Hội nghị An ninh Munich: Phép thử quan hệ đồng minh Mỹ - châu Âu

VOV.VN - Hội nghị An ninh Munich lần này được đánh giá là “phép thử” cho quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump vừa trở lại nắm quyền tại Mỹ.

Từ ngày 14-16/2, Hội nghị An ninh Munich thường niên diễn ra tại Đức với sự tham gia của khoảng 60 nguyên thủ các nước cùng hàng trăm đại biểu là các chính trị gia, nhà lãnh đạo quân sự và chuyên gia. Tuy nhiên, khác với thông lệ là sự kiện thể hiện mối quan hệ truyền thống gắn bó giữa Mỹ và châu Âu, Hội nghị lần này đang được đánh giá là “phép thử” cho quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump vừa trở lại nắm quyền tại Mỹ.

Theo giới quan sát, đây sẽ là những khoảnh khắc “không thoải mái” với  châu Âu trước chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Donald Trump. Trong đó, xung đột Nga-Ukraine và một số vấn đề căng thẳng khác như việc ông Trump muốn giành quyền kiểm soát đảo Greenland của Đan Mạch, hay gây áp lực để các nước châu Âu tăng đóng góp chi tiêu quốc phòng..., sẽ phủ bóng và định hình các cuộc thảo luận.

Sự chuẩn bị của châu Âu trước bối cảnh mới

Trước những thay đổi gần đây từ phía Mỹ, châu Âu đã có một số phản ứng để thích nghi với tình cảnh mới này. Vài ngày sau khi ông Trump nhậm chức, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã gửi đi thông điệp rằng ông sẵn sàng cử lực lượng gìn giữ hòa bình của Anh đến Ukraine trong trường hợp ngừng bắn. Các đồng minh châu Âu khác cũng nói rằng họ sẵn sàng cho một kế hoạch như vậy. Phía Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nhấn mạnh không được tỏ ra yếu đuối và sẵn sàng tiếp tục ủng hộ Ukraine để đạt được sự tôn trọng từ phía Mỹ.

Dù vậy, giới chuyên gia đánh giá rằng công tác chuẩn bị từ phía lục địa già là chưa đủ. Theo họ, trước khi có thể tham gia hội nghị, các bên liên quan, đặc biệt là phía châu Âu và Ukraine, cần tái định nghĩa lại một số khái niệm và nhìn thẳng vào sự thật.

Đầu tiên, đó là khái niệm về “hòa bình”. Đến thời điểm hiện tại, viễn cảnh về một nền “hòa bình” của châu Âu và Ukraine đã khác hoàn toàn với phía Mỹ. Tuy chưa công bố một kế hoạch nào cụ thể nhưng Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần “ám chỉ” việc sẵn sàng đàm phán với phía Nga để có thể đi đến một lệnh ngừng bắn với bất cứ giá nào, mục tiêu của người đứng đầu “Nhà Trắng” là nhanh chóng kết thúc cuộc xung đột dai dẳng chuẩn bị kéo dài sang năm thứ 4.

Trong khi đó, dù một vài nước châu Âu đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ nhưng phần lớn Khối 27 và phía Ukraine vẫn đang hy vọng về một “chiến thắng” trên mặt quân sự, qua đó ép phía Nga ngồi vào bàn đàm phán và buộc phải thỏa hiệp.

Tuy nhiên trên thực tế, trong thời gian gần đây, phía Kiev liên tục phải hứng chịu các cuộc tấn công có phần áp đảo từ phía Moscow. Kể cả trong trường hợp không đề cập đến kết quả các cuộc giao tranh thì hiện quân đội Ukraine vẫn đang phải đối mặt với vấn đề thiếu thốn đạn dược, các thiết bị quân sự thiết yếu để có thể triển khai các lực lượng một cách toàn diện trên khắp các mặt trận. Thêm vào đó, những đồng minh chính của Kiev là EU hiện cũng trong tình trạng khó khăn khi không sản xuất đủ đạn dược để có thể cung cấp cho Ukraine và các quỹ hỗ trợ đều đang cạn kiệt.

Trước các tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng yêu cầu hoàn trả 500 tỷ USD hỗ trợ cho Ukraine, viễn cảnh về một đồng minh vững chắc và tin cậy cho cả châu Âu và Kiev đang dần sụp đổ.

