Hội nghị thượng đỉnh G7 và "câu chuyện nóng" về Ukraine, Biển Đông

VOV.VN - Tất cả các nước G7 đều phản đối hành động đơn phương và nguy hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông.

Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Brussels (Bỉ), trong hai ngày 4-5/6, gồm các nước: Nhật Bản, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Mỹ. Hội nghị đã tập trung bàn thảo về vấn đề Ukraine; vấn đề giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga; và tuyên bố về tình hình Biển Đông. Ngoài ra G7 cũng thảo luận về vấn đề phối hợp hành động đảm bảo an ninh năng lượng, cải thiện cơ sở hạ tầng, đường trung chuyển, chuỗi cung ứng, vận tải và chống biến đổi khí hậu.

Định hướng giải quyết khủng hoảng Ukraine

Để tiến tới giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, các nhà lãnh đạo G7 đã đưa ra định hướng ba điểm: Ủng hộ chính quyền Kiev, tìm giải pháp thông qua đàm phán với Nga và gia tăng trừng phạt Nga nếu tình hình Ukraine bế tắc.

Hội nghị G7 2014 (ảnh: mashable)


Theo kế hoạch của EC, Hiệp định liên kết EU - Ukraine sẽ được ký vào ngày 27/6, đồng thời nhấn mạnh G7 và EU sẽ hỗ trợ Ukraine nhằm ổn định chính trị, kinh tế, tài chính tại quốc gia này. Theo đó, các khoản vay nhiều tỷ USD của IMF, EC, ECB và Mỹ có thể dần dần được giải ngân. Ngay trong cuộc gặp đầu tiên của Tổng thống Mỹ Obama với Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko, Mỹ đã cam kết hỗ trợ quân sự 5 triệu USD cho chính quyền Kiev.

Vấn đề đàm phán với Nga hiện vẫn chưa hé mở, ngoại trừ việc đổ lỗi cho Nga ủng hộ những người đòi liên bang hóa ở các tỉnh miền Đông và de dọa sẽ gia tăng trừng phạt Nga nhằm vào lĩnh vực kinh tế năng lượng. Tuy nhiên, theo giới phân tích Moscow khó lòng ngồi yên khi NATO đưa Hệ thống NMD đến sát đường biên giới của mình.

Một trong những trọng tâm mà G7 tập trung bàn thảo là vấn đề an ninh năng lượng. Bài toán khó này liên quan trực tiếp đến kinh tế EU trong mối quan hệ với Nga. Hiện Nga đang cung cấp hơn 30% lượng dầu mỏ và khí đốt cho châu Âu. Việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga về năng lượng đã được các nhà lãnh đạo châu Âu cam kết nhưng việc thực hiện cam kết thì khó hơn nhiều, có thể phải mất 5-7 năm.

Vì thế, qua nhiều đợt Mỹ và EU áp lệnh trừng phạt Nga, nhưng đến nay mới chỉ có 61 cá nhân và hai công ty của Nga (bao gồm cả Crimea) nằm trong danh sách bị cấm cấp thị thực và đóng băng tài sản. Trong khối EU đã có 9/28 quốc gia miễn cưỡng với lệnh trừng phạt Nga. Trong khi Nga khẳng định “Nga không theo đuổi các biện pháp trừng phạt, song những động thái thiếu thiện chí sẽ buộc Moscow có những phản ứng thích hợp”.

Giới phân tích cho rằng, sở dĩ có sự phân hóa trong nội bộ EU và các bước trừng phạt Nga là khá “khiêm tốn” là vì nếu trừng phạt kinh tế Nga thì “hai bên cùng thiệt”, bởi trong thời đại toàn cầu hóa, sự tùy thuộc lẫn nhau ngày càng lớn, nhất là quan hệ EU - Nga về năng lượng, thương mại và đầu tư.

Những ràng buộc về kinh tế, nhất là năng lượng, khiến dư luận đang kỳ vọng vào kết quả cuộc gặp song phương đang diễn ra giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với một số nhà lãnh đạo của EU như, Thủ tướng các nước Đức, Anh, Pháp và Mỹ nhân dịp kỷ niệm 70 ngày các nước Đồng minh mở màn chiến dịch đổ bộ lên bãi biển Normandy (6/6/1944), có thể đưa ra những bước đi mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai phía.

Phản đối Trung Quốc khiêu khích ở Biển Đông

Sau khi Mỹ cảnh báo Bắc Kinh về thái độ ngày càng quyết liệt trong tranh chấp chủ quyền của nước này, Hội nghị đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời kêu gọi các nước không sử dụng vũ lực mà giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế.

Tuyên bố của G7 nêu rõ: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước những căng thẳng tại Biển Đông và Hoa Đông”, “Chúng tôi phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải thông qua việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa, ép buộc”. G7 cũng kêu gọi tất cả các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp.

Được biết, sau vụ cắt cáp tàu Bình Minh của Việt Nam cuối năm 2012, tháng 3/2013 Trung Quốc bắn cháy tàu cá của Việt Nam, ngăn cản cư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trên ngư trường truyền thống; tháng 4/2013 xây dựng trái phép các công trình dịch vụ và đưa tàu du lịch đến hai quần đảo của Việt Nam; tháng 5/2013 Trung Quốc đã gây áp lực lên Philippines, tại bãi cạn Scarborough, từ đầu tháng 5/2014 đến nay Trung Quốc lại tiếp tục đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Năm ngoái, Trung Quốc đã gây căng thẳng với Nhật Bản và Hàn Quốc ở biển Hoa Đông bằng việc tuyên bố “vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ), sau sự kiện hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, không loại trừ khả năng Trung Quốc cũng sẽ tạo thêm áp lực mới ở Biển Đông bằng cái gọi là “vùng nhận dạng phòng không” theo đường “lưỡi bò”.

Trung Quốc còn hiện đại hóa các lực lượng Hải cảnh, Hải giám nhằm nâng cao khả năng giám sát ở khu vực Biển Đông. Để hộ tống cho giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc đã sử dụng tới 139 tàu, bao gồm cả tàu chiến có tên lửa để uy hiếp lực lượng chấp pháp và ngư dân của Việt Nam.

Đó là những bước đi nhằm thực hiện chiến lược “sai lầm” của Trung Quốc với tham vọng biến Trung Quốc trở thành “cường quốc hải dương” - giấc mơ “phục hưng Trung Hoa” trong tương lai, vì thế Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, đơn phương đòi “chủ quyền” của mình trên các vùng biển của nước khác và vùng tranh chấp.

Sau tuyên bố của Hội nghị G7, ngày 5/6  người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã phản ứng “quyết liệt” nhưng “vụng về”, vì chẳng có lập luận nào được gọi là bằng chứng “đanh thép”. Trung Quốc nói một đường: “kiên định duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, Hoa Đông”; bảo vệ “nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”; “hy vọng không có sự bất ổn ở Biển Đông và Hoa Đông”; yêu cầu “đàm phán trực tiếp với từng bên liên quan” ở Biển Đông, hy vọng các nước ngoài Biển Đông không “kích động căng thẳng, gia tăng đối đầu và làm phức tạp thêm tình hình khu vực”… nhưng lại làm một nẻo như dư luận đang chứng kiến (hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên