Nga và phương Tây đã đánh mất nhau như thế nào?
VOV.VN - Sự kiện Crimea và tình hình bất ổn hiện nay ở Ukraine được cho là nguyên nhân chính dẫn đến sự đổ vỡ trong quan hệ Nga – phương Tây.
Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và hai lãnh đạo Crimea đặt bút ký vào hiệp ước sáp nhập bán đảo Biển Đen vào Liên bang Nga, ông Putin phát biểu rằng Crimea "đã và sẽ mãi mãi là một phần không thể tách rời của Nga"; đồng thời lên tiếng cám ơn Trung Quốc vì đã ủng hộ Nga. Bắc Kinh bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Liên Hợp Quốc về vấn đề Crimea trong khi Moscow bỏ phiếu phủ quyết.
Sự hiện diện của Trung Quốc trong bài phát biểu lịch sử của ông Putin cho thấy, dường như Tổng thống Nga đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho mối quan hệ “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” với phương Tây, và Trung Quốc hay nói rộng hơn là châu Á sẽ là lựa chọn thay thế đầy hứa hẹn cho Liên bang Nga.
Quan hệ Nga và phương Tây trước hố sâu ngăn cách
Trước đây, quan hệ với Liên minh Châu Âu (EU) là ưu tiên hàng đầu của Liên bang Nga. Có một con số khá thú vị là 3/4 lãnh thổ Nga nằm ở Châu Á, nhưng 3/4 dân số nước này lại sống ở phần lãnh thổ Châu Âu. Ngoài các liên kết lịch sử và văn hóa, Châu Âu còn chiếm hơn một nửa giao dịch thương mại của Nga.
Tuy nhiên, mối quan hệ này lại xấu đi trong những năm gần đây do rất nhiều nguyên nhân. Trên thực tế, mâu thuẫn giữa Nga - EU cùng với Mỹ đã diễn ra từ lâu và tạo ra cuộc đối đầu gay gắt giữa Đông - Tây.
Trong một bài viết trên tờ Kommersant, Ngoại trưởng Lavrov nhận định, dường như các đối tác phương Tây và Mỹ đang theo đuổi cách phản ứng mang tính phản xạ dựa trên nguyên tắc đơn giản "chúng ta chống lại bọn họ" và không thực sự nghĩ về tác động lâu dài của điều họ đang làm.
Sau rất nhiều những bất đồng liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Âu, vấn đề Syria, chương trình hạt nhân Iran… Có thể nói, căng thẳng giữa Nga với phương Tây và Mỹ đã lên đến đỉnh điểm sau những diễn biến liên quan đến tình hình tại Ukraine.
Ngày 17/3, tức là chỉ một ngày sau khi cuộc trưng cầu dân ý đầy tranh cãi ở Crimea diễn ra, EU đã công bố các biện pháp trừng phạt 21 quan chức Nga. Cùng ngày, chính phủ Mỹ cũng thông báo, sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính đối với 7 nhà lập pháp, quan chức cấp cao của Nga và 4 nhà lãnh đạo ở Cộng hòa tự trị Crimea vì đã "phá hoại tiến trình dân chủ và các thể chế ở Crimea". Ngoài ra, Nhà Trắng còn tuyên bố sẽ phong tỏa tài sản của một số cá nhân không thuộc chính phủ Nga nhưng ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea.
Trong một động thái được cho là mạnh tay và quyết đoán, G8 cũng đã “thẳng tay” loại Nga ra khỏi nhóm các cường quốc công nghiệp. Ngày 4/6, G7 đã nhóm họp tại Brussels (Bỉ) thay vì Sochi (Nga) như dự kiến ban đầu. Lần đầu tiên sau 17 năm, Nga không có mặt Hội nghị thượng đỉnh này sau khi bị các nước trong nhóm tẩy chay để trả đũa cho việc Nga sáp nhập Crimea cũng như bị coi là tác nhân gây ra tình hình bất ổn ở miền Đông Ukraine.