Có lẽ sau 3 năm vừa qua, châu Âu và Ukraine đã phần nào thành công trong việc bảo vệ lập trường và các nguyên tắc của mình. Tình hình thực tại đã không còn “ủng hộ” cho điều đó nữa và đã đến lúc các bên cần cân nhắc tới một giải pháp “an toàn” trước khi mọi thứ dần đi xa hơn và nhấn chìm cả lục địa già vào các vòng xoáy khủng hoảng khác. Thắng hay thua đã không còn quan trọng với người dân châu Âu, ngay cả các nhà lãnh đạo Khối 27 cũng dần nhận ra rằng còn nhiều vấn đề quan trọng hơn cần xử lý. Đơn cử như xung đột ở Trung Đông hay cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, vấn đề sống còn cho tương lai là phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo…

Hội nghị An ninh Munich lần này có lẽ là bậc thang tốt không chỉ cho châu Âu mà cả Ukraine “xuống đài”, cả hai cùng lùi lại và tìm ra giải pháp mới lâu dài cũng như tối ưu hóa lợi ích cho các bên.

Cuộc gặp giữa các quan chức Mỹ và Tổng thống Ukraine

Phái đoàn Mỹ đến với Hội nghị An ninh lần này với mong muốn chia sẻ quan điểm của phía Washington dưới thời chính quyền mới, đó là quân đội Mỹ sẽ không được triển khai tới Ukraine sau bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào với Nga và loại trừ khả năng Kiev trở thành thành viên của NATO, đồng thời cũng mô tả hy vọng của Ukraine về việc quay trở lại biên giới trước năm 2014 với Nga là không thực tế.

Trong tuyên bố hôm thứ 4 (12/2), Tổng thống Trump nhấn mạnh mình và Tổng thống Nga Putin đã nhất trí trong một cuộc điện đàm rằng sẽ bắt đầu đàm phán “ngay lập tức” với Ukraine để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần ba năm.

Trước tình hình đó, các chuyên gia nhận định, cuộc gặp giữa phía Washington và Kiev sẽ tập trung vào 2 mục tiêu chính. Một là các điều khoản đàm phán để tiến tới một lệnh ngừng bắn sớm nhất, và sau đó việc tái thiết lập “hòa bình”.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu phía Ukraine có phải nhượng bộ để đạt được một thỏa thuận như vậy? Và trong trường hợp phía Ukraine nhượng bộ thì các giới hạn sẽ nằm ở đâu? Liệu Washington có đang cố gắng buộc Kiev phải từ bỏ những vùng lãnh thổ hiện đang dưới sự quản lý của Nga?

Theo ông Andrew Novo thuộc Chương trình Quốc phòng và An ninh xuyên Đại Tây Dương của Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu (CEPA), có sự khác biệt giữa “nhượng bộ trên danh nghĩa và sự nhượng bộ trên thực tế”. Khác với những năm 90 khi các nước Baltic có thể tự tìm lại chủ quyền, việc Kiev nhượng bộ cho phía Nga nhiều khả năng sẽ là “đường một chiều”. Ông Andrew cũng nhấn mạnh đây vẫn chỉ là các suy đoán mang tính chủ quan.

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng việc đảm bảo vấn đề an ninh cho Kiev sau khi đạt được các thỏa thuận vẫn là điều quan trọng hơn hết. Ai sẽ là người đứng ra gánh chịu trách nhiệm này hiện vẫn đang là dấu chấm hỏi.

Ngoài ra, phía Ukraine vẫn hy vọng về khả năng có thể cải thiện quan hệ với phía Mỹ qua lần gặp mặt này, qua đó làm thay đổi nhận thức của Chính quyền Tổng thống Trump về cuộc xung đột. Đến thời điểm hiện tại, ông Trump mới chỉ lên tiếng đòi lại số tiền viện trợ nhưng chưa tuyên bố sẽ dừng hỗ trợ cho Kiev. Trên thực tế, các chuyên gia châu Âu nói chung và phía Ukraine nói riêng đều đồng quan điểm rằng cơ hội cho việc tương tự là rất thấp bởi người dẫn đầu phái đoàn Mỹ, Phó Tổng thống Vance không phải là người có quyền quyết định.

Quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu

Trước những lời cảnh báo về việc áp thuế hay giành quyền kiểm soát một số lãnh thổ của các nước châu Âu từ phía Mỹ thì Hội nghị lần này vẫn còn nhiều điểm sáng cần quan tâm.

Trước hết, kể từ khi nhậm chức đến thời điểm hiện tại, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề châu Âu và NATO, cũng như về vị thế của châu Âu trong công cuộc ủng hộ Ukraine. Và trên thực tế, ông Trump cũng chưa đề cập đến vấn đề rút khỏi NATO hay ngừng viện trợ cho Ukraine. Ông có nhấn mạnh về vấn đề các nước đồng minh NATO cần tăng chi phí cho quốc phòng. 

