EU chuẩn bị các bước cuối cùng cho đàm phán Brexit
VOV.VN -Lịch trình cũng xác định hai ưu tiên lớn là giữ quyền công dân cho những người châu Âu tại Anh và người Anh ở một quốc gia thành viên EU
Ngày 22/5, Hội đồng đối ngoại 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp tại thủ đô Brussels, Bỉ để thông qua quyết định cho phép bắt đầu các cuộc đàm phán với Anh về việc nước này rời khỏi EU (gọi là Brexit), đồng thời chính thức chỉ định nhóm đàm phán về Brexit của liên minh. Đây cũng là dịp để 27 nước thành viên EU thông qua các chỉ thị định hướng cho các đàm phán với nước Anh. Có thể nói, đây gần như là bước chuẩn bị cuối cùng trước khi EU và Anh gặp mặt lần đầu tiên cho cuộc đàm phán dự kiến kéo dài 2 năm này.
Ông Michel Barnier tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 22/5. AFP/TTXVN
Kết quả rõ nét nhất của cuộc họp là chính thức cho phép nhà thương thuyết của EU Michel Barnier mở các cuộc thương lượng để thảo luận về tiến trình Brexit, và dự kiến như đã đưa ra từ trước, ông Barnier dự định bắt đầu các cuộc thảo luận trong tuần 19/6. Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Malta- quốc gia đang giữ chức chủ tịch luân phiên của EU thông báo cuộc họp chính thức bắt đầu pha chuẩn bị đầu tiên cho một hành trình thương lượng Brexit – theo báo giới là sẽ đầy khó khăn.
Ba hồ sơ lớn gai góc
Với dấu mốc chính thức được đưa ra hôm qua (22/5), châu Âu sẽ bước vào các cuộc thương lượng với 3 hồ sơ lớn với nước Anh: trước hết đó vẫn là khoản tiền mà EU yêu cầu Anh phải trả khoảng 60 tỷ euro, liên quan đến các cam kết của nước Anh đóng góp trong các chương trình chung cũng như vào ngân sách EU. Nếu không thống nhất được điểm này, e rằng sẽ khó có thể đạt được một thỏa thuận hiện thực nào, bởi như giải thích của ông Barnier, không có quốc gia nào muốn phải gánh thêm trách nhiệm tài chính để bù đắp vào phần đã hứa hẹn của nước Anh, từ nay đến khi Anh rút khỏi liên minh.
Bên cạnh đó là hai hồ sơ không kém phần hóc búa khác là quyền lợi của các công dân hai bên và việc thiết lập các đường biên giới giữa Anh với EU – vấn đề cũng liên quan đến các vùng lãnh thổ thuộc Vương quốc Anh. Và tương lai mối quan hệ giữa EU với nước Anh như thế nào, sau hơn 4 thập kỷ quốc gia này là một thành viên trong liên minh, liệu giờ đây những ưu đãi trong EU nước Anh sẽ tiếp tục được hưởng tới đâu hay sẽ là một sự đoạn tuyệt đau đớn?
Thực chất những vấn đề này không mới, cuộc họp hôm qua chủ yếu mang ý nghĩa biểu trưng, đánh dấu việc EU chính thức trao quyền mở màn đàm phán cho ông Michel Barnier. Giờ đây mọi ánh nhìn hướng về Thủ tướng Anh người đã yêu cầu tiến hành bầu cử lập pháp sớm vào ngày 8/6 tới, với mục đích có được vị thế vững hơn khi bước vào đàm phán với EU.
Thủ tướng Anh: EU cũng phải trả hàng tỷ euro chi phí cho Brexit
Lịch trình 2 giai đoạn: Trả tiền trước mới bàn đến tương lai quan hệ Anh – EU
Các nước đều khá nhất trí với lịch trình hai giai đoạn, theo đó nhấn mạnh giai đoạn hai – tập trung vào tương lai quan hệ đối tác giữa EU và Anh – sẽ không thể nào được bắt đầu nếu không có những tiến bộ quan trọng trong giai đoạn một là thảo luận về « cuộc ly hôn Anh – EU ».
Rõ ràng, các quốc gia EU đều không muốn đeo thêm gánh nặng từ số tiền cam kết của nước Anh, tổng lên tới khoảng 60 tỷ euro. Vì thế, sẽ không có chuyện EU dễ dàng cho những cuộc thảo luận tiếp theo, chừng nào chưa giải quyết sòng phẳng các vấn đề của cuộc ly hôn.
Lịch trình cũng xác định hai ưu tiên lớn nữa là giữ quyền công dân cho những người châu Âu tại Anh và người Anh ở một quốc gia thành viên EU. Có hơn 4 triệu người của cả hai phía (trong đó có tới 3,2 triệu về phía châu Âu) bị liên đới, lo lắng có thể trở thành con tin của tiến trình đàm phán Brexit.
Dư luận châu Âu cũng đồng tình với việc xử lý cứng rắn vấn đề Brexit để ngăn chặn mọi nguy cơ tương tự ở các quốc gia thành viên khác.
Anh dọa từ bỏ đàm phán Brexit nếu EU đòi bồi thưởng 112 tỷ USD
Cuộc đấu trí cứng rắn để nắn gân lẫn nhau
Trước cuộc hop này 1 ngày, bộ trưởng Bộ trưởng phụ trách đàm phán Brexit của Anh David Davis cảnh báo nước này đã chuẩn bị cho trường hợp rời khỏi EU mà không đạt thỏa thuận nào. Đây có thể coi là một khả năng dự phòng cho trường hợp đàm phán đổ vỡ.
Thực tế Anh và EU đều hiểu rõ những lợi ích lẫn nhau trong quan hệ hai bên, tuy nhiên, cả hai đều muốn căng để giữ các lợi ích của riêng mình được nhiều hơn và để phía bên kia phải mềm mỏng hơn. Vì thế, khả năng đạt được thỏa thuận sẽ lớn hơn là tan vỡ, vấn đề là thỏa thuận cụ thể sẽ ra sao, hai bên sẽ gây sức ép và nhượng bộ nhau trong cuộc đấu này ra sao. Hiện dư luận chờ đợi diễn biến cuộc bầu cử lập pháp sớm vào đầu tháng 6 tới, sự kiện đó có thể tạo thêm hoặc làm yếu đi vị thế của Thủ tướng Anh Theresa May và đảng của bà, khi đó, cục diện cuộc đấu chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Với việc Tổng thống mới của Pháp ủng hộ mạnh mẽ việc gắn kết trong EU thì sẽ tạo thêm sức mạnh cho cả khối trong cuộc đấu trí với nước Anh. Và London cũng hiểu rất rõ ràng họ sẽ chịu thua thiệt nhiều nếu “già néo đứt dây” với EU. Do đó, để chuẩn bị phương án dự phòng cho trường hợp đàm phán đổ vỡ, những các nhà thương thuyết sẽ phải cố gắng tìm giải pháp.
Việc hai bên bỏ ngỏ cho một khả năng thương lượng kéo dài hơn nếu sau đúng hai năm, tức là đêm ngày 29/3/2019, không đạt được thỏa thuận, cũng cho thấy việc EU và Anh sẽ cố gắng tìm giải pháp chứ không để tình hình tan vỡ bất lợi cho cả hai bên./.
EU và Anh: Không có chuyện Brexit dễ dàng