKP sẽ thay đổi hiến pháp để trao quyền điều hành cho Tổng thống hoặc tăng cường quyền hạn cho ông Erdogan theo hiến pháp hiện hành.
Làn sóng tị nạn Syria đang tạo sức ép ngày càng lớn hơn đối với Chính quyền Ankara và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả bầu cử Quốc hội sắp tới. Bên cạnh đó, các nhóm cực đoan như Nhà nước Hồi giáo (IS) hay abhat al-Nusra “lẩn trốn” và hoạt động ở khu vực giáp biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, đang tạo ra mối đe dọa về an ninh nghiêm trọng không chỉ riêng với quốc gia này mà cho toàn khu vực.
Để đi đến một chính sách ngoại giao cân bằng, đồng thời giải quyết các vấn đề đang tồn tại trong nước và khu vực là điều không hề dễ dàng đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Vấn đề đặt ra là, liệu kết quả cuộc bầu cử ngày 7/6 tới sẽ tạo nên một chính sách đối ngoại mới, theo đó không chỉ khôi phục lại danh tiếng của Ankara đối với phương Tây mà còn khôi phục lại ảnh hưởng của nước này ở Trung Đông.
Một điều chắc rằng, duy trì đảng cầm quyền AKP cũng sẽ đồng nghĩa với việc tiếp tục các chính sách đối ngoại đầy bất ổn, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ theo đuổi một “chính sách giáo phái” tại khu vực, càng khiến quốc gia này rời xa khối Arab và phương Tây hơn.
Tuy nhiên, trong trường hợp đảng AKP giảm đi sự ủng hộ từ người dân, sẽ buộc phải thành lập một chính phủ liên minh, thì có thể chính phủ mới sẽ phải có những bước đi thận trọng hơn trong chính sách đối ngoại, đặc biệt liên quan đến việc giải quyết các vấn đề khu vực, như cuộc khủng hoảng Syria đang tạo ra sự chia rẽ sâu sắc, bất ổn tại Thổ Nhĩ Kỳ./.