Trên thực tế, kể từ khi Crimea chính thức trở thành một phần lãnh thổ của Nga, Mỹ và EU đã áp đặt nhiều lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản với các quan chức cấp cao của Nga và Crimea, đe dọa các biện pháp trừng phạt kinh tế và thương mại mạnh mẽ hơn nếu Moscow tiếp tục có những hành động được cho là gây bất ổn tại Ukraine.
Cho đến nay, Mỹ vẫn khẳng định sẽ tấn công Nga bằng cách phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) cấm vận nước này, nhằm giảm thiểu tác động và thể hiện một mặt trận phương Tây đoàn kết.
Mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ của châu Âu với Nga đã khiến cho khối liên minh gồm 28 thành viên này đóng vai trò chủ chốt trong việc đảm bảo các đòn trừng phạt nhằm vào Moscow có đủ uy lực. Tuy nhiên, cũng chính điều này lại khiến EU ngại ngần vì trừng phạt Nga có thể tác động ngược trở lại và gây tổn thất cho nền kinh tế của họ.
Mỹ trừng phạt nặng tay, Nga vẫn nói cứng
Ngày 15/7, sau nhiều tuần không động tĩnh, các nhà chức trách Mỹ nói rằng, giờ đây nước này sẵn sàng hành động một mình nếu châu Âu không trừng phạt Nga gắt gao hơn. Quyết tâm của Mỹ nhằm trừng phạt Nga mà không cần sự hậu thuẫn của EU được tiết lộ sau khi chính quyền Obama đối mặt với nhiều chỉ trích rằng, những cảnh báo lặp đi lặp lại về việc cấm vận Moscow chỉ là những lời đe dọa suông.
Khi những thông tin trên còn chưa ráo mực trên các mặt báo, Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đơn phương tung ra một loạt đòn trừng phạt mới nhằm vào các cá nhân cũng như tổ chức tài chính và công ty quốc phòng của Nga mà Washington cho là có liên quan đến tình hình bất ổn ở Ukraine.
Trước động thái này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng cho rằng, các biện pháp trừng phạt mới của Washington nhằm vào Moscow sẽ phản tác dụng, tác động ngược trở lại đối với Mỹ và giáng một đòn nghiêm trọng vào quan hệ song phương.
Ông Putin nói khi đang có mặt ở Brazil tham dự hội nghị Thượng đỉnh của nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS): “Chắc chắn việc này (áp đặt các lệnh trừng phạt) đang đẩy mối quan hệ Nga - Mỹ đến chỗ bế tắc và gây phương hại cực kỳ nghiêm trọng cho mối quan hệ này. Và tôi tin rằng động thái đó sẽ làm tổn hại các lợi ích quốc gia dài hạn của nước Mỹ và người dân Mỹ”.
Trong khi đó, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng, tất cả các biện pháp trừng phạt Nga dù là dưới hình thức hay quy mô nào cũng đều là vô nghĩa. Cách làm này sẽ không bao giờ dẫn đến một kết quả tích cực”.
Bộ Ngoại giao Nga cũng cho rằng: “Nếu Washington có ý định hủy hoại mối quan hệ Nga – Mỹ thì đó là lương tâm của họ. Chúng tôi sẽ không tha thứ cho hành động tống tiền (trừng phạt kinh tế) và có quyền trả đũa. Các biện pháp trừng phạt, thông thường đều có tác động ngược và không nghi ngờ gì nữa, nó sẽ đẩy quan hệ Nga – Mỹ đi vào ngõ cụt, nó làm xói mòn lợi ích lâu dài của Mỹ”.
Ông Andrei Kostin, Giám đốc điều hành ngân hàng VTB, ngân hàng lớn thứ hai ở Nga nằm trong danh sách trừng phạt của minh cũng đã lên tiếng cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng của lệnh trừng phạt với hệ thống tài chính toàn cầu.
Itar-Tass dẫn lời ông Kostin: “Tất nhiên, những biện pháp trừng phạt là không phù hợp và chúng cũng không phù hợp với tinh thần và các tiêu chuẩn pháp lý của quan hệ quốc tế hiện có, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Tôi tin rằng nếu chúng ta không có biện pháp ngăn chặn hành động đơn phương như vậy, chúng ta có thể phải chứng kiến hậu quả nghiêm trọng với hệ thống tài chính toàn cầu”.
