Giấc mơ châu Phi của Tổng thống Putin: Bước đệm để Nga vươn tầm ảnh hưởng?
VOV.VN-Không phải ngẫu nhiên Nga coi việc tăng cường quan hệ với châu Phi là một ưu tiên cấp bách giữa bối cảnh Moscow dường như đang gặp “thiên thời, địa lợi”.
Tuần vừa qua là một tuần chiến thắng cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và mục tiêu mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của Moscow. Ngày 22/10, sau khi Mỹ rút quân, Tổng thống Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có một cuộc dàn xếp ổn thỏa về tình hình ở đông bắc Syria. Nhà lãnh đạo Nga cũng giúp đồng minh của mình là Tổng thống Assad củng cố mạnh mẽ vị thế tại quốc gia Trung Đông này. Moscow hiện nay dường như đang dần thay thế vai trò của Washington với tư cách là một nhân tố chủ chốt trong cuộc xung đột Syria nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp người đồng cấp Kenya Uhuru Kenyatta bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi năm ở Sochi ngày 24/10. Ảnh: Sputnik |
Giấc mơ châu Phi của Tổng thống Putin
Tuy nhiên, hầu như ít ai chú ý rằng, nhà lãnh đạo Nga cũng đang tăng cường ảnh hưởng địa chính trị ở một khu vực khác trong tuần này, đó chính là châu Phi. Cụ thể, bằng cách tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh 2 ngày với các nhà lãnh đạo châu Phi tại thành phố Sochi bên bờ Biển Đen của nước Nga, Tổng thống Putin đã nỗ lực nối lại sợi dây liên kết từng được thiết lập từ thời Xô Viết với khu vực này giữa bối cảnh Moscow đang tìm cách xây dựng ảnh hưởng trên toàn thế giới.
Từ Algeria tới Mozambique, Moscow đã đưa các tàu vận chuyển vũ trang tới, ký kết các hợp đồng quân sự và theo đuổi các dự án năng lượng cũng như tài nguyên thiên nhiên khắp châu Phi. Mặc dù châu lục này không nằm trong ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của Moscow song điện Kremlin coi khu vực này là một "địa hạt màu mỡ" để củng cố sâu sắc các mối quan hệ với các đối tác cũ và mới nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt phương Tây, đồng thời tăng cường vị thế địa chính trị.
Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Phi thuộc Đại học Quốc phòng Quốc gia cho biết: "Đó là một cách chỉ với chi phí thấp nhưng thu về hiệu quả cao để thúc đẩy ảnh hưởng của Nga. Tôi không nghĩ Moscow sẽ tập trung nhiều vào một kế hoạch dài hạn cho châu Phi song chiến lược hiện nay của họ phù hợp với chính sách ngoại giao tổng thể của Nga - khi mà Moscow theo đuổi các cơ hội và tạo dựng hình ảnh như một cường quốc toàn cầu".
Nhà phân tích Reid Standish nhận định trên trang Foreign Policy rằng tầm ảnh hưởng gia tăng của Nga ở Trung Đông cũng như kế hoạch châu Phi đang "thuận buồm xuôi gió" của Moscow thành công một phần là do những tính toán sai lầm của phương Tây.
Tìm lại ảnh hưởng thời Chiến tranh Lạnh
Liên Xô từng là một lực lượng chiếm ưu thế ở châu Phi trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi mà quốc gia này nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân và cả giới tinh hoa. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ, nhiều mối quan hệ từng được thiết lập này trở nên rạn vỡ hoặc bị phai nhạt khi Nga buộc phải giảm bớt những tham vọng của mình. Dù vậy, ngay cả khi Liên Xô sụp đổ, quan điểm ủng hộ Nga vẫn được duy trì trong tâm thức của nhiều người dân ở các thủ đô của các nước châu Phi . Do đó, việc nối lại mối quan hệ với các nước châu Phi giống như thời Liên Xô được coi là một ưu tiên cấp bách của Nga.
Olga Kulkova - một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu châu Phi thuộc Học viện Khoa học Nga nhận định: "Vẫn còn một số giới tinh hoa ở lục địa này giữ các mối quan hệ từ thời Xô Viết song thế hệ sau ở châu Phi không có mối liên kết tương tự với Nga như trước đây. Vì thế, chúng tôi cần nắm bắt cơ hội để quay lại ngay bây giờ khi vẫn có người còn giữ những mối liên hệ với Moscow".