Đây là một vấn đề mà nhiều nước châu Âu đang dần cố gắng thích nghi. Trong vài tháng trở lại đây, EU cũng liên tục kêu gọi các nước thành viên làm điều tương tự, nhất là trong bối cảnh lục địa già đang đứng trước nhiều nguy cơ mới. Các chuyên gia địa bàn nhận định ông Trump là người thực tế và có nguyên tắc, khi châu Âu làm tròn vai trò của mình trong việc tự bảo vệ bản thân, phía Mỹ sẽ sẵn sàng tiếp tục là đồng minh đáng tin cậy của lục địa già.

Ngoài ra, trước khi đến với Hội nghị, phía Washington đã tuyên bố sẽ không gửi quân đến Ukraine. Điều này ám chỉ phía châu Âu cần “tự lo” và nên chuẩn bị lực lượng duy trì hòa bình nếu có lệnh ngừng bắn ở Ukraine. Trong các tuyên bố mới đây, phía Pháp, Anh và Đức đều tỏ ra ủng hộ việc điều quân tới Kiev. Các chuyên gia cho rằng đây nhiều khả năng vừa là phép thử của ông Trump, vừa là đòn cân não để buộc lục địa già phải đi vào “khuôn khổ”, tức là tự đứng lên bảo vệ an toàn và quyền lợi của mình thay vì trông chờ vào một đồng minh xuyên Đại Tây Dương xa xôi như trong quá khứ.

Thời gian qua, các nước châu Âu vốn bày tỏ lo ngại về kịch bản Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đàm phán song phương với Tổng thống Nga Putin mà “bỏ qua” các đồng minh châu Âu và cả Ukraine. Vì thế, Hội nghị an ninh Munich lần này tại Đức là cơ hội để hai bên bày tỏ rõ hơn quan điểm, định vị lại mối quan hệ đồng minh Mỹ - châu Âu; cũng như tìm kiếm các giải pháp có thể chấp nhận được cho các hồ sơ nóng khu vực và thế giới.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Toàn cảnh quốc tế trưa 14/2: "Lá bài mặc cả" của Ukraine sắp bị "thiêu rụi"?
Toàn cảnh quốc tế trưa 14/2: "Lá bài mặc cả" của Ukraine sắp bị "thiêu rụi"?

VOV.VN - Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố đoạn video cho thấy đoàn xe hộ tống các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) bị tấn công gần nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye.

Toàn cảnh quốc tế trưa 14/2: "Lá bài mặc cả" của Ukraine sắp bị "thiêu rụi"?

Toàn cảnh quốc tế trưa 14/2: "Lá bài mặc cả" của Ukraine sắp bị "thiêu rụi"?

VOV.VN - Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố đoạn video cho thấy đoàn xe hộ tống các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) bị tấn công gần nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye.

Quốc tế ủng hộ nỗ lực chấm dứt xung đột tại Ukraine
Quốc tế ủng hộ nỗ lực chấm dứt xung đột tại Ukraine

VOV.VN - Các cuộc điện đàm riêng rẽ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội giúp chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine.

Quốc tế ủng hộ nỗ lực chấm dứt xung đột tại Ukraine

Quốc tế ủng hộ nỗ lực chấm dứt xung đột tại Ukraine

VOV.VN - Các cuộc điện đàm riêng rẽ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội giúp chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine.

Trung Quốc và Anh nối lại đối thoại chiến lược và bàn về vấn đề Ukraine
Trung Quốc và Anh nối lại đối thoại chiến lược và bàn về vấn đề Ukraine

VOV.VN - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Anh hôm qua (13/2) đã đồng tổ chức Đối thoại chiến lược Trung Quốc-Anh lần thứ 10 tại London, Anh. Hai bên cũng “trao đổi quan điểm sâu sắc” về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trung Quốc và Anh nối lại đối thoại chiến lược và bàn về vấn đề Ukraine

Trung Quốc và Anh nối lại đối thoại chiến lược và bàn về vấn đề Ukraine

VOV.VN - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Anh hôm qua (13/2) đã đồng tổ chức Đối thoại chiến lược Trung Quốc-Anh lần thứ 10 tại London, Anh. Hai bên cũng “trao đổi quan điểm sâu sắc” về cuộc khủng hoảng Ukraine.