Kinh tế Nga lao đao
Theo nhận định của giới phân tích, các biện pháp trừng phạt sẽ khiến cả hai phía bị tổn thất, dù Nga đã và đang tỏ ra “cứng rắn” sẵn sàng đương đầu với mọi biện pháp trừng phạt kinh tế từ châu Âu và Mỹ, nhưng rõ ràng, thiệt hại kinh tế mà Moscow phải gánh chịu là không hề nhỏ, đặc biệt là khi nền kinh tế Nga đã có dấu hiệu “không được khỏe” từ hai năm qua.
Trước hết, căng thẳng ở Ukraine đã dẫn tới "cuộc khủng hoảng niềm tin" ở Nga, khiến đầu tư sụt giảm mạnh và thương mại sa sút. Các số liệu mới công bố cho thấy thực trạng đáng quan ngại về kinh tế Nga. Cụ thể là tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý I/2014 chỉ đạt 0,8%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng tăng 2,5% mà Bộ Kinh tế Nga đưa ra trước đó.
Chỉ số chứng khoán chủ chốt tại Thị trường chứng khoán Moscow đã giảm 10% trong tháng 3/2014, do dòng vốn chảy khỏi thị trường. Trong 3 tháng đầu năm 2014, đồng ruble để mất 9% giá trị so với đồng USD, khiến các hóa đơn nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Cùng thời gian này, các nhà đầu tư đã rút tới 70 tỷ USD khỏi Nga, vượt xa con số 63 tỷ USD của cả năm 2013. Đầu tư đã giảm 4,8% trong quý 1/2014.
Số liệu thống kê mới nhất từ Ngân hàng Trung ương Nga cho thấy, khoảng 51 tỷ USD vốn đầu tư đã bị rút khỏi Nga trong quý I/2014. Đợt thoái vốn này chủ yếu là do các nhà đầu tư lo ngại trước căng thẳng tại Ukraine leo thang, khiến Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga.
Trang web tài chính Quartz.com của Nga nhấn mạnh, mức độ thoái khỏi Nga trong quý I vừa qua là mức cao nhất kể từ quý IV/2008. Nga có thể hạn chế thiệt hại từ lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ lên tới 400 tỷ USD, song số liệu mới đây của Ngân hàng trung ương là một tín hiệu cho thấy điều tệ hại hơn sẽ xảy ra.
Theo Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov, tình trạng thoái vốn trên thị trường là hệ quả của việc một khối lượng lớn đồng ruble được đổi ra ngoại tệ.
Ông Siluanov thừa nhận việc vốn bị rút khỏi thị trường làm giảm cơ hội đầu tư và gây thêm khó khăn cho ngân sách. Tăng trưởng trì trệ cũng liên quan đến việc Nga phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu năng lượng và nền kinh tế chưa được hiện đại hóa.
Trong khi đó, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), không tính đến các biện pháp trừng phạt thực tế, trong điều kiện căng thẳng chính trị với Ukraine, nền kinh tế Nga có thể giảm 1,8% trong năm nay theo kịch bản bi quan, hoặc tăng 1,1% nếu theo kịch bản lạc quan.
Dù là kịch bản nào thì báo cáo của WB cũng cho thấy kinh tế Nga sẽ phải trả giá đắt khi tăng trưởng sụt giảm trước tác động của cuộc đối đầu với phương Tây được cho là nghiêm trọng nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Không những thế, báo cáo của WB còn cảnh báo các ngân hàng Nga có thể đối mặt với những hạn chế trong tiếp cận các thị trường vốn quốc tế và giới đầu tư nước ngoài có thể rút tiền khỏi nước này, trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Ukraine và phương Tây đưa ra những đe dọa trừng phạt mới.
Hơn ai hết, Nga chính là bên hiểu rõ nhất những tác động do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây gây ra đối với nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, Nga chẳng những không e sợ mà còn tuyên bố sẵn sàng “ăn miếng trả miếng”, phải chăng Moscow đang nắm trong tay một quân bài quan trọng?./.
Đón đọc bài 2: Quân bài khí đốt có còn đủ sức mạnh trong tay Nga?