Mục tiêu chuyến thăm Mỹ đầu tiên của tân Thủ tướng Israel Naftali Bennet
VOV.VN - Sau một thời gian ổn định nội các, tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett bắt đầu hoạt động ngoại giao đầu tiên với chuyến công du Mỹ và gặp Tổng thống Joe Biden trong ngày 26/8.
“Cài đặt lại quan hệ với Mỹ”
Thủ tướng Israel, Naftali Bennett đã tới Mỹ vào sáng 25/8, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông ra nước ngoài kể từ khi nhậm chức. Dự kiến ông sẽ có các gặp với các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ, bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, trước khi có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Joe Biden trong ngày 26/8 (theo giờ Mỹ).
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Israel với Iran gia tăng, sau vụ tấn công nhằm vào một tàu thương mại của Israel tại vùng Vịnh hồi đầu tháng 8/2021 khiến 2 thủy thủ đoàn thiệt mạng, trong đó Israel và Mỹ cáo buộc Iran đứng sau vụ việc. Bên cạnh đó, Israel cũng đang phải đối phó với sự leo thang các hành động bạo lực ở khu vực biên giới phía nam với Dải Gaza.
Trước thềm chuyến thăm, Thủ tướng Israel đã gọi Tổng thống Mỹ, Joe Biden là một người bạn thực sự của nước này. Ông khẳng định chuyến thăm mang “tinh thần hợp tác mới” giữa chính phủ mới của Israel và chính phủ mới của Mỹ, dựa trên mối quan hệ đồng minh đặc biệt và lâu dài giữa hai nước. Thủ tướng Israel tiết lộ ưu tiên hàng đầu trong chuyến thăm sẽ bàn về chương trình hạt nhân của Iran, việc duy trì lợi thế quân sự của Israel ở Trung Đông, hợp tác đối phó với đại dịch Covid-19 và các vấn đề kinh tế, phát triển công nghệ cao và chống biến đổi khí hậu.
Có thể thấy, một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong chuyến thăm của Thủ tướng Israel là nhằm thiết lập lại quan hệ với đồng minh quan trọng nhất, cụ thể là hàn gắn mối quan hệ với nhà lãnh đạo hàng đầu của đảng Dân chủ tại Mỹ. Mối quan hệ này đã trở nên căng thẳng dưới thời cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu, người luôn công khai ủng hộ đảng Cộng hòa, đồng thời chỉ trích gay gắt thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và nhóm các cường quốc P5+1 dưới thời cựu Tổng thống Dân chủ, Barack Obama mà lúc đó ông Joe Biden là Phó Tổng thống. Chính quyền mới của Israel đã nhiều lần bày tỏ cam kết sẽ sửa chữa những sai lầm đã phạm phải trong quan hệ với Mỹ một vài năm qua.
Việc hàn gắn quan hệ với Mỹ trong bối cảnh hiện nay giúp Israel đạt được một số mục đích: Thứ nhất, khẳng định mối quan hệ đồng minh truyền thống chặt chẽ giữa hai nước và Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Israel đối đầu với các thách thức hiện nay như chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Iran, đại dịch Covid-19. Qua đó góp phần trấn an dư luận trong nước Israel về việc Mỹ sẽ tiếp tục cam kết vững chắc đảm bảo an ninh cho nước này, gạt bỏ mối lo ngại về việc Mỹ rút lui khỏi khu vực như những gì đang diễn ra tại Afghanistan hay Iraq, khiến các đồng minh rơi vào tình trạng khó xử.
Thứ hai, chuyến thăm sẽ góp phần nâng cao uy tín của chính phủ liên minh mới tại Israel và cá nhân Thủ tướng Naftali Bennett sau 2,5 tháng cầm quyền, trong bối cảnh người dân Israel đang nghi ngờ năng lực lãnh đạo của ông trước tình hình y tế xấu đi do các ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh trở lại và cái bóng quá lớn của người lãnh đạo tiền nhiệm.
Những bất đồng về thỏa thuận hạt nhân Iran
Các tuyên bố mà phía Israel đưa ra trước chuyến thăm cho thấy ưu tiên hàng đầu trong hội đàm giữa Thủ tướng Naftali Bennett và Tổng thống Joe Biden sẽ tập trung vào Iran, đặc biệt sau khi Iran tuyên bố về những bước phát triển nhảy vọt trong 2-3 năm qua về chương trình hạt nhân của mình.
Tương tự như người tiền nhiệm Netanyahu, Thủ tướng Bennett cũng phản đối các nỗ lực của Mỹ trong việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Tuy nhiên, việc ông Netanyahu công khai đối đầu với chính quyền Obama khi Mỹ đạt được thỏa thuận hạt nhân đã khiến các đảng viên Dân chủ tức giận. Trong khi đó, cách tiếp cận của Thủ tướng Bennett đối với thỏa thuận hạt nhân Iran có thể sẽ ưu tiên đối thoại và lắng nghe, tránh làm gia tăng căng thẳng với Mỹ.
Trước chuyến đi này, một nguồn tin ngoại giao cấp cao của Israel đã nói rằng, Thủ tướng Bennett không còn tin tưởng việc Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 là điều nên làm. Ông Bennett sẽ lập luận rằng chương trình hạt nhân của Iran đã tiến quá xa so với các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân 2015, nên việc quay trở lại thỏa thuận sẽ không có bất kỳ giá trị đặc biệt nào. Quay trở lại thỏa thuận hạt nhân sẽ là một sai lầm, bởi việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ cho phép Iran có nguồn tài chính lớn để gia tăng ảnh hưởng trong khu vực, tương tự kịch bản đã xảy ra vào năm 2015.
Truyền thông Israel tiết lộ, Thủ tướng Bennett sẽ trình bày một kế hoạch chính trị - chiến lược mới để đối phó với Iran trong cuộc hội đàm với Tổng thống Joe Biden, khác với chính sách mà các chính phủ Israel trước đây đã áp dụng. Kế hoạch này dựa trên giả định rằng Mỹ sẽ không quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, mà sẽ phối hợp cùng Israel và các đối thủ khác của Iran tại khu vực để đánh giá một cách toàn diện thách thức từ chương trình hạt nhân của Iran và cùng nhau hành động để chống lại thách thức này.
Xung đột Israel-Palestine
Theo những thông tin từ báo chí khu vực, có thể thấy vấn đề Palestine không phải trọng tâm trong chương trình nghị sự lần này. Điều này cũng phù hợp với nhận định chung của giới quan sát khu vực, cho rằng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo sẽ không đi vào các cuộc thảo luận cụ thể, mà sẽ tập trung tạo dựng mối quan hệ gần gũi và phá vỡ tảng băng ngăn cách mà cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tạo ra với đảng Dân chủ ở Mỹ.
Trở lại với vấn đề Palestine từng là nguyên nhân gây ra bất đồng lớn giữa Thủ tướng Netanyahu với các thành viên đảng Dân chủ tại Quốc hội năm 2020, khi ông dự định sáp nhập các phần lãnh thổ của Bờ Tây theo các điều khoản của một thỏa thuận hòa bình do chính quyền Donald Trump đưa ra, nhưng bị người Palestine từ chối. Các nghị sỹ đảng Dân chủ khi đó đã cảnh báo hành động này sẽ gây tổn hại cho quan hệ Mỹ-Israel.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Bennett hiện đang dẫn đầu một liên minh gồm 8 đảng phái khác biệt về mặt ý thức hệ, bao gồm cả các đảng có quan điểm ôn hòa và cứng rắn. Vì vậy ông thường né tránh trả lời các câu hỏi trực tiếp về vấn đề Palestine.
Tuy nhiên, trước thềm chuyến thăm, ông Bennett đã có những tuyên bố thể hiện lập trường cứng rắn trong vấn đề này. Ông phản đối việc thành lập một nhà nước Palestine và từ chối tham gia đàm phán với Chính quyền Palestine, đồng thời khẳng định tiếp tục mở rộng khu định cư ở bờ Tây.
Về phần mình, Tổng thống Joe Biden nhiều khả năng sẽ không cố tìm cách thúc đẩy chính phủ Israel khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình với Palestine, bởi nhận thức được sự mong manh của liên minh cầm quyền hiện nay tại Israel. Mỹ có thể sẽ tập trung để thay đổi cách tiếp cận mang tính thiên vị rõ rệt của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đối với Israel./.