Mỹ sẽ chuyển từ không kích sang dùng bộ binh để tấn công IS?
VOV.VN - Mỹ đã triển khai thêm 1.500 binh sĩ nhằm hỗ trợ quân đội Iraq chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) trên mặt đất.
Trong một cuộc phỏng vấn trên đài CBS, khi được hỏi Mỹ có đổ thêm quân vào cuộc chiến chống IS, Tổng thống Mỹ Barack Obama trả lời: “Là một tổng tư lệnh, tôi sẽ không bao giờ nói không bao giờ”.
“Dọn đường” cho bộ binh Mỹ?
Ngày 9/11, Mỹ đã triển khai thêm 1.500 binh sĩ nhằm hỗ trợ Iraq chống IS. Tuy nhiên, theo Tổng thống Barack Obama, 1.500 quân này chỉ đóng vai trò là cố vấn chứ không trực tiếp tham chiến.
Trong chương trình “Face the Nation” của đài CBS, Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh: Kế hoạch tăng quân cho chiến trường Iraq nằm trong chiến lược chống IS của Mỹ, đây không phải là do thất bại từ kế hoạch trước mà Mỹ phải tăng quân. Cần phải hiểu việc tăng quân là mở màn cho một một giai đoạn mới.
“Giai đoạn một của chiến dịch là xây dựng một chính phủ Iraq nhiều thành phần và đáng tin cậy, và chúng tôi đã làm được điều đó. Thay vì tìm cách hãm chân IS, giờ đây chúng ta có thể bắt đầu tấn công”
Ông giải thích thêm: “Những cuộc không kích của chúng tôi đã rất hiệu quả trong việc làm suy yếu sức mạnh của IS và làm chậm bước tiến của chúng. Giờ đây những gì chúng tôi cần là sử dụng lực lượng bộ binh Iraq để có thể đẩy lùi IS”.
Ông Obama nhấn mạnh rằng: như cam kết trước đây, sau giai đoạn không kích ban đầu, Mỹ sẽ hỗ trợ quân đội Iraq thể hiện vai trò mạnh mẽ hơn nữa trong các chiến dịch trên mặt đất, cùng với chiến dịch không kích “đóng cửa bầu trời” tấn công phiến quân IS. Mục tiêu cuối cùng là tiêu diệt đầu não của IS.
Lầu Năm Góc cũng ra thông báo cho biết 1.500 quân tăng cường sẽ được bố trí ở nhiều căn cứ để huấn luyện chiến đấu cho 9 lữ đoàn quân đội Iraq và 3 lữ đoàn dân quân người Kurd.
Khi được hỏi liệu Mỹ có đưa thêm quân tới Iraq hay không, ông Obama trả lời: “Là một tổng tư lệnh, tôi sẽ không bao giờ nói không bao giờ”
Thương vong ở Syria và Iraq gia tăng
Theo CNN, trong tuần qua bạo lực diễn ra dữ dội ở Syria và Iraq, phần lớn ở các khu vực do IS kiểm soát là nguyên nhân khiến ông Obama hết sức “sốt ruột” và phải gấp rút đưa ra tuyên bố như vậy.
Ngày 9/11, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết các trực thăng quân sự của Syria tối 8/11 đã thả nhiều bom thùng trong khi các máy bay chiến đấu phát động nhiều cuộc không kích nhằm vào thị trấn Al-Bab do phiến quân của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) chiếm giữ nằm ở phía Đông Bắc của thành phố Aleppo, khiến ít nhất 21 dân thường thiệt mạng và 100 người khác bị thương.
Một loạt các vụ đánh bom đã xảy ra hôm 9/11 tại Thủ đô Baghdad, Iraq làm ít nhất 43 người thiệt mạng. Nguồn tin cảnh sát địa phương cho biết, tại quận al-Sinaa, một vụ nổ bom đã làm hư hỏng một tòa nhà dân cư và làm hư hại nhiều cửa hàng quanh đó. 14 người đã thiệt mạng và khoảng 30 người khác bị thương trong vụ tấn công này. Một vụ đánh bom xe khác diễn ra cùng ngày tại quận Sadr của người Shiite đã khiến 9 người thiệt mạng và 24 người bị thương. Trong khi đó tại quận Amil cũng xảy ra 2 vụ đánh bom xe khác.
Chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm thực hiện các vụ tấn công trên, tuy nhiên, Lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng được cho là thủ phạm.
Tìm đến Iran – Mỹ thực sự “bí” trong cuộc chiến IS?
Trên kênh truyền hình CBS, Tổng thống Barack Obama đã phải công nhận vai trò của Iran trong cuộc chiến chống IS. Bản thân chính quyền của ông Obama cũng đã thừa nhận đang đi trên dây cùng Iran, nhằm mục tiêu duy nhất là làm suy yếu nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Tuy nhiên, chính quyền Obama vẫn liên tục nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại rằng họ đã, đang và sẽ không phối hợp hành động quân sự với Iran mặc dù giới chức từ hai nước này đã thảo luận với nhau về vấn đề một cách rộng mở hơn.
“Điều chúng ta mong muốn lớn nhất là giảm thương vong trong cuộc chiến chống IS, phải hiểu rằng quân đội và dân quân của Iran có tham gia hỗ trợ Iraq và Syria trong cuộc chiến này”. “Chúng ta muốn họ biết rằng: Họ đừng làm xáo trộn mọi việc. Bản thân chúng ta cũng không ở đây để làm lộn xộn thêm tình hình. Chúng ta chỉ tập trung vào kẻ thù chung mà thôi”. Ông Obama nói.
Trước đó, trong một động thái đầy bất ngờ, Tổng thống Mỹ Barack Obama được cho là đã bí mật gửi một bức thư đến Nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. Nội dung bức thư này đề cập đến cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tuy nhiên, trong khi không khẳng định cũng không phủ nhận sự tồn tại của một bức thư như thế, giới chức chính quyền Obama cho hay, họ vẫn chưa có kế hoạch hợp tác hay phối hợp với Iran trong cuộc chiến chống IS.
“Mỹ sẽ không hợp tác về quân sự với Iran trong nỗ lực đó. Chúng tôi sẽ không chia sẻ thông tin tình báo với họ”, phát ngôn viên Nhà Trắng – ông Josh Earnest khẳng định.
Kể từ tháng 8, thời điểm bắt đầu cuộc chiến chống IS, Mỹ đã có kế hoạch hợp tác hành động với một loạt nước, trong đó có nhiều đối tác khu vực.
Iran không phải là một phần của liên minh Mỹ, thậm chí bị coi là “kẻ thù không đội trời chung” vì một loạt vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân, hay bị Mỹ quy có tham gia hỗ trợ khủng bố. Hiện tại, Iran đang thể hiện vai trò không thể thiếu trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Tuy nhiên, lợi ích của Iran trong việc theo đuổi mục tiêu đánh bại nhóm IS khác với mục tiêu của chính quyền Obama. Iran là một đồng minh ủng hộ mạnh mẽ cho Tổng thống Bashar al Assad – người đang là mục tiêu của phe nổi dậy Syria và bị Mỹ phản đối gay gắt./.