Liên minh chống IS- làm sao để biến cam kết thành hành động?
VOV.VN -Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen kêu gọi hành động quân sự, gọi IS là "một nhóm khủng bố không thể thương lượng".
Ngày 15/9 máy bay chiến đấu Mỹ lần đầu tiên đã thực hiện cuộc không kích nhằm vào Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở gần Baghdad.
Hành động này xảy ra chưa đầy một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố trên truyền hình quốc gia một chiến lược chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), trong đó bao gồm cả các cuộc không kích ở Syria và mở rộng các hoạt động không kích ở Iraq để "tiêu diệt" quân đội thánh chiến tàn bạo.
Các cuộc tấn công đã phá hủy 6 phương tiện vận tải xe của lực lượng IS gần Sinjar và một đơn vị chiến đấu ở Tây Nam thủ đô Baghdad.
Tính đến nay, Mỹ đã thực hiện 162 cuộc không kích nhằm vào IS ở Iraq.
Tấn công IS với mọi phương tiện
Cũng trong ngày 15/9, Hội nghị Quốc tế về hòa bình và an ninh cho Iraq đã được tổ chức tại thủ đô Paris của Pháp. Hội nghị đã quy tụ đại diện của khoảng 30 quốc gia và tổ chức quốc tế, trong đó có ngoại trưởng của 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ và ngoại trưởng các nước châu Âu.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh IS đã mở rộng hoạt động trong khu vực rộng lớn của Iraq và Syria, thực hiện các cuộc hành quyết dã man và cưỡng bức cải đạo.
Cuộc chặt đầu công dân người Anh cuối tuần qua là vụ hành quyết man rợ thứ 3 đối với công dân phương Tây, đã đẩy lên cao trào cuộc chiến chống lại những kẻ thánh chiến, những kẻ tuyên bố thành lập một caliphate và đã có khoảng 31.500 chiến binh tham gia, AFP dẫn số liệu của CIA.
Tại Hội nghị hòa bình và an ninh cho Iraq, trong một tuyên bố chung, các nhà ngoại giao tuyên bố sẽ hỗ trợ Baghdad "với bất kỳ phương tiện nào cần thiết, bao gồm cả viện trợ quân sự thích hợp, phù hợp với luật pháp quốc tế và không gây nguy hiểm cho an ninh dân sự".
Các nhà ngoại giao nhấn mạnh rằng Nhà nước Hồi giáo cực đoan IS là “mối đe dọa không chỉ đối với Iraq mà còn cho toàn bộ cộng đồng quốc tế” và nhấn mạnh “nhu cầu cấp bách” phải loại bỏ lực lượng này ra khỏi Iraq, đất nước mà chúng đã kiểm soát 40% lãnh thổ.
Tuyên bố Paris không đề cập đến Syria, nơi IS cũng chiếm giữ một phần tư lãnh thổ.
Tuy nhiên ông nói thêm rằng Tổng thống Obama đã nói rõ rằng "ông sẽ săn lùng IS ở bất cứ nơi nào, kể cả Syria".
Một quan chức cấp cao của Mỹ giấu tên cảnh báo rằng quân đội Mỹ sẽ tập trung vào các hệ thống phòng không của Syria nếu hệ thống này nhắm tới các máy bay Mỹ tiến hành không kích Syria chống IS.
IS- Không có cơ hội để thương lượng
Ngay trước thềm Hội nghị hòa vình và an ninh tại Paris, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp công bố rằng Paris hợp tác với Anh thực hiện các chuyến bay trinh sát nhằm hỗ trợ chiến dịch không kích của Mỹ.
Ngay sau đó, hai máy bay chiến đấu Rafale của Pháp cất cánh từ căn cứ Al-Dhafra ở Các tiểu vương quốc Arab (UAE).
Và tại Brussels, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã kêu gọi hành động quân sự, gọi IS là "một nhóm khủng bố không thể thương lượng".
Hội nghị Paris là sự kiện mới nhất trong một loạt các nỗ lực ngoại giao nhằm xây dựng một liên minh toàn cầu chống lại IS.
Đến nay đã có gần 40 quốc gia, trong đó có 10 nước Arab, đã tham gia vào liên minh này. Australia rất tích cực ủng hộ kế hoạch của Mỹ. Thủ tướng Australia Abbot cho biết IS không chỉ là mối đe dọa với quốc tế mà ngay cả với nước này. Ngày 14/9, Thủ tướng Abbot đã tuyên bố sẽ điều 600 quân nhân đến UAE trong vài ngày tới để hỗ trợ các cuộc không kích ở Iraq.
Tuy nhiên, một số nước được cho là ủng hộ một cách dè dặt, tránh đưa ra những cam kết cụ thể đối với các chiến dịch quân sự của Mỹ như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan (Thổ Nhĩ Kỳ dè dặt do lo ngại IS mở rộng tấn công sang lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ và sát hại 49 nhân viên ngoại giao nước này đang bị IS giữ).
10 quốc gia Arab tham gia liên minh gồm 6 nước Vùng Vịnh cùng với Ai Cập, Jordan, Iraq và Lebanon tuyên bố tham gia Liên minh Quốc tế chống IS, trong đó Saudi Arabia được đánh giá là nước có bước đi mạnh mẽ nhất khi chấp thuận cho Mỹ mở trại huấn luyện các tay súng đối lập Syria ôn hòa trên lãnh thổ của mình.
Iran mặc dù cứ binh lính đến chống lại IS ở Iraq nhưng cho rằng liên minh của Mỹ là “định hướng sai” vì có sự tham gia của các nước Arab có dòng Hồi giáo Sunni (đối thủ của Iran ở khu vực). Trong khi Iran và Syria đều ngỏ ý sẵn sàng tham gia cuộc chiến chống nhóm IS thì Washington lại tuyên bố không hợp tác với 2 nước này. Giới quan sát khu vực nói rằng, cuộc chiến chống nhóm IS sẽ khó lòng đạt được kết quả mong muốn nếu Syria và Iran bị gạt sang một bên./.