Không còn công cụ quân sự, Mỹ vẫn có đòn bẩy để gây sức ép với Taliban
VOV.VN - Mặc dù dù thiếu vắng các công cụ quân sự sau khi Tổng thống Biden quyết định rút hết binh sỹ ở Afghanistan về nước, nhưng Mỹ vẫn có nhiều đòn bẩy để gây sức ép với Taliban.
Đàm phán và tiếp xúc thường xuyên
Trong bối cảnh Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán ngoại giao cấp cao với Taliban tại Doha, Qatar, thì trên đường phố hỗn loạn tại thủ đô Kabul, các chỉ huy quân đội Mỹ cũng liên lạc thường xuyên với các tay súng Taliban để đảm bảo an ninh xung quanh sân bay quốc tế.
Chỉ huy hàng đầu của Mỹ tại Afghanistan, ông Peter Vasely hiện đang dẫn đầu nỗ lực đàm phán với người đồng cấp Taliban để duy trì an ninh tại sân bay Kabul và đảm bảo an toàn cho cả người Mỹ lẫn người Afghanistan sơ tán. Cho đến thời điểm hiện tại, các cuộc đàm phán đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Quân đội Mỹ cho biết, những chuyến bay chở người di tản đã cất cánh thành công. Tuy vậy, Đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan cảnh báo rằng, họ không thể đảm bảo hành lang an toàn cho những người Mỹ đang cố gắng tìm đường đến sân bay do tình trạng bạo lực.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết, mặc dù Mỹ có một số kênh tiếp xúc với Taliban, các quan chức nước này vẫn chưa rõ cơ cấu tổ chức, cấp bậc cũng như lĩnh vực phụ trách trong bộ máy điều hành của Taliban.
“Bộ máy điều hành của Taliban vẫn chưa hoàn hảo” và đó là lý do tại sao một số thỏa thuận do các thủ lĩnh của lực lượng này đàm phán có thể không được truyền đạt đầy đủ, rõ ràng cho các chiến binh trên đường phố, một nhà ngoại giao trong khu vực nhận xét.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Afghanistan John Bass, cũng đã được điều động đến Kabul để giúp lập lại trật tự xung quanh sân bay và tạo điều kiện thuận lợi cho các công dân Mỹ muốn đến đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Khi bị các nhà lập pháp chất vấn về lý do tại sao các lực lượng Mỹ không thể ra ngoài vành đai sân bay để đón công dân của nước này, các quan chức Bộ Quốc phòng cho biết, họ không thể mạo hiểm ra ngoài sân bay ở Kabul vì Taliban đã thiết lập các trạm kiểm soát xung quanh thành phố 6 triệu dân này và bên ngoài khu vực sân bay. Điều đó được ngầm hiểu là, Taliban sẽ cho phép Mỹ tiếp tục các hoạt động sơ tán mà không gây cản trở tại sân bay, với điều kiện các lực lượng Mỹ không tràn vào thành phố và can thiệp vào sự điều hành của Taliban, CNN lưu ý.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby ngày 19/8 cho biết: “Mỹ không có kế hoạch mở rộng sự hiện diện quân sự ở khu vực ngoài sân bay và các chỉ huy Taliban cũng không muốn tiếp cận sân bay. Taliban biết rõ tại sao chúng tôi ở đó và những công việc chúng tôi đang làm. Đó giống như một hình thức giao thiệp gián tiếp với họ”.
Kéo dài thời gian
Một câu hỏi quan trọng xuyên suốt các cuộc đàm phán là lịch trình về sự hiện diện của Mỹ tại Afghanistan sẽ ra sao và liệu chính quyền Tổng thống có kế hoạch duy trì binh sỹ ở đây sau ngày 31/8 hay không.
Trong cuộc phỏng vấn với ABC, Tổng thống Biden đã trả lời rằng “có” khi được hỏi liệu ông có cam kết duy trì quân đội tại Afghanistan cho đến khi tất cả công dân Mỹ được sơ tán hay không. Tuy vậy, vẫn còn câu hỏi bỏ ngỏ về việc Taliban sẽ chấp nhận cho Mỹ hiện diện tại sân bay quốc tế ở Kabul trong bao lâu.
Phát biểu với báo chí, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết, Washington đang đàm phán với Taliban về thời gian các lực lượng Mỹ có thể ở lại, song không cung cấp thêm chi tiết.
