Israel sẽ hối hận vì “bật đèn xanh” cho quân đội Syria tiến vào Deraa?
VOV.VN - Khi chiến sự ở Deraa, Tây Nam Syria dần ngã ngũ với kết quả nghiêng về quân chính phủ, Israel đang lo ngại Tổng thống Assad tiến quân về biên giới.
Israel đang phải chuẩn bị cho viễn cảnh lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad triển khai đến những vị trí mà họ từng nắm quyền kiểm soát trước chiến tranh, vốn được xác định bằng đường chia tách mà Israel và Syria đã nhất trí trong thỏa thuận năm 1974 để chính thức chấm dứt cuộc chiến Yom Kippur.
Sau khi giành lại Deraa, Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ phải quyết định sẽ tấn công lực lượng IS ở ngã ba biên giới Syria – Jordan – Israel hay tấn công khu vực do phe nổi dậy kiểm soát thuộc lãnh thổ Syria trên Cao nguyên Golan. (Ảnh minh họa: SANA) |
Được sự yểm trợ của các lực lượng Nga đang di chuyển về phía cửa khẩu Naseed giữa Syria và Jordan, các đơn vị cảnh sát Nga đã vào vị trí ở khu vực này và một phần của thị trấn Daraa, thủ phủ của tỉnh miền Nam Daraa.
Các lực lượng nổi dậy Syria đã bắt đầu giao nộp vũ khí hạng nặng cho quân đội chính phủ. Và nếu không có bất cứ diễn biến mới bất thường nào thì Tổng thống Assad có thể tuyên bố phần Đông Deraa đã hoàn toàn “nằm trong lòng bàn tay” của ông.
Phần Tây Deraa thì đang chờ câu trả lời của một số nhóm vũ trang địa phương về thỏa thuận ngừng bắn nhưng quyết định cũng sẽ được đưa ra trong vòng vài ngày tới.
Trong khi đó, các trận đánh cục bộ vẫn chờ đợi quân đội Syria ở phần phía Tây Daraa và dọc biên giới với Jordan lên đến tận vùng lòng chảo Sông Yarrmouk, nơi các tay súng Mặt trận Nusra (Nusra Front) và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang chiếm đóng.
Hồi hộp về sự lựa chọn của ông Assad
Thỏa thuận ngừng bắn đã tạo cơ sở cho chính phủ Syria triển khai quân đội đến miền Nam, hoàn tất mục tiêu của ông Assad là kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria. Thỏa thuận này cũng giống với những thỏa thuận trước đó giữa chính quyền với lực lượng người Kurd và với người Druze thiếu số ở miền Nam Syria.
Hình ảnh Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn chưa xuất hiện trở lại ở làng Druze trên Cao nguyên Golan nhưng dường như điều đó chỉ còn là vấn đề thời gian. Miền Nam Syria đang chuẩn bị cho sự trở lại của chính quyền Tổng thống Assad. Còn Israel, dù ít hay nhiều, dường như cũng đang phải dần quen với ý niệm về một kết quả đã được báo trước, đó là việc lực lượng trung thành với ông Assad giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực dọc biên giới với nước này.
“Chuyện đến đây là hết” – một quan chức quốc phòng cấp cao của Israel chia sẻ với trang tin Haaretz của Israel. Chỉ huy quân khu miền Bắc của Lực lượng quốc phòng Israel (IDF) nhận định rằng cuộc tổng tiến công cuối cùng của Syria ở mặt trận phía Nam sẽ diễn ra trong vòng vài tuần nữa, khi ông Assad ra lệnh.
Ủng hộ Tổng thống Syria Assad duy trì quyền lực: Israel mưu tính gì?
Israel có lẽ đã hơi bất ngờ về chiến dịch của chính phủ Syria tấn công Deraa, cách biên giới trên Cao nguyên Golan chỉ 60km về phía Bắc. Bởi vì Tổng thống Assad phải dựa vào yểm trợ của không quân Nga và Israel đã tiên lượng sai lầm rằng, Tổng thống Putin không muốn chiến sự ở Syria phủ bóng đen lên World Cup đang diễn ra ở Nga.
Chỉ huy quân khu miền Bắc của IDF cho rằng, nếu quân đội của ông Assad cứ tiến công theo đà này thì khi World Cup kết thúc vào ngày 15/7, Nga và Syria có thể giành lại quyền kiểm soát miền Nam trong vòng vài tuần. Deraa là mục tiêu chính và cùng với đó là cửa khẩu biên giới với Jordan.
Sau Deraa, ông Assad sẽ phải quyết định có tấn công lực lượng IS ở ngã ba biên giới Syria – Jordan – Israel hay không. Hiện có khoảng 80.000 dân thường đang sống dưới “bàn tay sắt” của 1.000 – 2.000 tay súng IS ở đây.
Nhưng rất có thể quân đội của ông Assad sẽ tấn công khu vực do phe nổi dậy kiểm soát thuộc lãnh thổ Syria trên Cao nguyên Golan, trong đó có hàng loạt thị trấn chỉ cách biên giới với Israel 20km.
Lựa chọn nào cũng sẽ đưa quân đội của ông Assad áp sát lãnh thổ Israel.
