Mỹ trừng phạt Nga: Vì sao khó thành công?
VOV.VN - Ngay cả khi nắm trong tay “con bài chiến lược” có thể dìm giá dầu xuống mức thấp khiến kinh tế Nga lao đao, Mỹ vẫn không khuất phục được Nga.
Kể từ tháng 3/2014 đến nay, Mỹ và các nước phương Tây đã liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt Nga với cáo buộc Nga có liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Về cơ bản, các lệnh trừng phạt đối với Nga chủ yếu tập trung vào ngành năng lượng, công nghiệp quốc phòng và tài chính, ba trụ cột chính của nền kinh tế Nga với ba mục đích: làm kiệt quệ nền kinh tế Nga, cô lập Nga trên trường thế giới và trong trường hợp có thể là thay đổi chế độ tại nước Nga.
Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ mới chỉ đạt được mục tiêu đầu tiên và cũng chưa ai dám khẳng định “thắng lợi nhỏ” này có thể kéo dài bởi những hệ lụy của nó đến Mỹ và châu Âu là hết sức khó lường.
Mỹ có thực sự thắng trên mặt trận kinh tế?
Với việc giá dầu thô thế giới đang giao động xung quanh mốc 50USD/thùng và việc đồng ruble chỉ duy trì ở mức 62 ruble/1 USD, mức thấp nhất trong nhiều năm qua, có thể thấy, kinh tế Nga đang lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn.
Điều này là bởi, nền kinh tế Nga vốn rất “mong manh” trước biến động của giá dầu mỏ gần như sẽ không thể tìm được đầu ra cho số lượng dầu mỏ và khí đốt mà nước này sản xuất. Thế mạnh một thời khiến châu Âu phải “chùn tay” khi nghĩ đến việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga do lo ngại phải trải qua “mùa Đông băng giá” khi không nhận được khí đốt từ Nga nay lại trở thành một gánh nặng đối với Nga.
Hơn thế nữa, việc giá dầu giảm khiến dự án hợp tác dầu khí chiến lược trị giá 400 tỷ USD giữa Nga và Trung Quốc, vốn được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích cho cả hai khi Nga tiếp cận được thị trường mới đang “rất khát năng lượng” và Trung Quốc lại được mua khí đốt với giá rẻ, gần như bị phá sản bởi Nga phải chấp nhận “lỗ lớn” trong khi Trung Quốc cũng không nhận được “giá hời”.
Hơn thế nữa, việc giá dầu mỏ giảm khiến Nga không còn duy trì được sức ép với các nước phương Tây như trước nữa và vì vậy, các nước phương Tây sẽ không ngần ngại gì trong việc gây thêm những tổn hại đến nền kinh tế Nga.
Tuy nhiên, khi Nga bắt đầu “ngấm đòn” và đang phải xoay xở mọi cách để từng bước vực dậy nền kinh tế của mình thì chính châu Âu và Mỹ lại bắt đầu phải lo lắng.
Công nghệ khai thác dầu từ đá phiến có thể giúp giảm mạnh giá dầu về ngưỡng 50 USD/thùng nhưng ngưỡng này không thể duy trì quá lâu bởi giá vốn để sản xuất được một thùng dầu bằng công nghệ này là 65 USD.
Như vậy, Mỹ đang phải “bù lỗ” cho mỗi thùng dầu là 15 USD và với việc OPEC cũng đang duy trì sản lượng để “giữ giá” và các nước như Trung Quốc đang tranh thủ “hút dầu” để thỏa mãn “cơn khát” của mình khi giá rẻ, khó có thể nói trước được rằng kinh tế Mỹ sẽ “chịu nhiệt” được trong bao lâu và khi giá dầu tăng trở lại, Mỹ sẽ thiệt hại nghiêm trọng như thế nào?
Cô lập Nga hay giúp Nga có thêm đồng minh mới?
Với việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga và lôi kéo các nước Đông Âu gia nhập NATO để mở rộng biên giới của khối này đến tận “cửa ngõ” của Nga, Mỹ và phương Tây kỳ vọng Nga sẽ bị cô lập hoàn toàn trong “không gian hậu Xô Viết”.
Ngoài ra, Mỹ và phương Tây cũng cho rằng, với tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của mình, sẽ rất ít nước “dám” công khai hợp tác với Nga nếu không muốn gánh chịu những “đòn trừng phạt” tương tự như Nga.
Tuy nhiên, những diễn biến gần đây lại cho thấy điều hoàn toàn ngược lại.
Lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây chưa kịp “xiết chặt” khiến Nga “không thể vùng vẫy được” đã bị Nga hóa giải bằng chính sự năng động của mình.
Đúng như Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây chỉ khiến Nga ngày càng trở nên năng động hơn và các doanh nghiệp của Nga càng biết cách thích nghi với hoàn cảnh khó khăn hơn.
Không chỉ chủ động hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực khí đốt, Nga còn đẩy mạnh việc bán các loại vũ khí hiện đại cho Trung Quốc nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước cũng như nhận được sự hậu thuẫn của Trung Quốc trong các vấn đề quan trọng trên trường quốc tế.
