“Đóng cửa biên giới” có phải là cách tốt nhất để ngăn chặn khủng bố?
VOV.VN - Các nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ ngày 17/11 đã lên tiếng hối thúc Tổng thống Barack Obama “đóng cửa” với người tị nạn Syria.
Trước đó, cùng ngày, ít nhất 20 bang của Mỹ thông báo sẽ không tiếp nhận người tị nạn từ Syria cho tới khi các biện pháp an ninh cao độ được thực thi.
Với quan điểm cho rằng “phòng bệnh hơn là chữa bệnh”, ngày 17/11, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan, một ứng cử viên Tổng thống tiềm năng của đảng Cộng hòa cho biết, ngay trong tuần này sẽ trình một dự luật nhằm lập tức đình chỉ việc cấp thị thực nhập cảnh vào Mỹ cho những người tị nạn chạy trốn các nhóm cực đoan.
Ít nhất 20 bang của Mỹ thông báo sẽ không tiếp nhận người tị nạn từ Syria cho tới khi các biện pháp an ninh cao độ được thực thi. (ảnh: Reuters). |
Tuyên bố đưa ra sau 3 ngày leo thang căng thẳng chính trị tại Mỹ khi hơn một nửa lãnh đạo các bang tại nước này và phần lớn các ứng cử viên đảng Cộng hòa phản đối việc tiếp nhận người tị nạn Syria. Đảng Cộng hòa, hiện chiếm đa số ở cả 2 viện Quốc hội Mỹ có thể sử dụng các luật về tài chính dự kiến sẽ phải thông qua trước ngày 11/12 tới để hạn chế chương trình tị nạn.
Dù vẫn chưa thể xác định tấm hộ chiếu Syria tìm thấy ở hiện trường vụ đánh bom Pari có phải thực sự thuộc về thủ phạm hay không, song các nghị sĩ Cộng hòa Mỹ cũng không muốn có bất kỳ rủi ro nào.
Hạ nghị sĩ Paul Ryan nói: “Đất nước Mỹ lâu nay vẫn được đánh giá là cởi mở, song chúng ta cũng không thể để những kẻ khủng bố lợi dụng lòng trắc ẩn của chúng ta. Giờ là lúc chúng ta quan tâm tới sự an toàn hơn là những lời xin lỗi. Vì thế, chúng ta cần suy nghĩ thận trọng, việc làm có trách nhiệm nhất lúc này là tạm dừng đối với chương trình tị nạn để xác định những kẻ khủng bố không tìm cách đi cùng những người tị nạn”.
Tuy nhiên, ngày 17/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama một lần nữa bác bỏ những lập luận này và tuyên bố sẽ không thay đổi kế hoạch tiếp nhận 10.000 người tị nạn Syria tới Mỹ trong năm 2016. Theo ông Obama, nước Mỹ sẽ không đóng sập cánh cửa đối với người tị nạn Syria vì chính họ là những người chịu nhiều tổn thương nhất do chủ nghĩa khủng bố.
Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày cũng công bố báo cáo cho thấy, từ ngày 1/10/2011 tới ngày 14/11 vừa qua, chỉ có hơn 2.000 người tị nạn Syria được chấp nhận tại Mỹ, quá khiêm tốn so với con số hàng trăm nghìn người yêu cầu xin tị nạn tới Liên minh châu Âu.
Theo chính quyền Mỹ, người tị nạn muốn vào Mỹ vốn không hề dễ dàng. Bởi sau khi được Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn lựa chọn kỹ càng trong số những người dễ bị tổn thương nhất tại các trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Ai Cập hay Lebanon, họ sẽ phải trải qua các cuộc kiểm tra của cơ quan An ninh nội địa Mỹ, lấy dấu vân tay, kiểm tra của cơ quan tình báo và Cục điều tra liên bang Mỹ.
Toàn bộ thủ tục này sẽ kéo dài trung bình tới 18-24 tháng. Hơn nữa, một nửa số người tị nạn Syria được tiếp nhận tại Mỹ là trẻ em và chỉ có 2% là nam giới độc thân ở độ thuổi đi lính.
Trước quyết định của một số nước châu Âu thắt chặt việc kiểm soát người nhập cư và mới đây là Mỹ, Liên Hợp Quốc ngày 17/11 cũng kêu gọi các nước tiếp nhận người tị nạn đồng cảm và không nên đánh đồng người tị nạn với những kẻ khủng bố.
Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho biết: “Chúng ta cần phải nhìn người tị nạn với con mắt cảm thương. Bởi đây là những người đang chạy trốn khỏi nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng, mà sự tàn ác của chúng đã được thể hiện rõ qua vụ tấn công tại Paris vừa qua. Hoàn toàn dễ hiểu khi các nước thực hiện tất cả những biện pháp mà họ thấy là cần thiết để bảo vệ công dân của mình trước mọi hình thức của chủ nghĩa khủng bố. Nhưng rõ ràng việc nhắm vào những người tị nạn, những người dễ bị tổn thương và đang phải chạy trốn bạo lực hoàn toàn là sai cách”.
Dẫu vậy, sức ép với Tổng thống Obama đang ngày một lớn khi ngay cả đảng Dân hòa dù đa số vẫn ủng hộ mục tiêu 10.000 người tị nạn mà Tổng thống đưa ra, song một số đã bắt dầu do dự. Trong 2 ngày 17- 18/11, hai viện Quốc hội Mỹ đều diễn ra các phiên điều trần kín về các vụ tấn công tại Pháp./.