Mỹ - EU trừng phạt Nga: Trung Quốc 'đắc lợi'?
VOV.VN -Cuộc chiến trả đũa leo thang giữa Nga- Mỹ và EU đang có nguy cơ kéo tụt đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu một cách khó lường
Mỹ và phương Tây đã triển khai mở rộng lệnh trừng phạt đối với Nga, nhắm vào các lĩnh vực: ngành năng lượng, ngân hàng và quốc phòng của Nga.Đây là những biện pháp trừng phạt quốc tế mạnh mẽ đối với Nga với những lý do cáo buộc Nga ủng hộ lực lượng đối lập Ukraine, gây nên cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này. Với những biện pháp trừng phạt này, các bên liên quan chịu ảnh hưởng như thế nào?Ai sẽ là “ngư ông đắc lợi” trong cuộc chiến này?
Nga đối mặt với thách thức về tài chính ngân hàng
Theo tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ, các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào 3 ngân hàng của Nga gồm Ngân hàng Moscow (Bank of Moscow), Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Russian Agricultural Bank) và Ngân hàng VTB. Công ty đóng tàu United Shipbuilding Corp. ở thành phố St. Peterburg cũng nằm trong danh sách trừng phạt.Với lệnh trừng phạt này, ba ngân hàng của Nga sẽ không được phép nhận các khoản tài trợ trung hạn và dài hạn mới tại Mỹ.
Ngoài ra, EU còn ban hành lệnh cấm về xuất khẩu hoặc nhập khẩu vũ khí từ Nga.Các nước thành viên EU cần phải có sự phê chuẩn của khối nếu muốn xuất khẩu thiết bị liên quan tới năng lượng. Các giấy phép xuất khẩu cũng bị từ chối nếu các mặt hàng sản xuất phục vụ việc thăm dò và sản xuất dầu khí nước sâu, thăm dò hoặc sản xuất dầu khí ở Bắc Cực và các dự án đá dầu tại Nga.
>> Xem thêm: Nga- Mỹ, EU leo thang trả đũa kinh tế: “Máu” đôi bên đều chảy
Trang Tin tức Kinh tế Đức (Deutsche Wirtschafts Nachrichten) cho biết, mới đây các ngân hàng Gazprombank và Rosselkhozbank, ngân hàng lớn thứ ba và thứ năm của Nga, đã đề nghị nhà nước trợ giúp gần 4 tỉ USD. Các ngân hàng này bị loại trừ khỏi các thị trường tài chính phương Tây trong tháng 7.
Cuối tháng 7, Ngân hàng Trung ương Nga đã hứa hẹn, nếu cần thiết sẽ giúp đỡ các ngân hàng bị trừng phạt, sau khi EU và Mỹ ban hành các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất cho tới nay kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Ukraine. Những người đóng thuế Nga sẽ phải chịu thiệt hại của các ngân hàng do lệnh trừng phạt gây ra.
Các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây đương nhiên sẽ gây tổn hại tới kinh tế Nga, song nền kinh tế này vẫn đủ lớn để đứng vững, không phải “đầu hàng” trước những sức ép của Mỹ và phương Tây. Không những thế, ngày 7/8, Nga đã công bố các biện pháp trả đũa phương Tây bằng một quy định cấm nhập khẩu một loạt các mặt hàng thực phẩm thịt, cá, rau quả và sữa từ châu Âu, Mỹ, Canada, Australia và Na Uy trong thời hạn 1 năm.
Ngoài ra, Nga còn có thể thực hiện các biện pháp khác như đóng băng các tài khoản của Nga ở nước ngoài, hoặc ngừng cung cấp năng lượng cho châu Âu.Theo ước tính, riêng với quy định cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm (ban hành ngày 7/8 và có thời hạn 1 năm), các nhà sản xuất nông sản và thực phẩm châu Âu sẽ mất khoảng 12 tỷ euro.
Lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây- gậy ông đập lưng ông
Nga đã nhiều lần cảnh báo các lệnh trừng phạt sẽ có tác dụng “gậy ông đập lưng ông”. Tổng thống Putin ngày 6/8 đã ban hành một sắc lệnhvề việc áp dụng các biện pháp trả đũa kinh tế đối với phương Tây, theo đó có các biện pháp “chính xác” nhằm bảo vệ được lợi ích của các công ty và người tiêu dùng. Đồng thời, Nga sẽ dần dần thay thế các phụ tùng nhập khẩu để sản xuất vũ khí bằng sản xuất trong nước.Nga cũng đe dọa các lệnh trừng phạt sẽ khiến giá năng lượng tại châu Âu gia tăng.