Tuy vậy, Mỹ vẫn còn một số con bài mặc cả dù thiếu vắng các công cụ quân sự. Một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ nói với CNN rằng, các bước đi của Bộ Tài chính nhằm đóng băng các quỹ trị giá hàng tỷ USD của Afghanistan tại các ngân hàng của Mỹ, cũng như ngăn quốc gia này tiếp cận với tài sản của Quỹ tiền tệ Quốc tế đóng vai trò quan trọng nhằm buộc Taliban phải hợp tác trong quá trình sơ tán công dân tại sân bay Kabul.
“Đó chắc chắn là đòn bẩy”, quan chức này khẳng định. Ngoài ra, một số vấn đề khác như sự công nhận chính thức của cộng đồng quốc tế đối với Taliban hay việc cung cấp viện trợ nhân đạo - cũng là những đòn bẩy tiềm năng của Mỹ và các đồng minh.
Câu hỏi về chính phủ tương lai của Afghanistan
Hiện vẫn còn nhiều câu hỏi liên quan đến các cuộc đàm phán về việc thành lập một chính phủ tương lai của Afghanistan. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, vẫn chưa có quá trình chuyển giao quyền lực tại quốc gia này và bộ này cũng không nêu rõ Mỹ sẽ công nhận ai là lãnh đạo kế tiếp của Afghanistan sau khi Tổng thống Ashraf Ghani bị lật đổ.
Đặc phái viên Mỹ tại Afghanistan Zalmay Khalilzad vẫn ở Doha (Qatar) nhưng “phần lớn thành viên trong phái đoàn đàm phán của Taliban đã rời Doha và trở về Afghanistan”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 19/8 cho biết.
“Chúng tôi vẫn tiếp tục liên lạc với các đại diện của Taliban qua các cuộc điện đàm hoặc tiếp xúc trực tiếp, cũng như các đại diện của chính phủ Afghanistan”, ông Ned Price lưu ý.
CNN dẫn một số nguồn tin cho biết, cựu Tổng thống Hamid Karzai đang đóng vai trò tích cực trong các cuộc đàm phán, gặp gỡ các quan chức Taliban và Chủ tịch Hội đồng Cấp cao về Hòa giải Dân tộc Afghanistan, ông Abdullah Abdullah - một nhân vật chủ chốt trong cuộc đàm phán Doha.
Ông Hamid Karzai vẫn ở Kabul dù Tổng thống bị lật đổ Ashraf Ghani đã rời đất nước và lánh nạn tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sau khi Taliban chiếm được Kabul. Ông Karzai và Abdullah đã gặp gỡ các thủ lĩnh cấp cao của mạng lưới Haqqani – một nhánh của Taliban tham gia đàm phán với Mỹ. Mạng lưới Haqqani đã bị chính phủ Mỹ chỉ định là tổ chức khủng bố nước ngoài vào năm 2012 và được cho là vẫn duy trì quan hệ với al Qaeda.
Trong thông báo đăng tải trên Twitter, ông Abdullah cho biết, hai bên đã “trao đổi quan điểm về tình hình an ninh ở Kabul nói riêng và trên khắp Afghanistan nói chung, cũng như sự thống nhất và hợp tác vì tương lai của đất nước”.
Một số nguồn tin cho biết, Taliban đang tham vấn với các thành viên chính quyền cũ của Afghanistan về việc thành lập một chính phủ "hòa hợp". Lực lượng này hiện đang cố gắng tạo ra sự cân bằng, một mặt tiếp tục trọng dụng các chiến binh trong nước dù nhiều người trong số này có quan điểm rất cứng rắn, mặt khác xem xét cất nhắc một số nhân vật trong chính quyền cũ, bởi Taliban hiểu rằng nếu muốn được quốc tế công nhận họ phải xây dựng một chính phủ đa dạng và bao trùm.
Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết, Mỹ và các đồng minh phường Tây đã thể hiện ý định thực hiện bước đi chung về việc có nên công nhận Taliban hay không, một phần để tối đa hóa đòn bẩy của các nước này với Taliban trên mọi mặt trận.
“Điều quan trọng nhất là bất cứ sự công nhận nào đối với chính phủ mới của Afghanistan cần phải dựa trên cơ sở đa phương chứ không phải cơ sở đơn phương. Chúng tôi muốn thấy sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế về một giải pháp chính trị cho Afghanistan và tránh một thảm họa nhân đạo”, nhà ngoại giao này nhấn mạnh./.