Hiệp ước Lực lượng hạt nhân chiến lược Nga-Mỹ trước nguy cơ đổ vỡ
VOV.VN - Những ngày gần đây, cả Nga và Mỹ liên tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm Hiệp ước Lực lượng hạt nhân chiến lược (INF) được 2 nước ký từ năm 1987.
Cả Nga và Mỹ đều vi phạm?
Cả Nga và Mỹ đều đã liên tiếp cáo buộc nhau vi phạm Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung. Nga cáo buộc Mỹ vi phạm hiệp ước khi triển khai các tổ hợp giếng phóng đa dụng MK-41 thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore tại châu Âu.
Ảnh minh họa: AP
Những thiết bị phóng này không chỉ mang tên lửa đánh chặn, mà khi cần có thể lắp tên lửa hành trình với tầm bắn hàng nghìn km, tương tự như hệ thống vũ khí trang bị trên các chiếm hạm Hải quân Mỹ.
Ngoài ra, việc triển khai các thành phần lá chắn tên lửa tại châu Âu, Mỹ cũng sẽ sử dụng các tên lửa đạn đạo giả lập để kiểm tra hệ thống. Đây chính là “kẽ hở” để Washington có thể lắp đặt các dòng tên lửa đạn đạo vi phạm Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung tại châu Âu.
Phía Nga cho rằng “Không chỉ việc sử dụng các tên lửa đạn đạo giả lập mục tiêu vi phạm hiệp ước, mà việc Mỹ sản xuất các dòng vũ khí như vậy cũng đã là hành động trái quy định của hiệp ước”.
Nga cũng cho rằng trong nhiều thập kỷ qua, Washington vẫn thực hiện sứ mệnh hạt nhân chung với các nước đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Mỹ đã tham gia huấn luyện và đào tạo phi công, cùng các lực lượng khác của các quốc gia phi hạt nhân là thành viên của NATO tác chiến, trong đó có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, Washington thì cho rằng Moscow đang có hành động tương tự khi phát triển tên lửa hành trình R-500 và tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-26 Rubezh.
Giới chức quân sự Mỹ tin rằng các tên lửa này có tầm bắn vượt quá giới hạn cho phép của hiệp ước. Mỹ cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi “bí mật triển khai ít nhất một khẩu đội tên lửa hành trình SSC-8” ở biên giới với các nước châu Âu. Theo giới quan sát, nhiều khả năng đây là phiên bản trên bộ của tên lửa Kalibr phóng từ tàu ngầm và tàu chiến, có thể mang theo đầu đạn hạt nhân.
Mỹ lo ngại rằng Nga đã tiến khá xa trong việc chế tạo các tên lửa hành trình tầm trung triển khai trên mặt đất và chính quyền Mỹ cho rằng, Nga đang ngày càng sản xuất nhiều tên lửa để đảm bảo cho chương trình bay thử nghiệm, điều đó làm dấy lên mối lo ngại rằng, sớm hay muộn thì điện Kremlin sẽ đưa chúng vào biên chế".
Nga - Mỹ tung đòn trả đũa lẫn nhau?
“Lách luật” chứ quyết không để đổ vỡ?
Có ý kiến cho rằng, dù INF quy định loại bỏ mọi loại vũ khí hạt nhân, được phóng từ tên lửa đạn đạo mặt đất và tên lửa hành trình với tầm bắn trong khoảng 500-5.500km và cơ sở hạ tầng phục vụ nó, song trên thực tế, cả Nga và Mỹ vẫn thường tìm cách “lách luật” để phát triển các hệ thống tên lửa tấn công của mình.
Các nghị sĩ có ảnh hưởng của Mỹ, bao gồm cả nhiều thành viên đảng Cộng hòa, đang thúc giục chính quyền Tổng thống Donald Trump từ bỏ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung với Nga.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng đang nỗ lực cưỡng lại áp lực từ Quốc hội cũng như cảnh báo với Tổng thống Trump về những hậu quả khó lường nếu xé bỏ hiệp ước này.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng William Perry cho rằng từ bỏ hiệp ước “chỉ có thể dẫn đến mối đe dọa lớn hơn” còn ông Richard Burt, nhà đàm phán chính của Mỹ về Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân ký với Liên Xô năm 1991, cảnh báo cấu trúc kiểm soát vũ khí song phương đang tan rã và nếu hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung sụp đổ sẽ kích động một cuộc chạy đua vũ trang toàn diện.
Để rút ra khỏi Hiệp ước này, trước hết Mỹ phải lường được phản ứng và hành động đáp trả của Nga sẽ ra sao vì cũng như Mỹ, năng lực quân sự của Nga cũng khá mạnh và là một cường quốc hạt nhân.
Do đó nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước để tiếp tục phát triển các chương trình tên lửa thì Nga cũng sẽ hành động tương tự. Một cuộc chạy đua vũ trang được cho là không tránh khỏi, chưa tính tới khả năng một cuộc chiến tên lửa có thể sẽ diễn ra.
Nếu điều này xảy ra, Châu Âu có thể trở thành bình địa ngay từ giờ phút đầu của cuộc chiến khi sử dụng tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Như vậy châu Âu sẽ là chiến trường chính nếu xảy ra đại chiến thế giới, vì thế buộc giới chức Mỹ và phương Tây phải cân nhắc lại kế hoạch của mình./.
Đem “hổ giấy” ra dọa Nga, Mỹ hy vọng và được gì?