Điều gì khiến Mỹ thấp thỏm lo âu về diễn biến ở Kazakhstan?
VOV.VN - Quốc gia Trung Á có tầm quan trọng về mặt địa lý cũng như địa chính trị, đặc biệt là các hoạt động chống khủng bố trong khu vực.
Biểu tình bạo lực dấy lên sau khi giá nhiên liệu tăng cao đã khiến lãnh đạo Kazakhstan đề nghị sự trợ giúp từ Nga và CSTO, động thái khiến các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, lo ngại.
Phản ứng về thông tin liên quan đến số dân thường thiệt mạng, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev bãi bỏ lệnh cho phép cảnh sát và lực lượng an ninh nổ súng vào người chống đối. Ông Blinken cũng cảnh báo rằng lịch sử gần đây cho thấy có thể “rất khó” để buộc các binh sỹ Nga rời khỏi Kazakhstan.
Theo ông Larry Napper, giáo sư đại học Texas A&M, Mỹ có nhiều lý do để lo ngại về những sự việc diễn ra ở quốc gia từng thuộc Liên Xô trước đây. Ông Napper từng là Đại sứ Mỹ tại Kazakhstan từ 2001-2004 và là cựu Giám đốc Văn phòng phụ trách các vấn đề Liên Xô của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Kazakhstan
Mỹ là nước đầu tiên công nhận độc lập của Kazakhstan cách đây 30 năm và thiết lập mối quan hệ song phương gần gũi kể từ đó.
Hai nước hợp tác trong một số vấn đề như giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có việc Kazakhstan từ bỏ các đầu đạn hạt nhân từ thời Liên Xô và tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Mỹ và Kazakhstan cũng hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố. Đầu tư của Mỹ vào Kazakhstan trong lĩnh vực năng lượng gia tăng đều đặn.
Dù Mỹ có nhiều lo ngại xung quanh vấn đề điều hành đất nước của Kazakhstan và muốn quốc gia Trung Á này nhanh chóng thiết lập các quy tắc dân chủ cũng như một nền kinh tế công bằng hơn, nhưng nhìn chung, mối quan hệ giữa 2 nước vẫn tốt đẹp và nhiều triển vọng phát triển sâu sắc hơn.
Tháng 12/2021, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Nam và Trung Á đã tới thủ đô của Kazakhstan để thúc đẩy đối thoại đối tác chiến lược, trong đó hai bên đã thảo luận về việc thiết lập mối quan hệ thương mại bình thường lâu dài giữa 2 bên, dỡ bỏ những tàn tích thời Chiến tranh Lạnh vốn hạn chế thương mại song phương.
Mỹ lo Kazakhstan rơi vào vòng ảnh hưởng của Nga
Mỹ lo ngại về những diễn biến gần đây ở Kazakhstan, không chỉ về tình hình bất ổn, bạo lực khiến nhiều người thiệt mạng, mà còn vì Tổng thống Tokayev đã đề nghị Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), trong đó có Nga, cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới nước này.
Kazakhstan có đường biên giới chung trên bộ dài gần 7.000km với Nga và một bộ phận dân số đáng kể nói tiếng Nga. Vì các lý do chính trị và chiến lược, Kazakhstan cần mối quan hệ tốt đẹp với Nga.
Tuy nhiên, kể từ khi độc lập, Kazakhstan muốn phát triển mối quan hệ mang tính xây dựng không chỉ với Nga và Trung Quốc, mà cả Mỹ.
“Tôi hy vọng những diễn biến gần đây sẽ không đại diện cho sự thay đổi cơ bản trong cách tiếp cận ngoại giao. Theo tôi, Kazakhstan sẽ tìm cách khôi phục hoặc tiếp tục mối quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng Mỹ thực sự quan tâm đến các vấn đề như nhân quyền, quyền biểu tình hòa bình và một chế độ cầm quyền đáng tin cậy”, ông Napper nói.
Kazakhstan có trở thành “Ukraine tiếp theo”?
Theo cựu Đại sứ Napper, không ai muốn Kazakhstan trở thành một Ukraine tiếp theo, ít nhất là toàn bộ người Kazakhstan. Dù vậy điều này khó xảy ra.
Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã tìm cách xây dựng quan hệ ngoại giao tốt đẹp với tất cả các nước từng thuộc Liên Xô, dựa trên sự tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của các nước đó. Vấn đề ở Ukraine và có thể cả các nước thuộc Liên Xô trước đây là việc duy trì chủ quyền.
Tổng thống Vladimir Putin muốn gia tăng ảnh hưởng của Nga đối với những nước nổi lên từ sau khi Liên Xô tan rã. Tuy nhiên Ukraine và Kazakhstan là 2 trường hợp khác nhau, ít nhất là vì Kazakhstan đã đề nghị Nga cử lực lượng tới nước này.
“Tôi hy vọng Kazakhstan sẽ sớm ổn định tình hình và các lực lượng nước ngoài nhanh chóng rút khỏi nước này”, ông Napper nói.
Tầm quan trọng chiến lược của Kazakhstan đối với Mỹ
Cả về mặt địa lý và địa chính trị, Kazakhstan đều có vị trí rất quan trọng. Kazakhstan không chỉ có chung đường biên giới với Nga và Trung Quốc mà còn vì sự hiện diện trong khu vực đối với Afghanistan. Mỹ có lợi ích rõ ràng trong các hoạt động chống khủng bố, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền được phương Tây hậu thuẫn ở Afghanistan sụp đổ và Taliban trở lại nắm quyền từ tháng 8/2021.
Những năm gần đây, Kazakhstan đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch chống khủng bố. Ví dụ, Mỹ đã tìm cách chuyển các chiến binh thánh chiến và gia đình họ từ các trại giam giữ ở Syria tới các nước có thể triển khai chương trình tái định cư. Kazakhstan đã tiếp nhận những gia đình như vậy theo yêu cầu của Mỹ.
Cũng cần phải nói tới yếu tố Trung Quốc. Những năm qua, hợp tác kinh tế và năng lượng giữa Kazakhstan và Trung Quốc gia tăng mạnh – điều mà Mỹ vẫn đang theo dõi chặt chẽ. Có hàng triệu người Kazakhstan sống ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc cũng như người Duy Ngô Nhĩ sống ở Kazakhstan. Dòng chảy sắc tộc xuyên biên giới cần được quản lý một cách thận trọng và đây lại là một yếu tố khác ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Kazakhstan.
Về mặt kinh tế, Mỹ đầu tư hàng tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng ở Kazakhstan. Một số công ty lớn thuộc sở hữu của người Mỹ như Chevron hay ExxonMobil đều quan tâm tới các giếng dầu và khí đốt ở Kazakhstan. Kazakhstan cũng là nước xuất khẩu khoảng sản, trong đó có cả urani thô.
Kể từ sau khi Liên Xô tan rã, Kazakhstan đã nổi lên như quốc gia đi đầu khu vực trong việc cải cách kinh tế, đưa nước này tới gần hơn với thị trường tự do và trở nên hấp dẫn hơn đối với đầu tư nước ngoài./.