Đức thay đổi chính sách đối ngoại, quốc phòng sau khi Nga tấn công Ukraine
VOV.VN - Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã buộc Đức phải thay đổi lập trường và thực hiện một chính sách đối ngoại quyết đoán hơn, nhằm củng cố vai trò đầu tàu của nước này trong Liên minh châu Âu.
Ngày 27/2 vừa qua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng lên mức đáng kể trong bài phát biểu lịch sử tại Hạ viện, đánh dấu sự thay đổi về chính sách đối ngoại và quốc phòng của nước này.
Ông Olaf Scholz cho biết, trong thời gian tới, Đức sẽ đầu tư hơn 2% GDP cho quốc phòng, cao hơn so với mức 1,5% ở thời điểm hiện tại. Nhà lãnh đạo này cũng vạch ra kế hoạch giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga và nhấn mạnh Berlin có thể xem xét các mối quan tâm địa chiến lược nhiều hơn trong tất cả các mối quan hệ thương mại của mình.
“Cuộc chiến của Tổng thống Putin dẫn đến sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Đức, đồng thời đặt ra nhiều yêu cầu hơn trên mặt trận ngoại giao”, ông Olaf Scholz cho biết.
Bình luận về tuyên bố của Thủ tướng Olaf Scholz, chuyên gia Thorsten Benner thuộc Viện Chính sách công toàn cầu (GPPi) nhận định: “Đây là điểm khởi đầu cho việc xem xét lại một cách cơ bản Chiến lược an ninh quốc gia của Đức, trong đó không chỉ có những thách thức từ Trung Quốc mà còn từ phía Nga”.
Chính sách truyền thống của Đức
Trong nhiều thập kỷ qua, Đức đã phải đối mặt với những lời chỉ trích cho rằng vai trò mà nước này thể hiện trên trường quốc tế chưa tương xứng với quy mô của nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Đức từng bị cho là xem nhẹ những mối quan tâm địa chính trị khi theo đuổi các cơ hội kinh tế. Một số đồng minh an ninh của Đức, đặc biệt là Mỹ đã gọi Berlin là “mắt xích yếu” trong liên minh NATO.
Sau khi bà Angela Merkel rời nhiệm sở, chính phủ kế nhiệm của Đức tiếp tục ủng hộ việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức, bất chấp những lo ngại của nhiều nước phương Tây về việc dự án này sẽ làm suy yếu an ninh của quốc gia trung chuyển truyền thống là Ukraine.
Trước đó, Berlin đã nhiều lần phản đối lời kêu gọi loại Nga hỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT trong khuôn khổ gói trừng phạt mới của phương Tây, nói rằng họ sẽ gặp nhiều thách thức khi thanh toán khí đốt cho Nga.
Về mặt quân sự, các lực lượng của Đức đã bị cắt giảm đáng kể quy mô sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Số lượng xe tăng chiến đấu giảm từ hơn 3.500 chiếc trong những năm 1980 xuống còn 225 chiếc vào năm 2015.
Sau đó, các lực lượng này chủ yếu được huấn luyện để thực hiện các nhiệm vụ tại Afghanistan, chống lại những đối thủ được trang bị kém hơn nhiều. Vì thế họ ít được trang bị những vũ khí hiện đại nhất. Quân đội Đức từ lâu đã xin bổ sung thêm nhiều trang thiết bị mới, song việc đáp ứng vẫn còn hạn chế.
Khi nhậm chức váo tháng 12/2021, chính phủ mới của Đức gồm liên minh 3 đảng, đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh đã cam kết theo đuổi chính sách đối ngoại tập trung nhiều hơn vào những giá trị thực tiễn, phản ánh mối lo ngại từ các đối thủ chiến lược như Trung Quốc. Nhưng liên minh này không đưa ra cam kết tăng chi tiêu quốc phòng.
Chính phủ Đức cũng bị chỉ trích vì không cung cấp vũ khí cho Ukraine. Trong nhiều năm qua, Đức đã từ chối xuất khẩu bất cứ loại vũ khí nào sang vùng chiến sự, hoặc cho phép một nước thứ 3 gửi vũ khí do Đức sản xuất cho những khu vực này. Chính sách này được cho là bắt nguồn từ những gì xảy ra trong Thế chiến 2.
Lựa chọn ngã rẽ mới
Thế nhưng, Đức đã gây bất ngờ khi đảo ngược chính sách truyền thống với quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhất trí loại Nga ra khỏi hệ thống SWIFT, đồng thời cho biết sẽ tăng cường dự trữ than, khí đốt và nhanh chóng thực hiện kế hoạch xây dựng các kho bãi nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Hầu hết sự thay đổi này diễn ra sau khi Tổng thống Nga Putin phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Khi công bố lý do đưa ra những quyết định nói trên, ông Olaf Scholz cho biết: “Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đánh dấu một bước ngoặt, đe dọa toàn bộ trật tự thời hậu chiến của chúng ta. Trong tình huống này chúng tôi có nhiệm vụ hỗ trợ Ukraine với khả năng tốt nhất của mình”.
Reuters dẫn một nguồn tin từ chính phủ Đức cho biết: “Những gì Tổng thống Nga Putin muốn làm đã rõ ràng, vì thế chúng tôi phải thay đổi những cách thức cũ”.
Theo Thủ tướng Scholz, Đức sẽ cung cấp cho Ukraine 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không Stinger từ kho vũ khí của nước này. Nhà lãnh đạo này cũng thành lập một quỹ 100 tỷ USD để hiện đại hóa quân đội, trong đó có việc mua máy bay chiến đấu mới và máy bay không người lái có vũ trang.
"Chúng tôi cần những chiếc máy bay có thể bay, những con tàu có thể ra khơi và những người lính được trang bị tối ưu cho nhiệm vụ của họ”, ông Scholz nhấn mạnh.
Terry Anderson – cựu tùy viên quân sự Mỹ tại Đức nhận định: “Cuộc xung đột Nga-Ukraine là lời cảnh tỉnh lớn. Có rất nhiều điều để nói nhưng chúng ta đều biết rằng ngoại giao mà không có vũ khí sẽ không hiệu quả”.
Một số nhà phân tích cho rằng, vẫn cần thời gian để xem xét liệu sự thay đổi này sẽ được thực hiện như thế nào, khi còn rất nhiều thách thức đang chờ đợi Đức ở phía trước, chẳng hạn như thiếu hụt năng lượng do Nga cắt giảm nguồn cung, giá cả dầu mỏ và khí đốt tăng đột biến cùng những tác động tiêu cực về tài chính đối với các doanh nghiệp do quyết định loại Nga khỏi hệ thống SWIFT gây ra./.