Hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ: Canh bạc của EU?
VOV.VN -Hội nghị Thượng đỉnh EU – Thổ Nhĩ Kỳ (7/3) được cho là một cách giải quyết gánh nặng nhập cư, song đồng thời nó cũng là canh bạc với EU.
Hội nghị Thượng đỉnh EU – Thổ Nhĩ Kỳ là một đợt sát hạch lại những tiến triển đạt được trong việc ngăn chặn người nhập cư như bản thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ. Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh các nước Châu Âu muốn giảm áp lực di cư khỏi Hy Lạp –quốc gia tiền tuyến của EU vốn vẫn đang ngập chìm trong một cuộc khủng hoảng khác là kinh tế và các khoản nợ công.
Ảnh hưởng của “nhân tố” Thổ Nhĩ Kỳ
Cuộc họp này có tên gọi là thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ nhưng nội dung của nó không phải chỉ có các quan hệ và cam kết giữa EU với Thỗ Nhĩ Kỳ mà là về toàn bộ sách lược đối phó với khủng hoảng tị nạn của Liên minh châu Âu. Tất nhiên, trong cuộc chiến này thì “nhân tố” Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng nhất, thậm chí mang tính quyết định.
Hội nghị thượng đỉnh EU- Thổ Nhĩ Kỳ tại Brussels, Bỉ (ảnh: Reuters) |
Về cơ bản thì các cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ không khác nhiều so với thỏa thuận ký vào tháng 11/2015. Tức là, EU sẽ chi tiền để Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường các biện pháp kiểm soát người tị nạn rời khỏi đất nước này, cụ thể là vượt biển chạy sang Hy Lạp. Số tiền vào khoảng 3 tỷ euro, kèm theo đó là vô số các trợ giúp kỹ thuật khác. Tuy nhiên, từ tháng 11/2015 đến nay, thỏa thuận này gần như nằm im trên giấy tờ, chưa có động thái nào được thực hiện từ cả hai phía.
Ankara chê trách EU đã quá chậm chạp trong việc giải ngân số tiền hứa hỗ trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc gặp thượng đỉnh tại Brussels hôm qua là dịp cuối cùng để hai bên chốt lại tất cả các cam kết và bắt tay ngay vào thực hiện. Ankara không chỉ muốn 3 tỷ euro mà còn muốn nhiều hơn, tầm 3 tỷ euro nữa từ nay cho đến năm 2018.
Trong 4 tháng an binh bất động vừa qua, mỗi tuần EU phải tiếp nhận 25-30.000 người tị nạn tràn vào châu Âu mà đa số trong số này là vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ lên đất Hy Lạp hoặc đi theo ngả Balkan. Và một trong những thông báo quan trọng nhất mà EU đưa ra trong cuộc họp thượng đỉnh này với Thổ Nhĩ Kỳ chính là việc đóng cửa “con đường Balkan”, nghĩa là biên giới giữa Hy Lạp với các nước Balkan.
Hợp tác đã từng thiếu hiệu quả
Việc đóng cửa con đường Balkan được xem là biện pháp hữu hiệu nhằm đối phó với lượng người đổ về Trung và Tây Âu nhưng như thế cũng đồng nghĩa với việc nó dồn mọi sức ép về dân tị nạn lên vai chính phủ Hy Lạp. Khi biên giới với Hy Lạp với các nước khác như Macedonia hay Bulgaria bị đóng, dòng người tị nạn sẽ bị kẹt lại trên đất Hy Lạp và tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo thực sự. Chính vì lí do này mà từ nhiều tháng qua, đã có những mâu thuẫn gay gắt giữa Athens và Brussels.
Chính phủ Hy Lạp thậm chí đã đe dọa sẽ phong tỏa mọi quyết định quan trọng của Liên minh châu Âu nếu Brussels không giúp đỡ nước này giải tỏa lượng người tị nạn khủng khiếp đổ về nước này mỗi ngày. Vì vậy, ngoài vấn đề EU chậm giải ngân tiền hỗ trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ thì một trong những lí do khiến kế hoạch phong tỏa “con đường Balkan” của EU gặp trở ngại chính là sự phản đối của Hy Lạp.
Người di cư tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Macedonia ngày 6-3. (ảnh: Reuters) |
Chỉ khi nào nội bộ EU thống nhất thì khi đó các hành động của Liên minh này ra bên ngoài mới thực sự đem lại hiệu quả. Và EU cũng đã lường được điều này nên một trong những thỏa thuận quan trọng nhất mà EU đưa ra trong cuộc họp hôm qua là việc đưa người tị nạn đang trên đất Hy Lạp trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Liệu châu Âu có giải pháp thay thế Thổ Nhĩ Kỳ?
Trước cuộc họp Thượng đỉnh, châu Âu cho biết họ sẽ dùng đến lực lượng quân đội của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) để tuần tra và kiểm soát các vùng biển ngoại vi của Liên minh châu Âu, đặc biệt là vùng biển giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một trong những biện pháp mà châu Âu hy vọng có thể chặn đứng làn sóng tị nạn đang ồ ạt đổ về châu lục này. Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào, châu Âu vẫn cần đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện tại trên đất Thổ có đến gần 4 triệu người tị nạn Syria và chỉ cần chính quyền Ankara thả lỏng, số người này sẽ ngay lập tức tìm mọi cách tràn sang châu Âu, tạo nên một cuộc khủng hoảng nhân đạo khủng khiếp. Không có sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu sẽ không thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Chính vì thế, dù biết là phụ thuộc và phải chịu nhiều nhân nhượng với Ankara, EU vẫn phải làm bởi hiện tại dư luận các nước châu Âu đã gần như sắp không chịu đựng được khủng hoảng tị nạn.
Còn về lâu dài và gốc rễ của mọi vấn đề, châu Âu cần tích cực, thông qua các biện pháp ngoại giao, quân sự… để giải quyết dứt điểm vấn đề Syria. Chỉ khi đó thì mới có hy vọng chấm dứt làn sóng tị nạn khủng khiếp như hiện nay.
Bất chấp còn quá nhiều khác biệt tồn tại giữa hai bên, cả Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cần phải hợp tác để đối phó với cuộc khủng hoảng di cư. Bởi mỗi bên đều vẫn tìm thấy lợi ích của mình trong mối quan hệ này. Nhưng nó được xem là một canh bạc với EU bởi nguy cơ EU thua thiệt sẽ nhiều hơn nếu giải pháp cho vấn đề nhập cư gặp trở ngại. Chưa thể có gì đảm bảo chỉ một thỏa thuận này là đủ để giúp châu Âu ngăn chặn thành công dòng người nhập cư và rất có thể khoản tiền 3 tỷ euro mà EU dành cho Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị lãng phí./.