Hậu quả khó lường khi phương Tây “chọc giận” Nga tại G20
VOV.VN - Cách xử sự “bình thản” của Tổng thống Nga Vladimir Putin sau những chỉ trích tại G20 đang khiến giới phân tích phương Tây “lo ngại”.
Tổng thống Putin là người sớm nhất rời Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brisbane, Australia với nhiều sức ép xung quanh vấn đề khủng hoảng ở Ukraine và trách nhiệm trong thảm họa MH17. Sự chỉ trích cùng hành động “bỏ về” của ông Putin được cho là đồng nghĩa sự “tổn thương” từ phía Nga và cảnh báo về những hậu quả khó lường trong quan hệ giữa Nga - phương Tây, thời gian tới.
Chiến tranh lạnh là phản ứng rõ rệt nhất những “tổn thương” của Nga trong quan hệ ngoại giao với phương Tây. Ngày 17/11, Nga trục xuất nhiều nhà ngoại giao Ba Lan, liên quan tới những hành động được cho là “thiếu thiện chí”, “không hữu nghị” hay “vô căn cứ” mà Ba Lan đối xử với Nga trong thời gian qua. Trước đó, Ba Lan đã từng trục xuất một số nhà ngoại giao Nga với cáo buộc “gián điệp”.
Tình trạng trục xuất cũng diễn ra giữa Nga với Đức. Ngày 16/11, Bộ Ngoại giao Đức thông báo một nhà ngoại giao của nước này cũng bị Nga trục xuất.
Những động thái nói trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Moscow với phương Tây đang cực kỳ căng thẳng vì diễn biến phức tạp ở miền đông Ukraine cũng như thảm họa MH17. Tại Hội nghị G20 vừa diễn ra tại Australia, đại diện các nước Âu Mỹ đã không ngần ngại chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề này.
Trả lời trước báo chí sau hội nghị, ông Putin nói: “Tôi nghĩ rằng họ muốn đổ hết trách nhiệm lên Nga và muốn Nga phải trả giá. Chúng tôi không chấp nhận điều đó. Ukraine là một quốc gia độc lập, tự chủ và có chủ quyền”.
Thái độ cứng rắn của Moscow lẫn phương Tây khiến giới quan sát lo ngại khủng hoảng ngoại giao sẽ tiếp tục leo thang và “bóng ma” Chiến tranh lạnh trở lại châu Âu. Ngày 17/11, các Ngoại trưởng EU nhóm họp tại Brussels, Bỉ để xem xét gia tăng trừng phạt với Nga, khi miền đông Ukraine vẫn chìm trong lửa đạn.
AP dẫn lời đáp lại của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng: lệnh trừng phạt của các nước phương Tây không những không “hạ nhiệt” xung đột Ukraine mà còn đẩy căng thẳng ngoại giao lên cao khó kiểm soát.
Bản thân Ngoại trưởng Ba Lan Grzegorz Schetyna cũng cảnh báo những căng thẳng hiện nay sẽ tạo thành “bức tường” ngăn cách Nga với châu Âu và “Chiến tranh lạnh có thể tái diễn”.
Vũ khí hạt nhân - “sự bất ngờ” không ai muốn
Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây nhận định số lượng vũ khí hạt nhân Nga đang ngày một tăng lên, hiện đã ngang với Mỹ. Đây là “cú sốc” và là một “sự bất ngờ” không hề mong muốn đối với NATO.
Theo tờ Sự thật của Nga, Lực lượng Vũ khí hạt nhân Chiến lược của Nga (SNF) đã trở nên vượt trội hơn so với Mỹ, bởi họ đảm bảo sự tương đồng về số đầu đạn hạt nhân với Mỹ trong khi số lượng phương tiện vận chuyển vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga thấp hơn rất nhiều.
Điều này báo hiệu sự chạy đua hạt nhân có xu hướng gia tăng mạnh mẽ nếu phương Tây hay Mỹ tiếp tục “chọc giận” Nga.
Kể từ tháng 2/2011, số lượng vũ khí hạt nhân chiến lược đã triển khai của cả Nga và Mỹ đều tăng lên. Mặc cho Nga và Mỹ cùng ký kết hiệp ước New START. Hiện tại, cả Mỹ và Nga đều đã triển khai nhiều vũ khí hạt nhân hơn những gì đã thỏa thuận trong New START. Tuy nhiên, số lượng đầu đạn mới mà Nga sẽ triển khai cùng với rất nhiều mối nguy hại liên quan đến sức mạnh của vũ khí hạt nhân Nga đã gây ra không ít những lo ngại trong và ngoài nước.
Nga cũng tỏ thái độ cứng rắn đối với phương Tây kể từ tháng 3 năm nay. Từ đó, Nga đã có khoảng 40 lần suýt đụng độ quân sự với NATO hay với các nước láng giềng, bao gồm một cuộc tấn công giả định của một chiến đấu cơ của Nga đối với một hòn đảo của Đan Mạch hồi tháng 6.
Ngày 17/11, Nga và NATO lại “khẩu chiến” khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng các chuyến bay của máy bay quân sự Nga đang đe dọa hàng không dân dụng châu Âu. Đáp lại, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố tất cả các chuyến bay của máy bay quân sự Nga đều thực hiện theo đúng quy định quốc tế về sử dụng không phận trên vùng biển trung lập, mà không vi phạm biên giới của các quốc gia khác.
Thương mại – “sự tổn thương” khỏi phải bàn cãi
Rất nhiều lần, sau mỗi lời đe dọa gia tăng trừng phạt của phương Tây liên quan tới vấn đề Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đều “đăng đàn” nhấn mạnh: “việc cấm Nga tiếp cận với các thị trường vốn sẽ làm tổn thương việc xuất khẩu của phương Tây”.
Ông Putin nhắc lại, các biện pháp trừng phạt có thể làm tổn thương một số ngân hàng Nga, buộc những ngân hàng này phải đòi lại các khoản vay nợ trị giá hàng tỷ USD mà họ đã cung cấp cho Ukraine.
Tổng thống Putin cho hay, tập đoàn nhà nước Nga Gazprombank- chủ khoản nợ 3,2 tỷ USD của Ukraine- cũng đang bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt.
Tổng thống Nga cũng bình thản nói rằng “thiệt hại về kinh tế đôi bên” thì khỏi bàn cãi nhưng EU sẽ thiệt hại nhiều hơn ở “hố sâu” ngăn cách giữa các nước thành viên. Thực tế, một số nước EU gồm các nước Baltic, Anh, Ba Lan và Thụy Điển luôn muốn trừng phạt Moscow mạnh tay hơn, trong khi các nước như Áo, Hy Lạp và Cyprus lại hết sức miễn cưỡng./.