Mỹ loại Trung Quốc khỏi hội nghị quân sự mới
VOV.VN - Dù thế nào vẫn có những dè chừng nhất định từ phía Mỹ, như vốn dĩ như vậy trước đây.
Đầu tuần vừa qua, truyền thông đưa tin về việc Thủy quân lục chiến Mỹ tập hợp các tư lệnh nước ngoài thuộc các lực lượng đổ bộ bằng đường biển (chủ yếu ở châu Á-Thái Bình Dương) tham dự vào một hội nghị mới về tích hợp các chiến dịch đổ bộ đường biển mà không có sự tham gia của Trung Quốc.
Theo Thủy quân lục chiến Mỹ, mục tiêu hội nghị này là tìm hiểu thêm về các hoạt động đổ bộ đường biển có ích cho nhiều mục đích như trợ giúp nhân đạo, phóng chiếu sức mạnh, và phòng thủ lãnh thổ.
Hội nghị PALS dự kiến có các nội dung như trao đổi theo nhóm, tập trận dựa trên kịch bản, và theo dõi Culebra Koa 15 - một cuộc tập trận chung về đổ bộ đường biển ở Hawaii.
Theo Thủy quân lục chiến Mỹ có rất nhiều nước và lãnh thổ gửi đại diện tham gia vào sự kiện này, đó là Australia, Bangladesh, Campuchia, Canada, Chile, Columbia, Pháp, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Maldives, Mexico, New Zealand, Peru, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Đài Loan, Thái Lan, Tonga, Anh quốc và Việt Nam.
Các nước Ấn Độ, Brazil và Đông Timore được mời tham dự nhưng không thể tham gia được.
Sự chú ý của dư luận quốc tế được đổ dồn lên một nước không được mời đó là Trung Quốc.
Diễn biến mới này diễn ra trong bối cảnh có một số thông tin cho rằng chính phủ Mỹ đang xem xét việc rút lại lời mời Bắc Kinh tham dự các cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2016.
Tuy nhiên sẽ là vội vàng nếu cho rằng đây là dấu hiệu phản ánh sự thù địch của Washington đối với Bắc Kinh.
Thứ nhất, quan hệ quốc phòng giữa 2 nước bị khống chế bởi luật. Đạo luật Thẩm quyền Quốc phòng quy định rõ 12 lĩnh vực mà liên lạc quốc phòng giữa 2 nước bị cấm do tạo ra nguy cơ an ninh quốc gia.
Thứ 2, việc đưa Trung Quốc tham gia vào các cuộc tập trận do Mỹ dẫn đầu thường là một quá trình dần dần và có những điều chỉnh cần thiết. Chẳng hạn việc Trung Quốc tham gia vào RIMPAC mới chỉ giới hạn trong khuôn khổ trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai cũng như tìm kiếm cứu nạn. Trung Quốc tham gia vào cuộc tập trận Hổ mang bành 2014 cũng theo kiểu như vậy.
Trong khi đó PALS mới ra mắt vào năm 2015 và sẽ là quá sớm nếu đưa Bắc Kinh tham gia ngay trong năm đầu tiên của hội nghị này. Điều này không loại trừ khả năng trong tương lai Bắc Kinh sẽ được tham gia vào sự kiện này ở chừng mực nào đó.
Thứ 3, không có gì lạ khi Mỹ xem xét liệu có mời Trung Quốc dựa trên cách hành xử hiện tại của nước này.
Nhiều nhà làm luật Mỹ coi hợp tác quốc phòng không chỉ là một cách khác để hợp tác với Trung Quốc, mà còn là cách để điều tiết cách ứng xử của Trung Quốc theo hướng thúc đẩy hòa bình và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương. Với thực tế thời gian qua Trung Quốc có nhiều động thái hung hăng như lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông cho tới “quấy rối” Mỹ, rồi tiến hành cải tạo đảo ở Trường Sa, Biển Đông thì rõ ràng không hợp lý khi mời Bắc Kinh tham dự vào sự kiện mới.
Thực sự đã có nhiều tiếng nói kêu gọi loại Trung Quốc ra khỏi các hoạt động quân sự do Mỹ chủ trì.
Cuối cùng, hiển nhiên Mỹ không có nghĩa vụ mời Trung Quốc tham gia các sự kiện quân sự này. Cho dù hai bên có các nỗ lực hợp tác thì Mỹ và Trung Quốc vẫn là các đối thủ có các lợi ích riêng. Không có lý gì lại trông mong họ cùng xuất hiện cùng nhau trong mọi hoạt động. Và không không có cơ sở nào để kết luận rằng căng thẳng giữa 2 bên sẽ giảm thông qua cuộc họp này.
Trên thực tế, theo Reuters, có một bản kế hoạch do một bên tư vấn xây dựng cho quân đội Mỹ, trong đó lưu ý rằng không nên “mời” Trung Quốc tham gia PALS vì đó là “đối thủ” của cả Mỹ và một số nước tham dự khác.
Nói rộng ra, khi Washington mở rộng hoạt động ở châu Á-Thái Bình Dương trong các năm sắp tới, Mỹ có thể để cho Trung Quốc tham gia vào một số sự kiện nhất định như Hổ Mang Bành hay RIMPAC. Mặt khác, Mỹ có thể áp dụng chiến thuật loại trừ Bắc Kinh khỏi các cuộc tập trận như là SEACAT với một số hải quân Đông Nam Á hay các cuộc gặp thường niên với các bộ trưởng quốc phòng ASEAN ở Mỹ, diễn ra lần đầu ở Hawaii vào năm 2014./.