Israel kiên quyết yêu cầu quân đội Syria không được vượt qua đường chia tách mà 2 bên đã nhất trí trong thỏa thuận chính thức kết thúc cuộc chiến Yom Kippur năm 1974. Nhưng nếu không làm như vậy thì Syria sẽ không thể “diệt tận tốc” các nhóm phiến quân đang bám rễ trên Cao nguyên Golan. Do đó, Israel, Syria và Nga sẽ phải tìm một giải pháp nào đó để quân đội Syria không vượt qua ranh giới trên mà vẫn loại bỏ được các nhóm phiến quân.
Có một khả năng xảy ra là Israel yêu cầu phiến quân rời khỏi Cao nguyên Golan để đổi lấy cam kết của Nga và Syria là sẽ không gây tổn hại cho họ.
Một phương án khác là Israel đồng ý để cho lực lượng cảnh sát hỗn hợp Nga – Syria thiết lập hành lang an toàn cho phiến quân và người tị nạn đang đổ về Golan để trốn chạy giao tranh ở Deraa.
Tuy nhiên, Israel ít quan ngại về sự hiện diện của quân đội chính phủ Syria sát biên giới với nước này hơn là điều sẽ xảy ra sau đó, hoặc ai sẽ đến Cao nguyên Golan cùng với lực lượng của ông Assad?
Ảnh: Xót xa cảnh khốn cùng của những người Syria chạy loạn khỏi Deraa
“Bài toán” Iran và “ẩn số” Nga
Israel bị cho là bên đã “bật đèn xanh” để quân đội trung thành với ông Assad tiến vào miền Nam Syria sau các cuộc đàm phán giữa chỉ huy lực lượng cảnh sát Nga, đại diện chính phủ Nga, Jordan và Israel. Điều này dựa trên 1 cam kết của Nga là di rời lực lượng Iran khỏi khu vực này về vị trí ban đầu cách biên giới Jordan 40km.
Nhưng theo nhiều nguồn tin từ Syria, Nga chỉ giữ một phần cam kết của nước này với Jordan và Israel, theo đó lực lượng Iran và Hezbollah sẽ không tham gia vào cuộc chiến ở Daraa. Các tay súng Hezbollah và một vài sỹ quan Iran đã bị bắt gặp ở khu vực giao tranh nhưng nhìn chung lực lượng được triển khai chiến đấu ở Daraa chỉ có quân chính phủ Syria và Nga.
Các cuộc đàm phán khác về việc lực lượng của Iran được tiến vào sâu đến đâu trên Cao Nguyên Golan sẽ diễn ra tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 10/7, 6 ngày trước cuộc gặp Thượng đỉnh Nga – Mỹ, trong đó ông Putin và ông Donald Trump dự kiến thảo luận về cả vấn đề hạt nhân Iran lẫn tình hình ở Syria.
Thế nhưng, bên cạnh việc triển khai lực lượng ở Cao nguyên Golan, Nga sẽ phải thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi miền Bắc Syria. Ankara đã chiếm khu vực này trong chiến dịch ngăn cản lực lượng người Kurd kiểm soát phần lãnh thổ Syria tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga cũng sẽ phải cố gắng đưa ra một công thức cho việc sơ tán quân đội Mỹ, mà một vài trong số này đang đóng quân ở Bắc Syria còn số khác ở ngã ba biên giới Syria – Jorrdan – Iraq, song song với việc sơ tán quân đội Iran.
Viễn cảnh đó giờ khó có thể xảy ra vì Iran không có ý định rút toàn bộ lực lượng khỏi Syria, ít nhất là theo tuyên bố mới đây từ Tehran.
Lập trường này của Iran cũng được sự ủng hộ của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người cho rằng thật phi thực tế khi yêu cầu rút toàn bộ lực lượng Iran khỏi Syria. Điều này đối lập với tuyên bố trước đó, trong đó có cả bình luận của Tổng thống Putin, rằng tất cả các lực lượng nước ngoài phải rời khỏi Syria.
Một trong những câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu ông Putin có ràng buộc chuyện Iran rút quân khỏi Syria với vấn đề thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran với nhóm P5+1 (gốm 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) đang trên bờ vực đổ bể hay không.
Nói theo cách của Mỹ thì là liệu Tổng thống Donald Trump có đồng ý mềm mỏng quan điểm về thỏa thuận hạt nhân Iran để đổi lấy việc Tehran thoái lui ở Syria?
Hoàn cảnh hiện nay đặt ra một bài toán phức tạp cho Israel khi mà nước này phải quyết định đâu mới là mối nguy rõ ràng hơn: thỏa thuận hạt nhân Iran được cứu vãn hay việc lực lượng Iran tiếp tục hiện diện trên lãnh thổ Syria?
Hiện giờ thì đó mới chỉ là một câu hỏi về mặt lý thuyết nhưng có lẽ chỉ hơn 1 tuần nữa, khi diễn ra cuộc gặp Thượng đỉnh Nga – Mỹ ngày 16/7, Israel sẽ phải đối mặt với một “tuần trăng mật” mới trong quan hệ giữa 2 cường quốc đứng đầu thế giới. Và khi đó, Israel sẽ buộc phải tìm một chiến lược thay thế./. Nga chớp thời cơ tấn công mặt trận Tây Nam Syria nhân lúc Mỹ lơ là