Kỳ họp Đại Hội đồng LHQ khóa 74: Diễn đàn công kích giữa Mỹ và Iran
VOV.VN-Căng thẳng Mỹ-Iran là vấn đề nóng tại kỳ họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 74 khi 2 bên sẽ tận dụng diễn đàn này như 1 "sàn đấu" để công kích lẫn nhau.
Kỳ họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 74 hôm nay (24/9) chính thức bắt đầu phiên thảo luận chung cấp cao ở New York, Mỹ. Một trong những vấn đề làm nóng chương trình nghị sự của tuần họp đó là căng thẳng giữa Mỹ và Iran, với việc hai bên sẽ tận dụng diễn đàn này như một “sàn đấu” để công kích lẫn nhau. Mặc dù vậy, với thiện chí theo đuổi giải pháp hòa bình của cả hai bên khiến dư luận vẫn không từ bỏ hi vọng cho cơ hội ngoại giao sẽ thắng thế.
Căng thẳng Mỹ-Iran là vấn đề nóng tại kỳ họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 74 khi 2 bên sẽ tận dụng diễn đàn này như 1 "sàn đấu" để công kích lẫn nhau. Ảnh: Reuters |
Mỹ và Iran dự kiến trình bày tầm nhìn đối lập về an ninh Trung Đông tại cuộc họp với bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến diễn ra hôm nay và Tổng thống Iran Hassan Rouhani một ngày sau đó. Tiếp tục cuộc chiến ngôn từ trong mấy ngày qua, Tổng thống Iran Rouhani hôm 23/9 không tiếc lời chỉ trích Mỹ, khi cho rằng vụ tấn công cơ sở dầu của Saudi Arabia đang được sử dụng như một cái cớ của Mỹ muốn "chinh phục Trung Đông”.
Nhà lãnh đạo Iran cũng gọi các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ cho thấy sự “tuyệt vọng” trong chiến dịch gia tăng sức ép lên Iran. Ông Rouhani cho biết sẽ trình bày một kế hoạch an ninh cho vùng Vịnh trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc vào ngày mai, cho rằng tình hình tại Vịnh Persian rất nhạy cảm và cảnh báo sự can thiệp của các thế lực bên ngoài vào khu vực.
“Iran sẽ thúc đẩy một liên minh với tên gọi “ Liên minh vì hòa bình”. Tất cả các nước ven biển Vịnh Persian và khu vực Hormuz sẽ được mời vào liên minh này để đảm bảo an toàn cho khu vực”-ông Rouhani nói.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ đề cập vấn đề Iran trong bài phát biểu, với khẳng định quốc gia Hồi giáo này đang chịu sức ép hơn bao giờ hết do các biện pháp trừng phạt kinh tế: “Chúng ta đã gia tăng sức ép lớn hơn bao giờ hết nhằm vào Iran. Mọi thứ sẽ thay đổi và các diễn biến cũng sẽ khác so với những gì mà truyền thông biết. Tôi sẽ đề cập đến điều này vào ngày mai”.
Chiến dịch gia tăng sức ép lên Iran của Mỹ đã nhận được sự ủng hộ của các cường quốc châu Âu, khi Anh, Đức và Pháp ra tuyên bố ủng hộ cáo buộc của Mỹ đổ lỗi cho Iran trong vụ tấn công vào các cơ sở dầu của Saudi Arabia.
Bất chấp cuộc chiến ngôn từ đang leo thang giữa Mỹ và Iran nhưng các bên vẫn hy vọng vào xu hướng ngoại giao sẽ thắng thế. Ba nước châu Âu hôm qua (23/9) hối thúc Iran nhất trí các cuộc đối thoại mới với các cường quốc về chương trình hạt nhân và tên lửa, cùng những vấn đề an ninh khu vực.
Đặc phái viên Mỹ về Iran Brian Hook hôm qua tuyên bố, Iran đã vượt qua biên giới, xâm phạm chủ quyền của nước khác với vụ tấn công vào Saudi Arabia. Tuy nhiên Mỹ vẫn đang tìm kiếm các giải pháp ngoại giao và các nỗ lực đa phương. Cùng ngày, Tổng thống Donald Trump khẳng định không có ý định gặp Tổng thống Iran bên lề cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, nhưng vẫn không quên úp mở khả năng “ông là một người linh hoạt” và “không có kế hoạch không có nghĩa là sẽ không xảy ra”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Zarif cũng khẳng định, cành ô liu vẫn luôn ở trên bàn. Tổng thống Rouhani sẵn sàng gặp gỡ nhà lãnh đạo Mỹ trong tuần này, miễn là Tổng thống Trump sẵn sàng dỡ bỏ trừng phạt để đổi lại các cơ chế giám sát vĩnh viễn cơ sở hạt nhân Iran.
Một cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước “cựu thù” này luôn là điều dư luận chờ đợi. Tuy nhiên, như Ngoại trưởng Iran Zarif hôm qua khẳng định, một cuộc gặp phải có lí do và kết quả, chứ không đơn thuần chỉ là cái bắt tay. Lập trường và điều kiện đặt ra giữa Mỹ và Iran hiện nay đã phủ bóng hy vọng về đột phá ngoại giao tại tuần họp Liên Hợp Quốc tuần này./.
600 cuộc họp và 1 thế giới xung đột: Bài toán khó của Đại Hội đồng LHQ