Ngày 5/8, tỷ giá của đồng Euro so với đồng đôla đã giảm xuống mức thấp nhất từ trước tới nay do thị trường ngoại hối lo ngại về sự đối đầu với Nga, nhà cung cấp năng lượng lớn nhất và là đối tác thương mại lớn nhất của châu Âu.Bản thân các công ty dầu khí của Mỹ như Exxon sẽ mất các hợp đồng khai thác tại thềm lục địa của Nga.
>> Xem thêm: Lệnh trừng phạt Nga- con dao 2 lưỡi của EU và Mỹ
Theo trang Tin tức Kinh tế Đức, các bang ở miền Đông nước Đức, vốn có nhiều quan hệ làm ăn với Nga, dự kiến sẽ chịu nhiều thua thiệt. Các công ty hạng vừa ở bang Thueringen ước tính xuất khẩu sẽ giảm tới 10%. Giới kinh tế bang này cảnh báo việc đánh giá thấp hoặc coi nhẹ tác động của cuộc chiến tranh thương mại mới với Nga ở miền Đông nước Đức.
Giám đốc điều hành Phòng Công Thương bang Thueringen Gerald Grusser cảnh báo thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều so với gần 400 triệu Euro của bang này xuất khẩu sang Nga, vì nó gây hiệu ứng domino, gây thiệt hại tới mạng lưới toàn cầu.
Liên quan tới lệnh trừng phạt đối với Nga, Chính phủ Đức đã quyết định buộc tập đoàn vũ khí Rheinmetall ngừng xuất khẩu một Chương trình huấn luyện tác chiến đã ký kết với Nga. Với quyết định này, tập đoàn Rheinmetall ước tính doanh thu trong năm nay sẽ chỉ còn 4,6 tới 4,7 tỉ Euro so với dự tính 4,8 tới 4,9 tỉ Euro trước đó. Lợi nhuận trước thuế giảm tới 30 triệu Euro và giá cổ phiếu của Rheinmetall tụt xuống tới 8%.Tập đoàn này để ngỏ khả năng kiện Chính phủ Đức ra tòa để đòi bồi thường.
Trong khi đó, Chính phủ Nga cũng đe dọa kiện tập đoàn Rheinmetall ra tòa để đòi bồi thường phá vỡ hợp đồng.
Mặt khác, Nga đã tìm cách phòng ngừa rủi ro kinh tế bằng cách phát triển quan hệ với Trung Quốc.Các biện pháp trừng phạt chống Nga chỉ khiến 2 cường quốc mới nổi này xích lại gần nhau hơn.
Trung Quốc- “ngư ông đắc lợi”
Việc Mỹ và phương Tây áp dụng lệnh trừng phạt mới đối với Nga có thể mang lại cơ hội mà Trung Quốc đã chờ đợi từ lâu, đó là tiếp cận mạnh mẽ hơn nữa thị trường Nga, nhất là các lĩnh vực chủ chốt như dầu khí và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Về dầu khí, các công ty của Mỹ như National Oilwell Varco và Haliburton sẽ mất nhiều hợp đồng ‘béo bở” với Nga, thậm chí bị cấm tham gia vào thị trường dầu mỏ với trữ lượng trị giá 8,2 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc có thể cung cấp dịch vụ với chất lượng tương đương nhưng giá thành thấp hơn nhiều so với các công ty của Mỹ và châu Âu.
Trước thời điểm có các lệnh trừng phạt này, ngày 21/5 tại Thượng Hải, trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Putin, Nga và Trung Quốc đã nhất trí về một hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn sau nhiều năm thương thuyết. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc Wu Xinxiong đã ký một bản ghi nhớ liên chính phủ về sự nhất trí trong lĩnh vực phân phối khí đốt thông qua tuyến vận chuyển phía đông.
Ông Zhong Weiping, Tổng Giám đốc công ty cung cấp thiết bị và dịch vụ dầu khí hàng đầu Trung Quốc Jereh cho rằng “Thị trường dầu mỏ quốc tế sẽ thay đổi do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Hiện các tập đoàn của Nga như Gazprom, Rosneft và Surgut đang tích cực liên hệ với các công ty Trung Quốc”.
Về tài chính, các ngân hàng của Trung Quốc sẽ có cơ hội đẩy mạnh hợp tác với Nga khi các ngân hàng phương Tây bị đứng ngoài cuộc. Các ngân hàng ở Hongkong cho biết sẵn sàng phục vụ các khách hàng Nga nếu các ngân hàng Mỹ không tiếp các khách hàng này.
Không những thế, các công ty Trung Quốc còn có cơ hội tham gia vào xây dựng đường sá, nhất là đường bộ cao tốc và đường sắt cao tốc.Mới đây Trung Quốc cho biết sẽ tham gia xây dựng cầu nối giữa vùng Crimea với Nga.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vừa thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cuộc chiến trả đũa leo thang giữa Nga- Mỹ và EU như hiện nay lại có nguy cơ kéo tụt đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu một cách khó lường./.