Ngoài ra, Nga cũng nhanh chóng thiết lập liên minh kinh tế Á-Âu với sự tham gia của Nga, Belarus và Kazakhstan. Liên minh này sẽ tiếp nhận thêm Kyrgyzstan vào tháng 5 tới và sẽ tiếp tục được mở rộng thêm.
Không chỉ tìm đến các đối tác thân cận và những đối tác mới, Nga còn chủ động “gây sốc” khi đề nghị EU nên từ bỏ việc theo đuổi Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với Mỹ và quay sang tham gia Liên minh kinh tế Á-Âu do Nga khởi xướng.
Dù đây chỉ là tuyên bố mang tính chất đáp trả việc Mỹ và châu Âu liên tục lôi kéo các nước Đông Âu về phía mình, khó có thể phủ nhận rằng chính Mỹ và châu Âu cũng đang phải tự xem xét lại mình.
Tổng thống Putin và Obama, ai đang lung lay hơn?
Dù đang đối mặt với muôn vàn khó khăn khi kinh tế trong nước suy giảm, sức ép từ Mỹ và phương Tây dù đang lỏng dần nhưng vẫn không hề nhỏ, Tổng thống Nga Putin lại chưa một lần dao động.
Liên tiếp trong các phát biểu của mình khi Mỹ và châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt kể từ tháng 3/2014 khi Nga sáp nhập Crimea, Tổng thống Nga Putin luôn khẳng định, các lệnh trừng phạt trên sẽ không khiến Nga phải lo ngại và thậm chí nó còn có thể gây phản tác dụng.
Gần đây nhất, trong thông điệp liên bang ngày 4/12 và trong cuộc họp báo lớn thường niên ngày 19/12, ông Putin cũng bày tỏ thái độ lạc quan khi nhấn mạnh Mỹ và châu Âu “không thể bẻ nanh Gấu Nga” và “kinh tế Nga sẽ phục hồi trong 2 năm tới”.
Chính bản lĩnh và sự bình tình trong lúc nước sôi lửa bòng và thái độ dám đứng mũi chịu sào của ông Putin đã “tiếp lửa” cho người dân Nga và tạo một niềm tin sắt đá vào chính phủ của Tổng thống Nga Putin mà con số 80% người dân Nga ủng hộ ông là minh chứng rõ rệt nhất.
Trong khi đó, ông Obama chỉ nhận được sự ủng hộ của khoảng 40% người dân Mỹ và con số này đang giảm dần khi ông đang ở trong 2 năm cuối của nhiệm kỳ thứ 2 của mình.
Lý do là bởi, Tổng thống Obama đã thể hiện “bộ mặt yếu ớt” khi chưa thể giải quyết được một loạt các vấn đề then chốt trên thế giới như tình hình khủng hoảng Ukraine, cuộc chiến chống IS và ngay cả trong việc thuyết phục thuyết phục châu Âu tiếp tục gây sức ép với Nga.
Nhiều đồng minh chủ chốt của Mỹ như Pháp và Đức cũng đang lên tiếng yêu cầu Mỹ cần dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt với Nga bởi hai nước này đang phải “gồng mình lên quá nhiều” khi làm việc này.
Trong khi Pháp ở vào thế “mất mặt” khi không chịu bàn giao tàu Mistral cho Nga theo đúng hợp đồng thì Đức cũng đang phải lao đao tìm nguồn cung khí đốt lâu dài cho mình bởi nền kinh tế Đức từ lâu đã quá phụ thuộc vào nguồn cung từ phía Nga. Chính vì vậy, thay vì khiến Nga bị cô lập thì chính mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu cũng đã “sứt mẻ” ít nhiều.
Tình hình trong nước cũng không mấy khả quan hơn khi ông Obama không thể giải quyết được mâu thuẫn giữa người da màu và người da trắng vốn vẫn âm ỉ trong lòng nước Mỹ đã bùng lên sau các vụ cảnh sát da trắng giết hại người da màu mà không bị xét xử.
Ngoài ra, việc mất quyền kiểm soát Thượng viện vào tay Đảng Cộng hòa kể từ năm 2015 cũng khiến ông Obama sẽ phải “lao tâm khổ tứ” hơn rất nhiều khi phải đối đầu với lưỡng viện Quốc hội Mỹ do Đảng Cộng hòa nắm. Dù đe dọa sẽ dùng quyền phủ quyết của mình, nhưng rõ ràng vị thế của ông Obama và Đảng Dân chủ đang yếu đi trông thấy.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Obama có tuyên bố ông Putin không hơn gì mình và Tổng thống Nga đang phải vật lộn giải quyết nền kinh tế trì trệ trong nước.
Tuy nhiên, việc luôn phải “so kè” với đối thủ như vậy đã cho thấy ông Putin đang là “nỗi ám ảnh khó nuốt trôi” của ông Obama và cũng là một cách gián tiếp thừa nhận vị thế yếu hơn của Tổng thống Mỹ bởi việc nhắc quá nhiều đến đối thủ chính là sự khẳng định sự thiếu tự tin của mình./.