Kế hoạch châu Phi của Nga đánh dấu một sự chuyển biến sâu sắc về vị thế của Moscow trong khu vực cũng như trên toàn cầu. Sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và có những căng thẳng với Ukraine về vấn đề ở miền đông nước này, Moscow đã bị các nước phương Tây trừng phạt nhằm cô lập và gây sức ép để điện Kremlin thay đổi hành vi của mình. Tuy nhiên, việc ảnh hưởng của Nga ngày càng tăng cường hiện nay khiến quốc gia này sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội mới giữa bối cảnh điện Kremlin và phương Tây vẫn tồn tại không ít cách biệt về nhiều vấn đề.
Cùng với Trung Đông, sự quay lại của Nga ở châu Phi được thúc đẩy một phần là do sự xao lãng của Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Trump ở khu vực này. Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton từng phác thảo một chiến lược ở châu lục này năm 2018 với mục tiêu tập trung kiềm chế ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, do thiếu sự tham gia của các quan chức cấp cao, trong đó, có việc khuyết một số vị trí Đại sứ cùng với những bình luận không mấy tích cực của Tổng thống Trump về châu Phi đã khiến Mỹ mất dần sự ủng hộ cũng như tạo khoảng trống để Nga tiến vào. Trong khi đó, EU lại chủ yếu chỉ tập trung vào việc kiềm chế người châu Phi di cư sang châu Âu, điều khiến mối quan hệ 2 bên càng thêm chia rẽ.
Tận dụng thời cơ đó, Nga đã triển khai một chiến lược hoàn hảo ở châu Phi bằng cách tăng cường mối quan hệ về quân sự và thương mại với các quốc gia trong khu vực.
Tại Liên Hợp Quốc, Nga tìm cách sử dụng quyền phủ quyết như một thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và ảnh hưởng gia tăng ở châu Phi để đối phó với phương Tây. Thậm chí năm 2014, Nga đã thuyết phục được hơn một nửa các nước châu Phi phản đối hoặc bỏ phiếu trắng về nghị quyết tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khi nghị quyết này chỉ trích động thái sáp nhập Crimea của Nga.
Vẫn còn những thách thức
Tuy nhiên, việc Nga gia tăng ảnh hưởng ở châu Phi không có nghĩa là Moscow không có trở ngại ở châu lục này. Điện Kremlin cũng phải đối mặt với một số thách thức, trong đó có sự trì trệ về kinh tế tại các quốc gia này.
Nga là nhà xuất khẩu vũ trang lớn nhất tới châu Phi và đã ký các thỏa thuận hợp tác quân sự với ít nhất 28 chính phủ của châu lục này. Các công ty sở hữu nhà nước của Nga, phần lớn trong số đó bị loại khỏi thị trường phương Tây, đang tập trung đầu tư vào dầu khí và năng lượng hạt nhân ở châu Phi. Kim ngạch thương mại giữa Nga và châu Phi năm 2018 đạt 20 tỷ USD.
Dù vậy, Nga vẫn thiếu các phương tiện tài chính so với các nhân tố bên ngoài khác, chẳng hạn như EU, Mỹ và Trung Quốc - quốc gia đã cam kết đầu tư hơn 60 tỷ USD vào châu Phi năm ngoái và là đối tác kinh tế hàng đầu của châu Phi.
Đối với Nga, nếu Moscow muốn biến châu Phi trở thành một bản sao như kế hoạch đã từng thành công ở Trung Đông thì quốc gia này sẽ cần tính toán một cách "rất chiến lược" vào những năm tới, người đứng đầu chương trình châu Phi tại Chatham House - ông Alex Vines nhận định.
"Nga đến châu Phi khá trễ và sự tham gia của họ, tất cả vẫn còn khá mới mẻ. Họ sẽ cần khôn ngoan và tập trung vào những lĩnh vực phù hợp mà họ có thế mạnh để không phải đối diện với các rủi ro hoặc bị quá tải", chuyên gia này cho biết thêm./.