Mỹ có nguy cơ trắng tay nếu Ukraine phản công bất thành
VOV.VN - Khi Ukraine phát động cuộc phản công lớn chống lại Nga, phương Tây kỳ vọng các lực lượng Kiev sẽ sớm giành thắng lợi và nhanh chóng lấy lại những vùng lãnh thổ đã mất. Nếu Ukraine không đạt được mục tiêu đề ra thì điều này sẽ đặt Mỹ và các đồng minh châu Âu vào tình huống khó xử.
Rủi ro đối với chính quyền Biden
Phát biểu với báo chí tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết: “Với số lượng vũ khí trị giá hàng tỷ USD mà phương Tây cung cấp cho Ukraine, chúng tôi hy họng họ sẽ thành công vượt trội”, song ông lưu ý, hầu hết mọi người nên có cái nhìn thực tế về cuộc phản công mà Kiev đang thực hiện.
Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, kịch bản lý tưởng nhất là Ukraine sử dụng xe tăng theo tiêu chuẩn NATO để cắt đứt “cây cầu đất liền” của Nga nối giữa miền Đông và miền Nam Ukraine, hoặc kiểm soát các cửa ngõ trên bộ và trên biển tới Bán đảo Crimea. Những bước tiến như vậy sẽ phá vỡ thế bế tắc trên chiến trường và dập tắt mọi lời kêu gọi chính quyền Biden xem xét lại chính sách viện trợ Ukraine.
Mỹ chưa cho biết điều gì sẽ tạo nên thành công của Ukraine khi xuyên phá hệ thống phòng thủ đáng gờm của Mỹ, nhưng rủi ro với chính quyền Tổng thống Biden sẽ rất lớn nếu Ukraine thất bại.
Khi chiến dịch tái tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024 đến gần, Tổng thống Biden cần Ukraine giành được chiến thắng lớn trên chiến trường để chứng tỏ sự ủng hộ của ông dành cho Kiev là đúng đắn. Điều này cũng sẽ giúp chính quyền Biden củng cố chính sách đối ngoại, thu hút sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ và chứng minh sức mạnh quân sự của nước này.
Phát biểu trong cuộc gặp Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại Washington tuần trước, ông Biden cho biết: “Tôi muốn mọi người hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi không hỗ trợ Ukraine? Các bạn có nghĩ Nga sẽ chỉ dừng lại ở Ukraine hay không? Tôi nghĩ là không”. Ông Biden cũng cảnh báo, Trung Quốc – một đối tác thân cận với Nga cũng đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến xảy ra.
Tại Washington, có nhiều ý kiến cho rằng, việc Mỹ cung cấp hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine là quá nhiều trong bối cảnh kinh tế nước này đang rơi vào bất ổn. Những người khác chỉ trích việc Washington chậm chuyển giao vũ khí và từ chối cung cấp tên lửa tầm xa cũng như máy bay chiến đấu hiện đại cho Kiev đã khiến Ukraine thiếu công cụ cần thiết để giành chiến thắng. Bất kể nỗ lực viện trợ của Mỹ ra sao, chắc chắn những lời chỉ trích sẽ ngày càng gay gắt hơn nếu Ukraine không giành được những vùng lãnh thổ quan trọng trong những tuần tới.
Hiện kho vũ khí của Mỹ và đồng minh đang dần cạn kiệt và vấn đề này được cho là đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh mối đe dọa của Nga và Trung Quốc ngày càng gia tăng, Washington Post lưu ý. Nhiều chuyên gia quốc phòng cho rằng, nỗ lực viện trợ cho Ukraine đã phơi bày những lỗ hổng trong ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ và châu Âu, đáng chú ý là vấn đề thiết hụt lao động và chuỗi cung ứng.
Dù Mỹ đã tích cực sửa đổi chính sách mua sắm vũ khí của Bộ Quốc phòng vào năm 2020, nhưng trong một đánh giá mới đây, Văn phòng Kiểm định Chính phủ Mỹ (GAO) cho biết nước này tiếp tục đối mặt với những thách thức trong việc nhanh chóng phát triển vũ khí thế hệ mới và đáp ứng nhu cầu quân sự.
Cuộc phản công khó đoán của Ukraine
Nếu Ukraine chỉ đạt được những lợi ích hạn chế thì điều đó sẽ khiến phương Tây gia tăng áp lực buộc nước này phải đàm phán với Nga về một thỏa thuận không có lợi cho Kiev.
Ukraine muốn giành lại toàn bộ lãnh thổ bị mất trong đó có bán đảo Crimea, khu vực ly khai miền đông, cùng những khu vực khác mà Nga dã kiểm soát kể từ khi xung đột nổ ra. Chính quyền Tổng thống Ukraine Zelensky cũng muốn tìm kiếm tư cách thành viên đầy đủ trong NATO để ngăn chặn các mối đe dọa của Nga trong tương lai.
Những diễn biến trên thực địa thời gian tới sẽ đè nặng lên vai các nhà lãnh đạo phương Tây tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra vào tháng 7/2023 tại Vilnius, Litva. Mặc dù ủng hộ Ukraine bảo vệ lãnh thổ, nhưng chính phủ phương Tây có quan điểm khác nhau về nguyện vọng gia nhập NATO của Kiev.
Ở giai đoạn đầu xung đột, viện trợ an ninh mà Mỹ và châu Âu cung cấp cho Ukraine chủ yếu được sử dụng cho mục đích phòng thủ. Ukraine đã sử dụng những vũ khí nhỏ và vũ khí phòng thủ tầm ngắn để ngăn quân đội Nga chiếm thủ đô Kiev.
Khi Moscow tập hợp lại lực lượng và tập trung vào các mục tiêu ở phía đông và phía nam, mở rộng khu vực kiểm soát thành một mặt trận vững chắc dài gần 1.000km tại Ukraine, phương Tây cuối cùng đã gửi pháo hạng nặng và tên lửa có độ chính xác cao để ngăn chặn bước tiến của Nga. Nhưng thời gian chưa bao giờ đứng về phía Kiev. Trong suốt 16 tháng qua, quân đội nước này đã phải nỗ lực rất nhiều để chiến đấu với một đối thủ vượt trội hơn về binh lực và vật lực.
Cuộc phản công của Ukraine hiện đang ở giai đoạn đầu. Vẫn chưa rõ liệu các cuộc tấn công rải rác của Ukraine, chủ yếu ở phía Đông và phía Nam có báo hiệu đây là hướng tấn công chính hay chỉ là chiêu bài đánh lạc hướng sự chú ý của Moscow. Nhiệm vụ cấp bách của Ukraine hiện giờ là tăng cường tấn công và xuyên phá hệ thống phòng thủ của Nga.
Thành bại của đợt phản công được quyết định bởi mức độ tiến quân qua tuyến phòng thủ cũng như việc Ukraine có bao nhiêu quân dự bị để tiến lên phía trước. Nhưng Kiev đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn do vũ khí cải tiến và sự đổi mới chiến thuật của Nga./.