Mỹ cảnh báo Israel về đàm phán hạt nhân với Iran
VOV.VN - Mỹ sẽ khó bảo vệ Israel trước nguy cơ bị quốc tế cô lập nếu các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran do Mỹ đứng đầu thất bại.
Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra tuyên bố trên trong một cuộc phỏng vấn được phát đi đêm 2/3.
Trả lời phỏng vấn chương trình “Bloomberg View”, ông Obama cho biết ông sẽ gây sức ép để Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho mình thêm thời gian cần thiết nhằm thử thách việc Iran sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.
Israel bị gây sức ép
Ông nhấn mạnh ông sẽ làm điều này bất chấp việc nhà lãnh đạo Israel đã bày tỏ nghi ngờ về nỗ lực ngoại giao của phương Tây với Tehran.
Tổng thống Mỹ cũng cho biết thêm rằng “cánh cửa về một thỏa thuận hòa bình với Israel đang khép lại” và ông kêu gọi ông Netanyahu hãy “nhân cơ hội này” chấp thuận một thỏa thuận khung do Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đưa ra nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình.
Tổng thống Obama và Thủ tướng Netanyahu tại một cuộc gặp tháng 10/2013 (Ảnh Reuters) |
Ông Obama nhấn mạnh, thông điệp của ông gửi tới ông Netanyahu trong cuộc gặp tại Nhà Trắng trong ngày hôm nay (3/3) sẽ là: “Nếu không phải bây giờ thì là bao giờ? Và nếu không phải ông Thủ tướng, thì sẽ là ai”?
Tổng thống Obama cảnh báo, nếu các cuộc đàm phán hòa bình thất bại và Israel vẫn theo đuổi việc mở rộng khu định cư Do Thái thông qua việc chiếm các vùng đất tại Bờ Tây thì Washington sẽ khó có khả năng bảo vệ Israel trước sức ép quốc tế.
Mặc dù không nêu rõ những sức ép nói trên, ông Obama cho biết Palestine đã đe dọa đưa vụ việc trên lên tòa án quốc tế nhằm chống lại Israel.
“Tôi tin rằng nếu Israel không thể thông qua thỏa thuận hòa bình mà vẫn tiếp tục việc xây dựng các khu định cư và nếu người dân Palestine tin rằng việc thành lập một nhà nước Palestine không còn nằm trong tay họ nữa thì Mỹ sẽ rất khó để bảo đảm rằng quốc tế không tẩy chay Israel”, ông Obama tuyên bố.
Mỹ tự tin thuyết phục được Iran
Ông Obama cũng nhắc lại quan điểm của mình rằng ông sẽ chống lại bất kỳ động thái nào của Quốc hội Mỹ nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt tiếp theo đối với Iran trong khi nước này đang đàm phán với Washington và các quốc gia khác.
“Tôi cần phải nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải để mọi việc diễn ra theo đúng trình tự của nó. Hãy để chúng ta xem liệu Iran có thể đảm bảo với chúng ta rằng chương trình hạt nhân của họ là vì mục đích hòa bình”, ông Obama tuyên bố.
Hình ảnh bên trong nhà máy hạt nhân Arak (Ảnh: Reuters) |
Ông cũng nói rằng các lệnh trừng phạt mới sẽ làm trệch hướng ngoại giao của Mỹ và khẳng định: “Bạn sẽ không khai hỏa ngay tại nơi diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình”.
Tuy nhiên ông Obama không động chạm gì đến điểm chính trong sự bất đồng giữa Mỹ và Israel khi ông Netanyahu yêu cầu Iran buộc phải từ bỏ tất cả số lượng hạt nhân đã được làm giàu của mình.
Ngược lại, Tổng thống Mỹ cho biết Iran có thể được cho phép giữ lại một số lượng nhỏ hạt nhân để phục vụ cho một chương trình hạt nhân dân sự của mình.
Ông Obama khẳng định rằng, không như ông Netanyahu tuyên bố, những lệnh trừng phạt với Iran hiện giờ là quá đủ.
Tổng thống Mỹ cũng tự tin cho rằng Tehran đã bị thuyết phục rằng ông đã tính đến mọi biện pháp trừng phạt, bao gồm cả tiến hành can thiệp quân sự, trong trường hợp các nỗ lực ngoại giao thất bại và Iran vẫn phát triển vũ khí hạt nhân.
“Tôi biết họ sẽ nghiêm túc xem xét việc này”, ông Obama nói.
Phản hồi của Israel
Cuộc phỏng vấn của ông Obama được Bộ trưởng các Vấn đề Chiến lược của Israel Yuval Steinitz, một quan chức thân cận với ông Netanyahu và sẽ tháp tùng ông này đến Mỹ, không mấy mặn mà đón nhận.
“Tôi không thích nhận định của ông Obama. Tôi không nghĩ rằng có lý do gì để Mỹ gây sức ép với Israel”, ông Steinitz phát biểu với Đài phát thanh Quân đội Israel.
“Theo tôi ông Netanyahu sẽ trả lời rõ ràng rằng: Chúng tôi luôn hướng tới hòa bình. Chúng tôi muốn tiến tới một thỏa thuận ngoại giao. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cần phải lo ngại cho an ninh quốc gia của mình”, ông Steinitz khẳng định.
Ông Steinitz cho biết tiến trình đàm phán ngoại giao hiện nay sẽ đẩy Iran “đến ngưỡng cửa” để trở thành một quốc gia hạt nhân bởi nước này đã có những nền tảng cơ sở hạ tầng cần thiết để chế tạo bom hạt nhân một sớm một chiều./.